"Không nên đơn phương đối phó với tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông"

11/10/2013 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong tuần này ban đầu được xem như cơ hội cho Trung Quốc đang ngày một quyết đoán củng cố ảnh hưởng, nhưng thực tế sự chú ý đã đổ dồn vào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với thông điệp tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và mở rộng cách tiếp cận của Nhật Bản với Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
The Wall Street Journal ngày 10/10 nhận định, sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong tuần này ban đầu được xem như cơ hội cho Trung Quốc đang ngày một quyết đoán củng cố ảnh hưởng, nhưng thực tế sự chú ý đã đổ dồn vào Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với thông điệp tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và mở rộng cách tiếp cận của Nhật Bản với Biển Đông. Các nhà phân tích trước đó cho rằng nếu ông Obama không tham dự sẽ ít khả năng lãnh đạo các nước khác nâng cao vai trò, tầm quan trọng của vấn đề an ninh trong hội nghị này. Tuy nhiên đã có một ngoại lệ là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tập trung thu hút được sự chú ý thay vì phán đoán ban đầu rằng mọi người sẽ chỉ tập trung vào lãnh đạo Trung Quốc. Ông Abe đã xác định sẽ tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Nam Á trước tuyên bố ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với gần 85% diện tích vùng biển này. Trong phiên họp với lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi các nước không hành động đơn phương trong việc đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trên biển, đồng thời cần tham khảo luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định chủ trương đòi đàm phán song phương với từng bên riêng rẽ ở Biển Đông trong khi Philippines tiếp tục thúc đẩy vụ kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông ra tòa án Quốc tế về Luật Biển. Vấn đề Biển Đông là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế vì nó liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, ảnh hưởng đến trật tự hàng hải thế giới, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á. "Tất cả các nước liên quan phải thực hiện theo các quy định của pháp luật và tránh những hành động đơn phương", ông Shinzo Abe khẳng định, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang theo dõi chặt chẽ tiến trình đàm phán COC và ông hy vọng bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông sẽ sớm được ký kết. Lần đầu tiên tuyên bố chung trong một hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN với Nhật Bản đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và sự cần thiết của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế báo hiệu một lập trường rõ ràng hơn của Nhật Bản về Biển Đông. Kể từ khi nhậm chức hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đi thăm 8/10 nước Đông Nam Á, trừ Campuchia và Lào nhưng ông đã có kế hoạch tới thăm 2 quốc gia này vào tháng 12 tới đây khi Nhật Bản tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ với ASEAN. Lập trường quyết đoán hơn của Nhật Bản đối với an ninh khu vực đã khiến Bắc Kinh bất mãn. Khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nêu vấn đề cần đảm bảo tự do hàng hải trong phiên họp của APEC tại Bali, Indonesia tuần trước đã dẫn đến những phàn nàn, chỉ trích từ phía Trung Quốc.

Hồng Thủy