Khiếp vía sau lần đối mặt với 'văn hóa' bún mắng cháo chửi ở Hà Nội

09/07/2012 09:23
Lưu Trọng Văn
(GDVN) - "Tôi ngạc nhiên, mới nói, người Bắc vốn khách sáo, mà khách sáo là một biểu hiện của phép lịch sự tối thiểu có gì mà sợ. Gã trố mắt lên: “Xưa rồi Diễm ơi!”.
Gần nhà tôi ở Sài Gòn có một gia đình Bắc “mợ”, tức là đặc sệt Bắc – Hà thành, giống như “Huế - mệ” để chỉ những người đặc sệt Huế. Những ngày bao cấp, miếng ăn thiếu, có lúc qua chơi thấy trên bàn của gia đình “Bắc – mợ” này chỉ nhõn đĩa rau muống luộc với quả trứng vịt luộc, ấy vậy khi ăn, cậu – ông chồng vẫn đon đả mời mợ - bà vợ xơi và ngược lại bà vợ - mợ cũng đon đả không kém mời cậu – ông chồng xơi. Người ta xưa nay bảo người Bắc – mợ rất khách sáo, chẳng ngoa.

Chủ của tập đoàn “com pho”
...

Với ấn tượng về người Bắc – mợ khách sáo ấy, tôi ra Hà Nội chơi ở cái thời các gia đình đã có miếng ăn, miếng để. Trên tàu hỏa cùng phòng với một gã trung niên có hàm râu con kiến rất ngộ nghĩnh. Gã giọng Bắc – mợ thứ thiệt như “cậu” và “mợ” kia ở cạnh nhà tôi, khoe, vừa đi Mỹ về gặp toàn giới doanh nhân nổi tiếng bên ấy.

Khi chìa cái “cạc” (các vi-dít - PV) ghi tên gã là chủ của tập đoàn “com pho”, những doanh nhân Mỹ đã từng tới đất Bắc và ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định đã phải ngả mũ kính nể vì cái độ phủ chân rết “com pho” kín mít của tập đoàn trên. 

Tôi mới ngạc nhiên hỏi: “Vậy tập đoàn “com pho” của cậu kinh doanh cái gì?”. Gã rung hàm râu con kiến lên cười: “cơm phở” là tiếng ta đấy bác. Tôi nghe và hiểu đó là câu chuyện vui, nhưng gã kia liền nghiêm sắc mặt: “Bác ra Bắc, lần đầu vào các quán ăn phải rất cẩn thận đấy nhá!”.

Một quán bún, phở ở Hà Nội.
Một quán bún, phở ở Hà Nội.


Tôi ngạc nhiên, mới nói, người Bắc vốn khách sáo, mà khách sáo là một biểu hiện của phép lịch sự tối thiểu có gì mà sợ. Gã trố mắt lên: “Xưa rồi Diễm ơi!”. 

Thế rồi tôi cũng có dịp lang thang ở các hàng quán Hà thành để xem Diễm còn “tươi” hay đã xưa.
 
Qua một quán “cơm phở”, một chị ăn mặc khá lịch sự nở nụ cười rất thân thiện chào đón tôi: “Chào bác! Mời bác vào quán em ạ!”. “Chà! Lịch sự quá, lời mời như cởi tấm lòng”. Tôi bước vào quán, một cô gái kê ghế cho tôi ngồi rồi lễ phép: “Dạ, thưa bác, bác dùng gì ạ?”. Tôi chỉ một số món, lúc sau các món ăn đã tươm tất dọn lên. Chị chủ quán đon đả: “Dạ, em chúc bác ăn ngon miệng ạ!”. 
Tôi khoái chí lắm vì ở Sài Gòn vào các quán cơm phở bình dân hiếm khi có được những cử chỉ tao nhã như thế. Tôi vui vẻ cầm đũa và ăn. Bỗng “rốp”. Tôi nhai phải viên sạn. Tôi tự nhủ, không sao, gặp sạn thì nhè ra. Nhưng rồi khi tôi quấy đũa vào bát canh cua thì phát hiện ra một con... ruồi. Tôi nói với cô gái phục vụ. Cô gái bảo: “Dạ, cháu xin lỗi bác, để cháu đổi bát canh khác ạ!”. 

