Phanh phui sai phạm tại FLC, Vạn Thịnh Phát là bước tiến trong chống tham nhũng

31/01/2023 06:37
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2022, đã mở rộng đến cả các tập đoàn lớn có xảy ra sai phạm như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...

Ngày 27/12/2022, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023 và quán triệt hướng dẫn của Trung ương về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Qua đó, cho thấy, việc thi hành kỷ luật bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, khách quan. Qua kiểm tra, giám sát, các tổ chức đảng, đảng viên đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, không để phát sinh thành vi phạm, đồng thời, xử nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Năm 2022 vừa qua, công tác kiểm tra, giám sát, trong phòng chống tham nhũng của Đảng đã có những bước tiến mới.

Điều khiến tôi tâm đắc nhất, chính là ở chỗ, năm vừa qua, công tác này được làm tương đối toàn diện. Trước đây, chỉ tập trung vào một số tổ chức chính trị - xã hội, nhưng năm 2022, đã mở rộng đến cả các tập đoàn lớn có xảy ra sai phạm như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh... thao túng, gây “lũng đoạn” thị trường chứng khoán, nguy cơ tổn thất nền kinh tế.

Theo tôi, những tồn tại của các tập đoàn lớn này không phải chỉ mới xuất hiện, mà đã tồn tại từ trước, tuy nhiên, để kiểm tra và xử lý được là rất khó, rất phức tạp. Nếu làm không cẩn thận và không tốt, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Đặc biệt, vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, làm “lũng đoạn” ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lợi dụng sức khỏe của người dân để trục lợi, làm rúng động dư luận, là vụ việc hết sức nghiêm trọng... Mặc dù vậy, công tác phát hiện và xử lý đã được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, xử lý đúng trọng tâm, hiệu quả, nếu không kịp thời như vậy, tôi e rằng tình trạng đó sẽ còn dẫn đến nhiều hậu quả hơn...

Vì vậy, tôi đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, trong công tác chỉnh đốn đảng năm qua”.

“Thứ hai, năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được “nối dài”, triển khai, thực hiện quyết liệt ở các địa phương trên toàn quốc, cho thấy một bước tiến. Đã có những cái tên được nhắc đến, nhận các hình thức kỷ luật, vốn là Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch của một số tỉnh như: Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương...

Sắp tới, nếu như công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có thể mở rộng triển khai sâu hơn nữa, xuống các cấp quận/huyện, phường/xã... thì sẽ còn tốt hơn nữa. Nhưng để làm được như vậy cần một quá trình.

Thứ ba, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ..., các cán bộ sai phạm đều bị xử lý công khai, minh bạch... Có những vụ việc khi phát sinh tiêu cực, tham nhũng, như một số cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao liên quan đến vụ “chuyến bay giải cứu” chẳng hạn, không ai nghĩ lại có thể lợi dụng tình cảnh khốn khó của người dân để kiếm chác như vậy, gây bức xúc lớn trong dư luận... Nếu không bị phanh phui, thì có lẽ còn rất phức tạp...

Đó là những chuyển biến tương đối rõ rệt, Nhân dân nhìn vào đó cũng thấy được Trung ương đang quyết tâm làm, củng cố được lòng tin của nhân dân” - ông Ngô Văn Sửu phân tích thêm.

Tuy nhiên, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra một tồn tại lớn trong thời gian qua: “Tồn tại lớn nhất là ở công tác cán bộ, công tác nhân sự.

Thời gian qua, dư luận cũng quan tâm đến tình trạng cán bộ chần chừ, chưa dám nghĩ, dám làm. Có rất nhiều những nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên, theo tôi, thực ra, do chất lượng một bộ phận cán bộ của chúng ta hiện nay chưa tốt. Nếu nói về vấn đề đức - tài của cán bộ, thì không phải bây giờ chúng ta mới nhắc đến, mà từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến rồi. Tuy nhiên, đức thời nay khác thời xưa, tài thời nay cũng khác thời xưa.

Có những cán bộ mang học vị này, bằng cấp kia, nhưng qua thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo, qua kiểm tra thì hóa ra đó là “bằng mua”, nên không thể giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống đặt ra, vì không đủ trình độ để phân tích đúng - sai, tốt - xấu, dẫn đến cán bộ chần chừ, do dự, không dám làm...

Thêm nữa, tôi cho rằng, cách chọn cán bộ của chúng ta hiện nay cũng đang còn có điểm hạn chế, vẫn còn hiện tượng để lọt những “cán bộ cơ hội”. Một phần do có những người chọn nhân sự chưa thực sự giỏi, chưa chọn được người tài. Như vậy cũng khiến những người giỏi thực sự, có năng lực thực sự không được trọng dụng, không có cơ hội để cống hiến, nhân tài bị thui chột”.

Từ phân tích trên, ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh: “Chính vì vậy, để chọn được nhân tài trong công tác cán bộ, trước hết, phải đánh giá đúng, chuẩn và khách quan. Những gì tốt, có ưu điểm, có triển vọng, phải tạo điều kiện để vươn lên; những gì chưa tốt, là khuyết điểm khách quan, phải tạo cơ hội cho sửa chữa, khắc phục. Nếu đánh giá không đúng, không trúng, thì cán bộ được tín nhiệm sẽ chưa phải là cán bộ giỏi mà tổ chức cần”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ: “Thời gian qua, chúng ta đã có những xử lý rất kịp thời, quyết liệt trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó là một động thái tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cán bộ cũng cần hết sức thận trọng. Chính vì vậy, tới đây, tôi không mong gì hơn, công tác cán bộ luôn được đánh giá một cách cẩn trọng, minh bạch, công bằng, khách quan, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật cũng luôn được làm một cách hết sức thận trọng, và hơn hết, luôn rành mạch công - tội phân minh...”.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được tổ chức vào cuối tháng 12/2022 vừa qua, cho thấy: Năm 2022, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 35 cuộc đối với 39 tổ chức đảng và 13 đảng viên; thực hiện 13 cuộc kiểm tra đối với 25 tổ chức đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, kiểm tra tài chính đảng 13 cuộc đối với 25 tổ chức đảng; giám sát chuyên đề đối với 16 tổ chức đảng và 23 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý; tiếp nhận, phân loại xử lý hơn 8.400 đơn tố cáo, phản ánh…

Qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật đảng đối với 38 tổ chức đảng, 166 đảng viên, Kiểm tra Trung ương Trung ương đã đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 19 tổ chức đảng và 43 đảng viên.

Mộc Trà