Kiểm soát được tài sản cán bộ sẽ giúp chống tham nhũng hiệu quả

19/10/2021 06:46
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cán bộ là cần thiết để phòng, chống tham nhũng và là cơ hội cho cán bộ minh bạch tài sản thu nhập chính đáng

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã trình Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện trong năm tới.

Đề án thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được coi là một bước đi quan trọng trọng việc phòng, chống tham nhũng.

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:

“Đây là việc cần thiết, quan trọng và phải được thực hiện nghiêm túc. Cần phải khẳng định rằng tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, tồn tại ở mọi chế độ xã hội, với những biểu hiện và mức độ khác nhau.

Do vậy, việc kiểm soát tài sản của các cán bộ có chức, có quyền là một việc làm quan trọng để kiểm soát và góp phần hạn chế tham nhũng.

Trước đây, chúng ta cũng đã có nhiều đề xuất và đã có những bước đầu thực hiện nhưng hiện tại đã có Luật Phòng chống tham nhũng 2018 với nhiều điểm mới. Đề án trên là một trong những bước đi để hiện thực hóa luật này”.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Sửu, cán bộ tham nhũng thường không thể “đứng một mình” và có ê kíp và “nhóm lợi ích” hay “lợi ích nhóm” liên kết với nhau.

“Chúng ta cũng đã có pháp lệnh về phòng chống tham nhũng trong đó có nghĩa vụ về kê khai tài sản của cán bộ.

Tuy nhiên, mới chỉ dừng lại ở mức kê khai, khi phát sinh các căn cứ cần xác minh, thẩm tra tài sản, thu nhập mới hình thành các tổ thẩm tra và xác định thành phần chủ thể đi xác minh.

Do vậy, việc kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn vì thực tế diễn biến của các hành vi tham nhũng rất khó lường.

Thực tế các vụ án tham nhũng, thời gian từ điều tra xác minh đến lúc có kết quả cũng rất lâu nên nếu không có biện pháp ngăn chặn thì tài sản sẽ bị tẩu tán và không thể thu hồi. Đặc biệt là tài sản được tẩu tán hợp pháp sang những người thân, những người ở ngoài hệ thống công chức...”, ông Ngô Văn Sửu bày tỏ.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Đỗ Thơm

“Để xây dựng được dữ liệu cán bộ quốc gia về phòng chống tham nhũng, chúng ta phải làm sao cho những cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải thấy được quyền hạn, nghĩa vụ của mình, phải nắm chắc các quyền của mình để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, đánh giá được tính trung thực và có các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Việc đăng ký tài sản hiện nay có tình trạng người nọ đứng tên người kia, việc này khi đăng ký tài sản cần biết nguồn gốc tiền từ đâu, nhận của ai, hay tiền tích lũy nhiều năm cần rõ ràng thì mới kiểm soát được.

Chính vì vậy, việc kiểm soát cần chặt chẽ đến cả người thân của cán bộ là hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy, trước đây khi chúng tôi làm việc, có những cán bộ đã kịp chuyển tài sản cho người thân của họ, nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản cán bộ thì tốt quá. Việc này sẽ thuận lợi cho việc giám sát, cơ chế giám sát của nhân dân”, ông Ngô Văn Sửu nêu quan điểm.

“Việc giám sát này không có nghĩa là soi mói mà nó là cơ hội để các cán bộ có chức có quyền công khai tài sản của mình. Lý giải việc tài sản biến động do đâu mà có, có bất minh hay không.

Để giải quyết được việc giám sát cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vào cuộc một cách toàn diện, trong đó cần đẩy cao cơ chế giám sát của nhân dân, báo chí…”, ông Ngô Văn Sửu cho biết.