Cô gái đem vào nhà trong, đúng lúc tôi muốn đi vệ sinh nên tôi cũng theo cô gái vào nhà trong thì bất ngờ nhìn thấy cô gái gắp con ruồi ra rồi đổ bát canh sang chiếc bát khác. “Ối giời ơi! Thế này là thế nào?”. 

Tôi phản ứng. Cô gái cười: “Dạ, xưa nay cháu vẫn làm như vậy ạ”. Tôi không kìm được mình nữa nói với chị chủ quán, thì hỡi ôi, tôi không tin được từ miệng  vốn ngọt ngào của chị ta bỗng tuôn ra những lời khó nghe: “Lắm chuyện! Ở đâu mà chẳng có ruồi. Ông không ăn thì xéo!”. Tôi sững người lại rồi ghìm lòng mình chịu trận, lặng lẽ bước ra khỏi quán thoát thân.

Chị chủ bèn nắm lấy áo tôi giật lại: “Tiền! Trả tiền chứ!”. Tôi bảo: “Mâm cơm còn nguyên, tôi đã ăn đâu!”. Chị tru tréo: “Vậy ông chả nhai cái “rốp” là gì”. Tôi bảo: “Sạn”. Chị bảo: “Sạn cũng là cơm”. Tôi hỏi: “Thưa chị, bao nhiêu tiền ạ?”. Chị chủ bèn xuống giọng đon đả: “Sài Gòn ra hả? Thôi, nể người Sài Gòn, đây chỉ xin một lít”. “Một lít là bao nhiêu?” tôi hỏi. “Một trăm” -  chị chủ đáp. 

Ờ hơ, 100.000 đồng một miếng nhai cái rốp vì sạn. Tôi sực nhớ lời của gã trên tàu hỏa: “Bác ra Bắc lần đầu vào các quán ăn phải cẩn thận đấy nhá!”. Bài học đầu tiên của tôi ở Hà Nội đó là: Vào quán ăn phải hỏi giá trước và không nên nhẹ dạ chỉ tin vào những lời mời chào ngọt ngào lịch sự.

Bún chửi...


Đói thì vẫn phải ăn. Qua một quán bún riêu bên đường, thấy đông các bà các cô đang xì xụp húp bún đến là bắt... miệng, tôi liền tấp vô. Thấy một khoảng trống nhỏ trên chiếc đòn ghế dài giữa hai bà đang húp bún, vì phép lịch sự của một gã đàn ông Sài Gòn, tôi ái ngại không thể chen vào chỗ trống đó để ngồi được nên cứ tần ngần đứng. 

Bà bán bún thấy tôi bèn bảo: “Đứng chầu mồm à? Ăn không thì bảo?”. Tôi sững lại trước văn phong của bà bán bún, nhưng thấy mọi người ăn bún ngon quá, tôi lại đang đói nữa nên ghìm tất cả cơn tự ái lại, nói “Chị cho xin 1 tô”. Bà chủ gắt: “Tô, tô cái gì? Ra đây phải gọi là bát nhá!”.

Các chị các bà đang ăn bún nghe bà bán bún nói vậy thì cười rộ lên. Tôi thừ người ra đến là tội nghiệp. Bà bán bún thấy vậy tự dưng nhẹ giọng xuống: “Vậy ông ăn bằng miệng hay ăn bằng tai? Ăn bằng miệng thì ngồi xuống. Bà kia! Xích cái đít mỡ ra một chút cho người ta ngồi”. 

Sau câu ra lệnh của bà bán bún, hai bà ăn bún nhích người một chút tạo ra khoảng trống lớn hơn cho tôi ngồi. Tôi “bẽn lẽn” ngồi xuống, co ro lại như sợ động chạm vào thân thể của hai bà ngồi hai bên. Bà bán bún liền bật cười: “Rõ anh hai Sài Gòn, lịch sự thời này lấy đây ra. Dân Hà Nội tụi em đã chán ngấy cái trò lịch sự dối trá ấy rồi.

