Kiên trì chiến lược, linh hoạt biện pháp, hai mũi giáp công

18/07/2021 18:03
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, sáng 18/7.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam ghi nhận 51.002 ca mắc COVID-19, trong đó 48.964 ca trong nước, 10.729 người khỏi bệnh và 225 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 đã ghi nhận 48.150 ca, trong đó, có 47.394 ca trong nước (98%), 7.912 người đã khỏi bệnh (18%), 190 ca tử vong. Trong tuần, cả nước có thêm 19.937 ca mắc mới, tăng 11.192 ca so với tuần trước đó.

Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam dịch bệnh diễn biến phức tạp với số người mắc liên tục gia tăng do dịch đã lây lan ra cộng đồng với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. Trong khi đó, nhiều người đã đi/đến Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian trước đó có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.

Số ca mắc mới trong tuần qua của các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Bắc (từ Phú Yên trở ra) hầu hết giảm so với tuần trước đó. Tuy nhiên, với nguy cơ dịch bệnh bùng phát hiện hữu do người trở về địa phương có lịch sử đi lại, trở về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, mọi người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp giám sát, theo dõi và khai báo y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”

Ban Chỉ đạo nhận định ở miền Bắc, đến giờ phút này cơ bản dập được dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Các tỉnh, thành phố khác đang kiểm soát được tình hình. Khu vực miền Trung còn một vài tỉnh như Phú Yên, Khánh Hoà, Đà Nẵng tình hình đang phức tạp, có những ổ dịch mới, phải tập trung lực lượng để khoanh vùng, dập dứt điểm. Tình hình dịch cơ bản vẫn kiểm soát được trên cả nước.

Tình hình dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, nhất là ở Bình Dương vẫn diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt có thể dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải. Nguy cơ hiện hữu là dịch từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lây lan rộng ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phân loại trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thành 2 nhóm. Những tỉnh tương đối an toàn, dịch còn ít (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) tiếp tục thực hiện theo chiến lược "Ngăn chặn - Phát hiện - Truy vết - Khoanh vùng- Dập dịch và Điều trị", giống như các địa phương đang kiểm soát được dịch.

Những địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng thì cần có những giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “2 mũi giáp công”.

Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao để nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng trong chính mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ rất thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn.

"Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, đồng thời làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Xét nghiệm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tại các vùng dịch, ổ dịch, tuỳ tình huống để sử dụng xét nghiệm nhanh kết hợp với xét nghiệm RT-PCR để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, “không dàn hàng ngang”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện độ nhạy của xét nghiệm nhanh hiện đã tương đương với xét nghiệm RT-PCR trong mẫu gộp. Bộ Y tế đã hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3 mẫu đơn hoặc 5 mẫu đơn.

Ở những nơi chưa bị dịch nhiều, các địa phương phải tăng tần suất xét nghiệm nhanh sàng lọc tại bệnh viện, bảo vệ tối đa hệ thống y tế. Trong tầm soát, sàng lọc cộng đồng tăng cường sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp nhiều mẫu đơn tại những điểm có nguy cơ cao như các chợ, bến xe, quán nước… nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ xét nghiệm.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch như công cụ quản lý người từ nước ngoài về thực hiện cách ly tập trung, theo dõi y tế tại nhà; hệ thống cấp mã QR cho từng người dân để thực hiện khai báo y tế, quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát cũng như phục vụ công tác truy vết; công cụ quản lý thông tin xét nghiệm, tiêm chủng,…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế đang tích cực chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, không để bị động trong mọi tình huống. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế đang tích cực chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, không để bị động trong mọi tình huống. Ảnh: VGP/Đình Nam

Không để thiếu vật tư, trang thiết bị chống dịch trong mọi tình huống

Về chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp hạn chế…

“Chúng ta có nhu cầu rất lớn đối với sinh phẩm xét nghiệm. Bộ Y tế sẽ đàm phán mua trực tiếp với các nhà sản xuất lớn trên thế giới (Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc) về xét nghiệm nhanh và các DN trong nước về xét nghiệm RT-PCR”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

Về thiết bị xét nghiệm, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết số lượng máy móc tạm đủ trong tình hình dịch hiện nay. Bộ Y tế sẽ thành lập 25 xe xét nghiệm lưu động với công suất khoảng 2.000 mẫu đơn PCR /ngày để hỗ trợ không chỉ cho các địa phương nguy cơ cao mà tiến hành sàng lọc, tầm soát tại những khu vực an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang tính toán nhu cầu các thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch như hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy thở oxy cao áp (HNFC), bơm tiêm điện, máy theo dõi các chức năng sống của bệnh nhân, máy lọc máu chậm…

Ban Chỉ đạo đã bàn, giải quyết các thủ tục khẩn trương để mua sắm vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm, máy móc điều trị.

Theo đó, Bộ Y tế thống kê tất cả vật tư, trang thiết bị cần mua. Những loại mà ngân sách Nhà nước có thể bảo đảm được thì thực hiện mua ngay. Những bất cập trong quy định hiện hành, Bộ Y tế trình Chính phủ để có Nghị quyết về vấn đề này.

Đối với trang thiết bị bảo hộ phục vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế chỉ đạo mua, trang bị đầy đủ, không để bất kỳ bệnh viện nào (dù tự chủ hay chưa, thuộc tuyến Trung ương hay địa phương) thiếu đồ bảo hộ, bảo đảm an toàn tối đa cho lực lượng điều trị tuyến đầu.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Ảnh: VGP/Đình Nam

Thống nhất quy định về xét nghiệm với lái xe vận tải

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất hướng giải quyết vướng mắc do các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải đặt ra để bảo đảm lưu thông hàng hoá thông suốt.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng xe phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính COVID-19, nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm (nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh), thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm…

“Bộ Giao thông vận tải đề nghị phải có hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất cho tất cả các địa phương”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiến nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các cơ quan y tế, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra dọc các tuyến vận tải để có thể bố trí thêm các điểm thực hiện xét nghiệm nhanh, không để xảy ra ách tắc. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, Đoàn Thanh niên bố trí điểm xét nghiệm nhanh cho lái xe tại các điểm nghỉ đường dài.

Ban Chỉ đạo đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hoá trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg không yêu cầu lái xe, người đi cùng trên xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, phương tiện phải được khử khuẩn, lái xe được bố trí chỗ riêng, không tiếp xúc với người khác… Các xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR-Code để đảm bảo thông suốt.

Ban Chỉ đạo sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của Bộ Y tế và một số bộ, ngành ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg để giải quyết ngay những vướng mắc nảy sinh hằng ngày.

Theo Baochinhphu.vn