“Làng chiến tranh” Vực Quành có nguy cơ trở thành phế tích

09/05/2015 07:36
Xuân Hòa - Hoàng Hà
(GDVN) - Làng chiến tranh mô phỏng Vực Quành là không gian tái hiện ký ức của làng quê Quảng Bình trong cuộc chiến tranh chống Mỹ nhưng nay đang trở thành phế tích.

Công trình “ký ức” của một người con Hà Nội

“Làng chiến tranh” lịch sử Vực Quành (thuộc xã Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) nằm trên diện tích 10 hecta.  Nơi này được xây dựng như một Làng quê miền Bắc trong thời kỳ những năm của thập niên 60 – 70 khi giặc Mỹ dùng không quân đánh phá.

Khu vực tái hiện không gian thời chiến, với những công trình dã chiến, hầm hào... đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bị cây cối phủ lấp (ảnh Hoàng Hà)
Khu vực tái hiện không gian thời chiến, với những công trình dã chiến, hầm hào... đã bị xuống cấp nghiêm trọng, bị cây cối phủ lấp (ảnh Hoàng Hà)

Ngôi làng chiến tranh mô phỏng này được xây dựng vào năm 2004, bởi ông Nguyễn Xuân Liên, một người lính gốc Hà Nội muốn tri ân quá khứ thời kỳ giữ nước anh dũng của dân, quân ta trước đạn bom quân thù.  

Theo ông Đào Văn Toàn, người trông coi khu bảo tàng này cho biết: Ông Liên từng có 10 năm sinh sống và làm việc tại Quảng Bình. Đó là những năm tháng chiến tranh, Quảng Bình thường xuyên bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hình ảnh khốc liệt đó đeo bám ông Liên về tận Hà Nội đến tận về sau này.

Năm 1992, ông Liên có dịp quay lại thăm chiến trường xưa tại Quảng Bình. Khi nhìn thấy nhà cửa, hầm hào cùng các công trình đã từng là nơi bảo vệ đồng bào, chiến sĩ trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ không còn dấu tích đã khiến ông luyến tiếc.

Cổng chính vào "làng chiến tranh mô phỏng" Vực Quành bị rào chắn (ảnh Hoàng Hà)
Cổng chính vào "làng chiến tranh mô phỏng" Vực Quành bị rào chắn (ảnh Hoàng Hà)

Từ đó, ông Liên ấp ủ xây dựng lại một mô hình “làng chiến tranh mô phỏng” giống như làng quê miền Bắc trong thời kỳ chống máy bay Mỹ bắn phá ác liệt.

Năm 2003, khi về hưu, ông Liên quyết định rời bỏ thủ đô vào Quảng Bình sinh sống. Nhưng vì không được vợ đồng ý, ông đành một thân một mình từ bỏ quê hương , quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình.

Để có tiền thực hiện ý tưởng đó, ông Liên đã bán một ngôi nhà của mình ở Hà Nội. Số tiền bán nhà, một nửa ông chia cho vợ, một nửa ông mang vào Quảng Bình mua đất, dựng “làng chiến tranh” mô phỏng.

Hầu hết các ngôi nhà đều bị mục nát, xiêu vẹo (ảnh Hoàng Hà)
Hầu hết các ngôi nhà đều bị mục nát, xiêu vẹo (ảnh Hoàng Hà)

Những vỏ bom, thùng đạn, phuy xăng, những bao bố, bao tải hai lớp, cối xay, giã gạo, nôi mây, bảng đen... được ông Liên lùng tìm từ khắp các làng quê mang về.

Sau nhiều năm lùng tìm những kỷ vật, biểu tượng có trong thời kỳ chiến tranh của Quảng Bình những năm 60 – 70 được ông mang về “Làng chiến tranh” mô phỏng.

Ông Liên ngay lập tức bắt tay tái hiện lại làng chiến tranh với chằng chịt giao thông hào, hầm chữ A, hầm trú bom, lớp học, trạm y tế dưới lòng đất, ụ súng, đường hành quân của người và xe, cầu phà qua suối. Tất cả hình ảnh làng quê trong chiến tranh đã được tái hiện như một bảo tàng chiến tranh ngoài trời.

