Lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị

05/02/2019 02:10
LÃ TIẾN
(GDVN) - Lớp học tiền hòa nhập dành cho 6 trẻ em khiếm thị luôn rộn rã tiếng cười, được tổ chức gần 1 năm nay tại tầng 2, trụ sở của Hội người mù tỉnh Quảng Ninh.

Lớp có 6 học viên ở các lứa tuổi khác nhau từ 8 đến 18 tuổi. Không giống như bao trẻ bình thường khác, các em với những khuôn mặt thơ ngây và có những số phận kém may mắn bởi cuộc đời gắn với hai chữ “khiếm thị”.

Cô bé có khuôn mặt tròn bầu bĩnh với mái tóc dài đen óng buộc 2 bên đang hì hụi dùng dùi để tập viết chính tả thay vì dùng bút viết như các trẻ bình thường.

Đó là cô bé Trần Thùy Dương (8 tuổi, ở xã Hoàng Quế, thị xã Đông Triều) nhỏ tuổi nhất trong lớp, em bị mù bẩm sinh.

Thùy Dương cho biết: “Trước kia ở nhà, mắt không nhìn thấy gì nên em chỉ ngồi một chỗ, tắm rửa ăn cơm bố mẹ đều giúp.

Khi mới vào lớp học còn lạ lẫm, chưa quen, em cũng như các anh chị phải bắt đầu học từ vị trí các đồ đạc trong phòng, học cách tự tắm, ngồi vào bàn ăn và tự rửa bát…

Ngày ngày được học, được cô giáo, anh chị giúp đỡ nên em học được rất nhiều thứ và cũng không còn thấy nhớ nhà nữa”.

Em Phạm Thùy Linh tâm sự: “Các cô ở đây dạy cho chúng em nhiều điều lắm. Bây giờ em đã có thể tự lo cho mình từ vệ sinh cá nhân đến ăn uống. Em đã biết mặt chữ, em biết đánh vần rồi”.

Lớp học đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị ở Quảng Ninh (Ảnh: CTV)
Lớp học đặc biệt dành cho trẻ khiếm thị ở Quảng Ninh (Ảnh: CTV)

Ở lớp học đặc biệt này, ngoài những bé đang tuổi thiếu niên, nhi đồng như Thùy Dương thì cũng có những học viên ở tuổi thanh niên tìm đến để biết con chữ.

Ví như cậu bé Đoàn Tiến Anh (18 tuổi, ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều) bị khiếm thị bẩm sinh.

Hay như cậu bé Ma Văn Quỳnh, người dân tộc Tày, huyện Bình Liêu, năm nay 17 tuổi, nhưng thân hình chỉ nhỏ như học sinh lớp 4.

Vừa khiếm thị, Quỳnh còn chậm phát triển về trí tuệ nên nhận thức của em hạn chế hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa.

Vì mỗi học viên có độ tuổi, nhận thức khác nhau nên mỗi em có một chương trình học riêng.

Trong căn phòng rộng chừng 30m2, từ bạn nhỏ đến lớn đều tập trung say sưa với bài học của mình, có em học viết chính tả qua bảng chữ Braille, em thì sờ học chữ nổi và em thì học bảng chữ trên mô hình con cắm – giai đoạn đầu tiên của học chữ.

Ngoài việc dạy chữ, dạy định hướng vận động sử dụng gậy đi, cô giáo chủ nhiệm lớp còn làm cả công việc của người thân trong gia đình, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các em, như một người ông, người bà, người cha, người mẹ, bác sĩ, y tá…

Lớp học đặc biệt dành cho trẻ em khiếm thị ảnh 2

Nhìn các em, nước mắt của tôi cứ thế chảy ngược vào trong

Theo cô giáo Ngô Thị Tuyết Mai, giáo viên lớp học tiền hòa nhập, các em cho dù là nhỏ tuổi nhất hay nhiều tuổi nhất ở trong lớp đều như một tờ giấy trắng.

Trước đây, ở nhà các em chỉ ngồi một chỗ, cứ như hòn đá, đến giờ ăn thì ăn, ngủ thì ngủ, nhiều em còn chưa được tiếp xúc với bên ngoài.

Khi mới đến lớp còn rất nhiều bỡ ngỡ, lại bị khiếm khuyết về mắt, nên các em không hình dung chính xác được mọi đồ vật, khái niệm như quy luật trái, phải.

Cô Tuyết Mai phải hướng dẫn từng li từng tí, nhất là Quỳnh, cậu bé người dân tộc, do bất đồng ngôn ngữ nên em phải mất thời gian lâu hơn các bạn để tiếp thu và quen với cuộc sống ở đây.

Cũng theo cô Tuyết Mai, để dạy một học sinh thường đã khó nhưng để dạy một em học sinh khiếm thị thì vô cùng vất vả.

Theo lãnh đạo Hội người mù tỉnh Quảng Ninh, cách đây 18 năm, lớp học tiền hòa nhập cho trẻ khiếm thị đã được tổ chức tại Quảng Ninh, song nguồn hỗ trợ là từ tổ chức Hội Tàn tật thị lực Thụy Điển.

Sau khi lớp học kết thúc, vì không có kinh phí nên lớp tiền hòa nhập như vậy cũng không tiếp tục triển khai nữa.

Năm 2018, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lớp tiền hòa nhập cho trẻ em khiếm thị đã được tổ chức, với sự hỗ trợ gần 300 triệu đồng của tỉnh Quảng Ninh.

Lớp học được tổ chức từ tháng 3 đến tháng 12/2018, với 6 học viên.Việc tổ chức lớp học tiền hòa nhập giúp trẻ khiếm thị khắc phục những khiếm khuyết của đôi mắt, để có thể tự ăn uống, vệ sinh, định hướng di chuyển, học chữ nổi Braille, tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc sách báo, giao lưu với bạn bè, xóa đi mặc cảm, tự ti.

Được biết, Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh hiện có 24 trẻ em khiếm thị, 6 em đã được gửi học tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; 6 em khiếm thị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tham gia lớp học tiền hòa nhập tháng 3/2018.

Song, nhu cầu được học, tiếp cận với kiến thức, môi trường xung quanh như những đứa trẻ bình thường vẫn luôn là ước muốn, khát khao của không chỉ của 12 trẻ khiếm thị còn lại trong Hội nói riêng mà còn là của người khiếm thị nói chung.

Giáo dục hòa nhập hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích cho học sinh khuyết tật mà còn đảm bảo cho mọi trẻ khuyết tật được tiếp cận môi trường giáo dục bình đẳng. Nếu không có sự quan tâm và định hướng từ xã hội, người khiếm thị rất dễ mặc cảm, tự ti.

Thiết nghĩ, những lớp học tiền hòa nhập thật sự cần thiết và có ý nghĩa, giúp mở ra cánh cửa tri thức, để người khiếm thị như các em có cơ hội tìm hiểu kiến thức mới, hòa nhập cộng đồng.

Hi vọng, trong thời gian tới, sau khi lớp học tiền hòa nhập kết thúc, các ban ngành, tổ chức đoàn thể sẽ chung tay góp sức, tiếp tục tổ chức các lớp học tiền hòa nhập cho trẻ em khiếm thị, giúp các em mạnh dạn, tự tin, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

LÃ TIẾN