Mặt trận Tổ quốc sẽ phản biện đề xuất thu phí giao thông

07/04/2012 06:37
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Mặt trận Tổ quốc sẽ phản biện đề xuất thu phí. Người dân đã phải đóng quá nhiều loại thuế và phí... là những tin bài nóng về đề xuất thu phí giao thông.
Mặt trận Tổ quốc sẽ phản biện đề xuất thu phí giao thông

Báo Tiền phong đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề thu phí giao thông.

Ông cho biết, trước đó, Mặt trận đã đề nghị Bộ GTVT chuyển đề án về phu phí lưu hành và phí hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô để có ý kiến, phản biện. Tuy nhiên đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn chưa nhận được đề án này. 

Ông Nguyễn Văn Pha
Ông Nguyễn Văn Pha

TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Phí về bản chất là số tiền người dân phải chi để được hưởng một dịch vụ nào đó của Chính phủ. Khi đặt ra phí hạn chế ùn tắc giao thông thì Bộ Giao thông đã làm sai bản chất của “phí”, người dân chỉ được hưởng một lời hứa là cứ nộp đi rồi sẽ hết ùn tắc giao thông.

Còn Thạc sĩ Đinh Tuấn Minh – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thì nói: Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam thì đặt vấn đề hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là một cách đặt vấn đề không đúng.

600.000 xe ô tô là một con số nhỏ bé với số dân gần 90 triệu như của Việt Nam. Chúng ta cũng không thể nói các vấn đề của giao thông Việt Nam là do quá nhiều xe cá nhân.

Theo ông Minh, vấn nạn ùn tắc giao thông phần lớn là ở Hà Nội và TPHCM, thay vì đặt theo hướng hạn chế phương tiện cá nhân, cần đặt theo hướng có những biện pháp chỉ hạn chế những phương tiện ở nội đô.
Người dân đã phải đóng quá nhiều loại thuế và phí
Thông tin trên báo Lao động, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng hiện nay đường bộ Việt Nam có khoảng 280.000km, nhưng mới thu được qua trạm khoảng 2.500km tương ứng 0,7%, do đó phần lớn đường Nhà nước bỏ ra đầu tư chưa thu phí. Nói như vậy thì thật sự không sòng phẳng. 
Bởi lẽ Nhà nước lấy đâu ra tiền để đầu tư? Câu trả lời chắc chắn phải là sự đóng góp từ thuế và phí của người dân, bởi tự Nhà nước không làm ra tiền. Ở đây cần tách bạch là trong trường hợp Nhà nước đầu tư xây mới bằng tiền ngoài ngân sách thì khi đó chỉ những người sử dụng đường này mới cần phải đóng phí chứ không thể bắt tất cả - trong đó có cả những người không sử dụng dịch vụ đường này cũng phải gánh.

Ảnh minh họa: Minh Đức/ Tuổi trẻ
Ảnh minh họa: Minh Đức/ Tuổi trẻ

Người dân đã phải đóng quá nhiều loại thuế và phí. Cụ thể với ôtô đã bao gồm 3 loại thuế (thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT). Điều đáng nói là các loại thuế này được tính theo phương thức: Thuế tiêu thụ đặc biệt = giá + 78% thuế NK x 45% hoặc 60%; thuế VAT = giá + thuế NK 78% + thuế tiêu thụ đặc biệt x 10%.

Sau thuế còn có rất nhiều loại phí gồm: Phí trước bạ = giá + thuế NK 78% + thuế tiêu thụ đặc biệt x 10% x 10% đến 15% (riêng Hà Nội là 20%). Ngoài ra còn rất nhiều loại phí như xăng dầu, môi trường, cấp biển (riêng Hà Nội phí cấp biển là 20 triệu đồng). So sánh dễ hiểu là cùng chiếc xe Civic 1.8, để có thể lưu hành, người dân Mỹ mất khoảng 430 triệu đồng trong khi người dân Việt Nam mất khoảng 930 triệu đồng.
Ngoài ra hiện nay người dân còn phải đóng rất nhiều khoản tiền quá cao cho các loại dịch vụ như trông giữ xe qua đêm, gửi xe ở các điểm đỗ...
“Sốt xình xịch” với đề xuất thu phí giao thông

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí bảo trì đường bộ và hạn chế phương tiện, nhiều độc giả gửi ý kiến phản hồi tới báo Tiền phong.