Khung cảnh tan hoang tại khu sinh thái lịch sử Vực Quành làm cho nơi này trở nên vắng vẻ đến rùng mình (ảnh Hoàng Hà)
Khung cảnh tan hoang tại khu sinh thái lịch sử Vực Quành làm cho nơi này trở nên vắng vẻ đến rùng mình (ảnh Hoàng Hà)

Ông Liên đã bỏ ra 4,6 tỷ đồng để xây dựng “làng chiến tranh” này, nhưng ông không hề lấy một đồng tiền vé hay lệ phí nào của khách tham quan trong gần 10 năm bảo tàng hoạt động.

Sau khi hoàn thành, nơi này đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Mọi người đã không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt về bảo tàng chiến tranh đặc biệt này.

“Không chỉ không thu tiền, ông Liên còn làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách. Nhiều du khách đã không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt khi tham quan khu làng chiến tranh mô phỏng này”, ông Đào Văn Toàn cho biết thêm.

“Làng chiến tranh” Vực Quành có thành phế tích?

Trải qua gần 10 năm hoạt động, đến nay “làng chiến tranh mô phỏng” Vực Quành đang bị xuống cấp trầm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích.

Những quả bom trước kia được “đứng xếp hàng” ngay ngắn nay được để ngổn ngang không bảo quản ngoài trời (ảnh Hoàng Hà)
Những quả bom trước kia được “đứng xếp hàng” ngay ngắn nay được để ngổn ngang không bảo quản ngoài trời (ảnh Hoàng Hà)

Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận một quang cảnh đìu hiu, vắng lặng của “làng chiến tranh mô phỏng”. Lối vào cổng chính đã bị rào chắn,  tấm biển ghi tên của bảo tàng làng chiến tranh cũng bị cây dại mọc che lấp.

Những khu vực trưng bày hiện vật và hệ thống hầm hào, nhà cửa, kho tàng... bị mối mọt ăn trụi, các hạng mục xuống cấp, không còn nguyên vẹn. Bên trong những ngôi nhà trưng bày hiện vật, nhà tranh nửa nổi nửa chìm mô phỏng lớp học, nhà giữ trẻ, nhà cứu thương… đều bị mục nát.

Dẫn phóng viên đi tham quan quanh khu bảo tàng lịch sử này, ông Đào Văn Toàn chia sẻ: “Tất cả nhà cửa, hầm hào, các hiện vật ở đây đều đã bị hư hỏng. Mấy năm nay, không còn ai đến đây tham quan nữa”.

Qua tìm hiểu được biết, Bảo tàng lịch sử Vực Quành bị xuống cấp từ năm 2010. Nhưng vì chủ nhân của nó (ông Liên - PV) không còn kinh phí để tu sửa nên nơi này ngày càng trở nên hoang phế.

Năm 2011, ông Liên đã buồn bã bỏ về thủ đô khi “đứa con tình thần” của mình ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Toàn, ông Liên từng có dự định năm 2015 này sẽ trở lại Quảng Bình để phục dựng bảo tàng lịch sử Vực Quành. Tuy nhiên, đó chỉ mới là dự định, còn thực hiện được hay không thì vẫn chưa chắc chắn.

Hiện tại, hàng ngày ông Toàn vẫn đến “làng chiến tranh” Vực Quành trông nom giúp ông Liên. Tuy nhiên, ngôi làng lịch sử này đã trở nên hoang tàn, đìu hiu suốt 4 năm qua.

Nếu không được đầu tư, chỉ một thời gian ngắn nữa, “làng chiến tranh mô phỏng” ngoài trời tái hiện một thời chiến đấu oanh liệt chống giặc ngoại xâm của người dân Quảng Bình sẽ không còn nữa.

Ông Nguyễn Mậu Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, trước đây, Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Bình đã có hướng dẫn ông Liên thành lập bảo tàng tư nhân, nhưng ông Liên không làm nên bây giờ bên Sở khó quản lý.

“Vì Vực Quành vẫn chưa phải là di tích hay bảo tàng, mà chỉ có thể gọi là điểm trưng bày ngoài trời. Nếu chưa được công nhận là di tích hay bảo tàng thì Nhà nước không thể làm thay. Nhà nước không có ngân sách để chi cho những cái đó”, ông Nam nói.

Xuân Hòa - Hoàng Hà