Cơm hàng, cháo chợ phải chen chúc mới vui, mới ngon à. Ngon ở cái vai kề vai, mông kề mông ấy đấy!”. Và, tôi đã ăn tô bún riêu cua của người đàn bà lắm điều, oang oang những “ngữ” tục ấy. Tôi phải thú thật rằng, đó là tô bún riêu ngon nhất mà tôi đã được ăn. Không biết có phải vì cua đồng thứ thiệt hay vì hơi ấm nóng từ bờ vai, từ cặp mông của hai người đàn bà “tự nhiên như ruồi” truyền qua tôi. 

Tôi bất ngờ nhận ra bài học thứ hai từ cái chuyện “ăn” của mình ở xứ sở này, đó là “ăn bằng tai hay ăn bằng miệng” và “cơm hàng cháo chợ” ăn chen chúc mới vui. Vào một quán ăn “lịch sự” nào đó, người ăn chỉ biết ăn cái phần của mình, chăm chú vào miếng ăn hoặc lo giao lưu thì giao lưu với người bạn của mình. Ai biết phận nấy. 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Còn ở hàng quàn vỉa hè “cơm hàng ,cháo chợ” thì cái ngon được nhân lên bởi cái sự “vui” khi những người ăn không quen biết nhau lại xì xụp đưa đẩy nhau cùng lời ra tiếng vào oang oang bỗ bã của người bán. Đấy! Có ngay chuyện. Bà ăn bún ngồi bên phải tôi húp xong bát bún bèn nhìn sang bát bún của tôi nói: “Bún riêu phải bỏ nhiều rau vào mới ngon”.

Bà ăn bún ngồi bên trái tôi không cần biết tôi có đồng ý hay không, cứ tự nhiên như người Hà Nội, nhúng một đầu đũa vào lọ đựng mắm tôm rồi nhúng vào tô bún của tôi: “Bác ăn thử xem, ngon tuyệt cú mèo”.

Về lại khách sạn nghỉ ngơi chuẩn bị đi thăm các chùa ở ngoại ô Hà Nội, vừa gặp tôi, cậu lễ tân xởi lởi: “Bác ăn gì chưa, cháu chỉ chỗ vừa ngon vừa rẻ”. “Cám ơn cậu. Tôi ăn rồi”. Nhưng vì tò mò tôi vẫn hỏi cậu ta: “Vậy chỗ nào vừa ngon vừa rẻ?”. Cậu ta đáp một câu ngon ơ: “Ở các quán vỉa hè Hà Nội này, ngon và rẻ nhất là “bún mắng, cháo chửi”. 

Sao lại có loại văn hóa phục vụ ăn uống kỳ lạ là “Bún mắng, cháo chửi hả trời?”. Thấy tôi đầy vẻ ngạc nhiên, cậu lễ tân nói tiếp: “Chẳng mời chào gì đâu, người ta bán hàng ngon, rẻ, việc gì phải mời chào. Khách đến cứ chửi mắng te tua ấy, vui lắm, vui như đi xem hát ấy. Ăn uống mà cứ cắm cúi ăn, khác gì con vật. Ở vỉa hè Hà Nội ấy à, ăn uống cứ phải như trẩy hội ấy!”. 

Chứng kiến những gì ở quán bún riêu vỉa hè vừa rồi, lại nghe cậu lễ tân nói rất thật về cái gọi là ăn uống vỉa hè ở Hà Nội, tôi thấy có gì đó thật hấp dẫn, thú vị, và bao nhiêu bực dọc khi vào quán ăn lúc đầu bị “chặt đẹp” như xả ra hết. Tôi quyết định tối nay xuống phố, nói như cậu lễ tân là đi trẩy hội ăn một lần nữa để có thêm chuyện về làm quà kể với bạn bè Sài Gòn cho vui.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Lưu Trọng Văn