Không quân TQ sẽ thách thức Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

11/09/2011 09:17
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Theo báo Mỹ, không quân Trung Quốc là lực lượng quan trọng nhất có thể thách thức quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

Ngày 7/9, tờ “Văn Hối” Hồng Kông đưa tin, gần đây, Mỹ lại tiếp tục tuyên truyền về “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Tờ “Nhật báo phố Wall” bình luận, tuy nhiều nhà quan sát quân sự Trung Quốc còn đang quan tâm đến sự kiện tàu sân bay Thi Lang chạy thử lần đầu tiên, nhưng các nhà quyết sách Mỹ và các nước châu Á không thể coi nhẹ mặt khác của sức mạnh quân sự Trung Quốc:

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang không ngừng tăng lên, không quân Trung Quốc là lực lượng quan trọng nhất có thể thách thức lực lượng quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một ngày nào đó. Đồng thời, kế hoạch cắt giảm ngân sách dành cho không quân Mỹ có thể sẽ tiếp tục làm giảm khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia của không quân Mỹ.

Máy bay chiến đấu J-10 của không quân TQ đang huấn luyện tiếp dầu trên không
Máy bay chiến đấu J-10 của không quân TQ đang huấn luyện tiếp dầu trên không

Các nhà quan sát quân sự độc lập Bắc Kinh cho rằng, quan điểm của báo giới Mỹ đã đại diện cho một bộ phận chính giới, giới quân sự Mỹ hiểu sai về sự phát triển nhanh chóng của không quân Trung Quốc. Theo họ, sự lo ngại của Mỹ là vô căn cứ, thực chất là kết quả của tư duy Chiến tranh lạnh, vừa không phù hợp với nguyên tắc cơ bản phát triển quan hệ quân sự hai nước Trung-Mỹ, vừa không phù hợp với bầu không khí ấm lên của quan hệ Trung-Mỹ hiện nay.

Nhưng tại sao một bộ phận người Mỹ lại lo ngại về sự phát triển của không quân Trung Quốc?

“Thiên hạ vốn vô sự, cường quốc tự làm phiền”

Báo Mỹ cho rằng, hiện nay không quân Trung Quốc còn có khoảng cách vài năm so với không quân Mỹ về kinh nghiệm chiến đấu, đào tạo nhân lực, xây dựng kế hoạch hành động quân sự.

Nhưng không quân Trung Quốc đang tập trung nâng cao những khả năng này, hy vọng có thể đuổi kịp, đáng chú ý là lực lượng không quân Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng chuyển đổi, muốn chuyển từ lực lượng có trang bị thô sơ, thiếu huấn luyện sang lực lượng chiến đấu có sức mạnh ngày càng tăng cường.

Sự thay đổi kịch tính này đã phản ánh trên nhiều khía cạnh của không quân Trung Quốc, bao gồm nhiệm vụ quân sự, cơ cấu tổ chức, tố chất binh sĩ, trình độ giáo dục, đào tạo quân sự và vũ khí trang bị, đồng thời sự thay đổi này cũng sẽ được tiếp tục.

Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20, được Mỹ cho là sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018
Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20, được Mỹ cho là sẽ đưa vào sử dụng vào năm 2018

Theo các chuyên gia Trung Quốc, báo chí Mỹ phán đoán “không quân Trung Quốc có thể sẽ là lực lượng quan trọng nhất thách thức sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào một ngày nào đó” là thiếu sức thuyết phục.

Tuy trình độ chiến đấu của không quân hai nước Trung Quốc và Mỹ cơ bản không cùng một đẳng cấp, không quân Trung Quốc cũng không có ý định và không có khả năng để thách thức không quân Mỹ, thì tại sao phía Mỹ lại sử dụng nhiều hình thức để “nói ra nói vào” sự phát triển “bình thường” của không quân Trung Quốc?

Báo Trung Quốc cho rằng, quan điểm của báo Mỹ xuất phát từ tư duy bá quyền quen thuộc và hoàn cảnh thực tế hiện nay. Do xếp hạng tín dụng bị hạ thấp và tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, cho nên sự “phát triển bình thường” của không quân Trung Quốc bị một số người hoặc nhóm lợi ích của Mỹ gây phiền phức.

“Lo ngại chiến lược, lôi kéo nước nhỏ ngăn chặn Trung Quốc”

Để tăng sự quan ngại về sự phát triển của không quân Trung Quốc, báo Mỹ đã tiến hành phân tích số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc, nhấn mạnh: “Khi các phi công Trung Quốc bắt đầu tham gia các hành động quân sự liên hợp, tiến hành bay diễn tập trong đêm và thực hiện nhiệm vụ bay tầm xa từ hàng chục căn cứ khu vực duyên hải của Trung Quốc, nỗi sợ hãi của bên ngoài về việc kiểm soát khu vực Đông Á của không quân Trung Quốc bắt đầu tăng lên”.

Năm 2001, khi đang tiến hành do thám căn cứ hải quân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, máy bay trinh sát điện tử EP-3 của quân đội Mỹ đã xảy ra va chạm với máy bay của Trung Quốc.
Năm 2001, khi đang tiến hành do thám căn cứ hải quân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, máy bay trinh sát điện tử EP-3 của quân đội Mỹ đã xảy ra va chạm với máy bay của Trung Quốc.

Ngược lại, báo Trung Quốc phản pháo, nhiệm vụ phòng không của máy bay chiến đấu Trung Quốc không thể so sánh với các nước Đông Á; máy bay tiên tiến của Trung Quốc không thể so sánh với Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản; trình độ huấn luyện liên hợp không thể so sánh với không quân Hàn Quốc. Do đó, không thể nói là không quân Trung Quốc sẽ kiểm soát Đông Á.

Việc chính phủ Obama mạnh mẽ tuyên bố “cần quay trở lại châu Á”, về quân sự tiến hành tập trận chung tới tấp với các nước xung quanh Trung Quốc, trên thực tế đã phản ánh sự thay đổi chiến lược và mối quan ngại của Washington.

Báo Trung Quốc nhận định, Mỹ đưa ra quan điểm “không quân Trung Quốc kiểm soát Đông Á” là nhằm thông qua tuyên truyền “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc” để làm tăng tâm lý lo ngại của các nước láng giềng đối với Trung Quốc, từ đó thực hiện ý đồ chiến lược tạo ra sự đề phòng Trung Quốc về chính trị, dựa dẫm nhiều hơn vào Mỹ về quân sự.

Theo báo Trung Quốc, cần phải loại bỏ tâm lý lo ngại này của Mỹ, đồng thời khẳng định: Trung Quốc luôn lấy “tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi” làm nguyên tắc cơ bản phát triển quan hệ quân sự hai nước Trung-Mỹ, đồng thời sẵn sàng cùng Mỹ bàn thảo phương thức và con đường tăng cường lòng tin giữa quân đội hai nước.

Báo Trung Quốc yêu cầu: Mỹ cần có cái nhìn sáng suốt, khách quan về sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc, không nên ngang ngược chỉ trích và mượn cớ gây phiền phức, thậm chí gây hại cho sự phát triển quan hệ quân sự Trung-Mỹ.

Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)