Bạn đọc Thu Nguyên cho rằng, có thể thu phí, nhưng “mức thu, phương thức thu... thì phải nghiên cứu thấu đáo, nếu làm ẩu, thiển cận, thiếu tôn trọng nhân dân thì mục đích của việc thu phí cần xét lại”.

Cùng quan điểm với Thu Nguyên, bạn Thanh Bình cho biết, thu phí là đúng: “Việc phương tiện giao thông đi vào thành phố nhiều, gây ách tắc giao thông, cần phải đánh thuế, phí. Tuy nhiên, nên lập trạm thu theo từng thành phố, từng thời điểm”.

“Chỉ nên thu những phương tiện sử dụng đường của thành phố thôi. Còn không nên đánh thuế tất cả phương tiện. Ngoài ra còn đánh thuế cả những gia đình sống trong thành phố nữa vì họ sử dụng đường nhựa nhiều hơn nông dân ở nông thôn” – Bạn đọc tên Bình nêu quan điểm.

Nối tiếp ý kiến ở trên, bạn Thu Nguyên cho rằng, nếu mức thu theo như Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, sẽ tạo ra những hệ lụy to lớn về kinh tế, xã hội”.

Phần lớn người dân đều cho rằng, việc thu phí là không hợp lý.
Phần lớn người dân đều cho rằng, việc thu phí là không hợp lý.

Nhiều độc giả cũng vẫn băn khoăn về sự “công bằng” trong đề xuất của Bộ GTVT. “Bộ trưởng đưa ra con số tính toán tiền thu phí thật hấp dẫn, còn cho rằng tiền này dùng xây dựng cơ sở hạ tầng... nhưng sao lại chi thu ô tô cá nhân, những người này đa phần mua xe từ lâu, đâu phải mới mà gây tắc nghẽn giao thông. Và, hãy thử đánh giá xe công, năm nào cũng mua, thay xe mới. Đề nghị Bộ trưởng điều tra thử xem có gây ách tắc không?

“Đã hạn chế xe thông qua thu phí thì phải đóng tất, xe công, xe vận tải, xe ben... Những phương tiện lớn này còn góp phần vào việc làm đường nhanh hư hơn, tại sao cứ đè xe cá nhân mà bắt đóng. Rồi còn sáng kiến đóng theo dung tích xy lanh, nếu đã tắc nghẽn thì đóng theo diện tích chiếm chỗ của xe chứ” – Bạn đọc Lê Long nêu quan điểm.
Hiến kế của độc giả: Thu phí giao thông qua tin nhắn

Độc giả của VnExpress gửi đến tòa soạn hiến kế: Mỗi trạm thu phí đều được thiết lập mã trạm và số tổng đài. Người tham gia giao thông khi qua trạm chỉ cần nhắn tin với cú pháp sau: Biển số xe - Mã trạm - Số tổng đài. Phí tin nhắn chính là phí lưu thông.

Độc giả này đã đưa ra mục đích của việc thu phí nhằm: Thu phí để hoàn vốn xây dựng (đối với những đường mới xây dựng) và thu phí để đảm bảo nguồn vốn duy tu, bảo trì đường bộ và một phần để đầu tư xây dựng đường mới (đối với những đường đang sử dụng).

Hình thức thu phí mà độc giả này kiến nghị là thu phí qua tổng đài tin nhắn. 