Cơ sở dữ liệu Quốc gia tài sản của cán bộ sẽ là bước tiến mới trong việc phòng chống tham nhũng. Ảnh minh họa: nguoiduatin

Cơ sở dữ liệu Quốc gia tài sản của cán bộ sẽ là bước tiến mới trong việc phòng chống tham nhũng. Ảnh minh họa: nguoiduatin

Cũng bày tỏ quan điểm về đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia tài sản của cán bộ, ông Nguyễn Tiến Sinh, Đại biểu quốc hội khóa 14 cho rằng:

“Hiện nay chúng ta đang thực hiện Luật phòng chống tham nhũng mới và thực hiện nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Việc mà các cơ quan nhà nước, chính phủ và các cơ quan tiếp tục cụ thể hóa việc phòng chống tham nhũng là điều rất là trúng và đúng.

Có thể nói cả Luật phòng chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị có rất nhiều điểm mới để bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất hơn.

Bây giờ, việc phòng chống tham nhũng dù có nhiều giải pháp mà cuối cùng không kiểm soát được tài sản, đặc biệt là không kiểm soát được tài sản đối với người có chức vụ và quyền hạn thì việc phòng chống tham nhũng không thể thành công.

Ở đây chúng ta phải kiểm soát cả cán bộ công chức có chức có quyền cả công chức và những người không có chức vụ, những người có thẩm quyền và có quyền hạn.

Đây là việc rất quan trọng, nên việc xây dựng để án Xây dựng đề án cơ sở dữ liệu quốc gia kiểm soát tài sản cán bộ là cần thiết.

Bởi không chỉ kê khai mà phải quản lý các khoản kê khai và phải kiểm soát cả việc này nữa.

Trước đây chúng ta mới chỉ đặt vấn đề là cán bộ cấp nào thì phải kê khai, nhưng bây giờ không chỉ phải kê khai, công khai, thậm chí phải thẩm tra, xác minh cái tài sản ấy do đâu mà có từ đó đưa vào cơ sở dữ liệu cụ thể”.

Ông Sinh cũng cho biết thêm: “Với Nghị định 130, luật phòng chống tham nhũng cũng đã đi được một bước tiến rất xa trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn.

Cho nên đối với các cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm tra xác minh cần phải kiểm tra, thẩm tra xác minh theo một tỷ lệ nhất định số đối tượng thuộc phạm vi quản lý phải kê khai tài sản.

Điểm thứ 2 là Luật phòng chống tham nhũng 2018 vừa rồi đã làm được một điều rất quan trọng là phòng chống tham nhũng cả lĩnh vực tư và lĩnh vực công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Đỗ Thơm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh. Ảnh: Đỗ Thơm

Bởi vì có 2 điều là ngoài khu vực công cũng có câu chuyện giữa các chủ thể, giữa các doanh nghiệp; các tổ chức hay người trong cơ quan, các công ty không có vốn nhà nước nhưng cũng có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ấy cũng có những hành vi có thể tác động đến việc tham nhũng nên người ta đã bổ sung hành vi.

Thứ hai là hành vi giữa đối tượng ở 2 khối công và tư bắt tay với nhau nên phải phòng cả việc ở ngoài nhà nước nữa.

Tuy nhiên, cán bộ công chức nhà nước là phải là ưu tiên số 1 trong việc áp dụng các biện pháp quản lý tài sản thu nhập nói chung để quản lý.

Đây là giải pháp rất quan trọng để phòng chống tham nhũng trong khu vực công.

Bởi vì suy cho cùng thì rõ ràng là anh là cán bộ công chức anh phải kê khai tài sản và lý giải tại sao lại có những tài sản này”, ông Sinh nêu.

Ông Nguyễn Tiến Sinh cũng nêu quan điểm: “Việc này không chỉ riêng Việt Nam mình đâu, mà đây cũng là việc chúng ta học kinh nghiệm từ nước ngoài. Học kinh nghiệm cả nước trên thế giới.

Quốc gia nào cũng đều kiểm soát tài sản của cán bộ công chức nhà nước, không có cách nào khác.

Kiểm soát ở đây vừa là kê khai, vừa là công khai vừa là thẩm tra, xác minh, vừa là trách nhiệm giải trình.

Những việc này là việc thực hiện theo chủ trương của Đảng và thực hiện theo Luật phòng chống tham nhũng 2018 nên cá nhân tôi rất ủng hộ”.

Lại Cường