Ví dụ: Xe mang biển số 67L1 6666 từ An Giang đi Tp.HCM qua 2 trạm thu phí Mỹ Thuận và Trung Lương thì người tham gia giao thông chỉ cần ngồi ở nhà gửi 2 tin nhắn:

67L16666 khoảng cách MYTHUAN gửi đến 8080

67L16666 khoảng cách TRUNGLUONG gửi đến 8081

Phí tin nhắn chính là phí lưu thông. Đây là hình thức đơn giản trong thời buổi thông tin di động.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Về trạm thu phí: Nói đến trạm thu phí mọi người sẽ nghĩ đến sự tốn kém vì chi phí xây dựng, chi phí quản lý và vận hành trạm. Nhưng đối với trạm thu phí qua tổng đài tin nhắn thì khác.

Chỉ cần một trạm, một máy vi tính, một nhân viên và một barie tự động. Khi xe đến trạm thu phí chỉ cần nhân viên đánh biển số xe vào, máy tính kết nối vối tổng đài và barie sẽ tự động bật cho xe lưu thông (nếu lắp đặt các camera hiện đại tự động đọc biển số xe thì cũng không cần đến nhân viên).

Độc giả này cũng phân tích các lợi ích của việc thu phí qua tin nhắn như: tính khả thi, quản lý khoa học, không xảy ra tiêu cực, doanh nghiệp vận tải dễ dàng quản lý nhân viên...

Mặc dù vậy, hiến kế này chỉ mang tính chất cá nhân của độc giả. Đề xuất thu phí của Bộ GTVT chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân cả nước.
Có nên gắn kết lòng yêu nước vào việc thu phí?

Bộ trưởng Đinh La Thăng từng phát biểu trong cuộc họp báo chiều 3/4 rằng: “Việc đóng phí thể hiện sự yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và tự hào” (báo Người lao động, ngày 4/4).

Trên báo Dân trí đăng tải bài viết của tác giả Lê Chân Nhân. Tác giả này đặt giả thuyết:
Bộ trưởng Thăng đã cho làm điều tra xã hội học mà cụ thể là gửi phiếu khảo sát lấy ý kiến chủ nhân của 600.000 chiếc ôtô nằm trong danh sách bị đóng phí chưa mà lại nói vậy? Còn nếu như cho phát phiếu thăm dò thì hoàn toàn có thể ông sẽ nhận được kết quả ngược lại. Xin bộ trưởng đừng nghĩ đơn giản người dân phản đối vì họ bị đánh vào túi tiền. Nếu nghĩ như vậy là đánh giá chưa chính xác về trách nhiệm công dân của nhân dân. Đã từng có nhiều chính sách khác ảnh hưởng tới người dân, nhưng dân mình vẫn nghiêm chỉnh chấp hành vì chính sách đó phù hợp.
Nếu vào google, gõ tiêu đề thu phí hạn chế xe cá nhân hoặc thu phí giao thông, ông cũng sẽ có ngay hàng loạt bài báo và ý kiến không đồng tình, đồng thời ông cũng biết được có bao nhiêu ý kiến đồng tình. Qua đó sẽ biết là người dân có tự hào, hạnh phúc như Bộ trưởng khẳng định hay không?
Nếu nói rằng đóng phí theo đề xuất của Bộ GTVT là yêu nước, thế thì những người có ý kiến phản biện đề xuất - trong đó có rất nhiều người là nhà khoa học, nhà quản lý, cựu đại biểu Quốc hội – là không yêu nước hay sao?
Theo độc giả này, lòng yêu nước là tự nhiên, không ai áp đặt và không bị áp đặt. Yêu nước cũng không phải là chấp nhận mọi quyết định và chính sách bất hợp lý mà ngược lại, yêu nước là phải biết phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng để các quyết định và chính sách đó được điều chỉnh cho đúng dắn, phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển đất nước và khoan thư sức dân.
Yêu nước không phải là đóng phí theo ý muốn của nhà quản lý. Nếu gắn kết yêu nước vào đây là quá xem thường lòng yêu nước. Chưa kể quá xem thường nhận thức của nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của công dân đối với đất nước.
Người dân tự biết trách nhiệm công dân của mình nhiều khi không kém gì những người có chức quyền.
Hải Phong (Tổng hợp)