Máy bay ném bom mới Mỹ tính năng đạt đỉnh cao, sẽ phá vỡ cân bằng khu vực

01/11/2015 07:47
Đông Bình
(GDVN) - Máy bay ném bom LRS-B năm 2020 sẽ có năng lực tác chiến, sẽ mạnh hơn B-2, chủ yếu đối phó Trung Quốc và Nga, gây ảnh hưởng mạnh đến an ninh khu vực.

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 31 tháng 10 dẫn trang mạng "Tin tức quốc phòng" Mỹ ngày 27 tháng 10 đưa tin, tối ngày 27 tháng 10, Quân đội Mỹ tuyên bố trao chương trình máy bay ném bom thế hệ tiếp theo đã được chuẩn bị nhiều năm cho Công ty Northrop Grumman.

Căn cứ vào kế hoạch, "máy bay ném bom tấn công tầm xa" (LRS-B) sẽ đi vào hoạt động sau khoảng 10 năm.

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Mỹ tiếp dầu trên không
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Mỹ tiếp dầu trên không

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, Quân đội Mỹ một khi triển khai máy bay ném bom mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, toàn bộ tình hình tấn công-phòng thủ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo bài báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và lãnh đạo Không quân Mỹ tuyên bố, Công ty Northrop Grumman đánh bại Công ty Boeing và Công ty Lockheed Martin, giành được hợp đồng "máy bay ném bom tấn công tầm xa" thế hệ mới, tổng kim ngạch của chương trình này dự kiến đạt 55 tỷ USD.

"Đây là hợp đồng máy bay quân dụng lớn nhất kế tiếp sau khi Công ty Lockheed Martin nhận được chương trình máy bay chiến đấu F-35, điều này sẽ mang lại sức sống mới cho công ty quốc phòng lớn thứ sáu thế giới này".

Theo bài báo, Không quân Mỹ có kế hoạch mua 80 - 100 "máy bay ném bom tấn công tầm xa" để thay thế máy bay ném bom B-52 và B-1 cũ. Để thuận lợi cho gọi tên, có người gọi máy bay ném bom thế hệ tiếp theo là B-3, nhưng điều này hoàn toàn không được xác nhận chính thức.

Phương án thiết kế ban đầu máy bay ném bom LRS-B của Công ty Northrop Grumman Mỹ
Phương án thiết kế ban đầu máy bay ném bom LRS-B của Công ty Northrop Grumman Mỹ

Căn cứ vào kế hoạch, máy bay này sẽ hình thành năng lực tác chiến ban đầu vào giữa thập niên 2020, cấu hình năng lực hạt nhân sẽ hình thành sức chiến đấu muộn 2 năm.

Theo bài viết, hiện nay, chi tiết công nghệ cụ thể của loại máy bay này vẫn chưa được biết tới. Kích cỡ, trọng lượng, tải trọng hiệu quả và năng lực tàng hình đều đang giữ bí mật.

Căn cứ vào thông tin được các bên ở Mỹ tiết lộ trước đó, chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long cho rằng, nếu lấy vật tham chiến của loại máy bay ném bom mới này là máy bay ném bom B-2, có khả năng sẽ làm nhỏ hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn.

Về kích cỡ bên ngoài, nó nhỏ hơn nhiều so với B-2, có thể là máy bay ném bom cỡ nhỏ phiên bản "bỏ túi". Công ty Northrop Grumman nhấn mạnh, loại máy bay ném bom này có năng lực đột phá phòng không mạnh, có nghĩa là tính năng tàng hình của nó có thể là tàng hình hiệu quả cao hoặc tàng hình tuyệt đối.

Một phương án LRS-B cánh bay có người lái của Công ty Northrop Grumman Mỹ
Một phương án LRS-B cánh bay có người lái của Công ty Northrop Grumman Mỹ

Thứ hai, năng lực thông tin hóa của máy bay này mạnh hơn. Hiện nay nhấn mạnh khái niệm "tác chiến trung tâm mạng", loại máy bay ném bom này có thể là một khâu của "tác chiến trung tâm mạng", bất kể về thu thập tình báo hay truyền thông tin, đều mạnh hơn so với máy bay ném bom thế hệ trước.

Ngoài ra, vũ khí hàng không thế hệ mới có thể sẽ trở thành trang bị tiêu chuẩn của loại máy bay ném bom chiến đấu này.

Trên trang chủ của Công ty Northrop Grumman mở mục "máy bay ném bom tấn công tầm xa" đã chuyên giới thiệu về Mỹ tại sao cần loại máy bay ném bom này.

Theo quan điểm của Công ty Northrop Grumman, "do đối thủ tiềm tàng của chúng ta đang mở rộng phạm vi điều động, máy bay ném bom tàng hình là tài sản chiến lược có thể răn đe nhất các mối đe dọa tương lai và bảo đảm an ninh của Mỹ, trong khi đó, hiện nay, chúng ta chỉ có 20 chiếc".

Một phương án LRS-B của Công ty Northrop Grumman Mỹ
Một phương án LRS-B của Công ty Northrop Grumman Mỹ

Công ty Northrop Grumman cho biết, lực lượng máy bay ném bom của Không quân Mỹ đang lão hóa. B-52 đã có tuổi thọ 54 năm, B-1B có tuổi thọ 30 năm, còn 20 máy bay B-2 cũng có tuổi thọ 18 năm.

Căn cứ vào giải thích của Công ty Northrop Grumman, chỉ có máy bay ném bom B-2 đáp ứng nhu cầu chiến lược hiện nay. Ngoài ra, đối thủ của Mỹ đã phát triển chiến lược và công nghệ phòng thủ tiên tiến để ứng phó với ưu thế lực lượng đường không của Mỹ.

Các hình ảnh do Công ty Northrop Grumman công bố đã cho thấy tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu tàng hình có ngoại hình rất giống T-50.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên cho rằng, rõ ràng đối thủ và mối đe dọa mà Công ty Northrop Grumman nói đến chủ yếu là chỉ Trung Quốc và Nga.

Biên đội máy bay ném bom tàng hình B-2 và máy bay tấn công tàng hình F-117 hiện có của Không quân Mỹ
Biên đội máy bay ném bom tàng hình B-2 và máy bay tấn công tàng hình F-117 hiện có của Không quân Mỹ

Trung Quốc và Nga đều đang nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến, hơn nữa Nga còn đang phát triển máy bay ném bom tầm xa tàng hình thế hệ mới, loại máy bay mới có thể trực tiếp thách thức máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ cả về công nghệ và tính năng tác chiến.

Có phương tiện truyền thông cho rằng, loại máy bay ném bom mới này trong tương lai có khả năng triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Minh Chí cho rằng, khi tiến hành nghiên cứu nhu cầu quân sự, Mỹ coi khu vực châu Á-Thái Bình Dương là chiến trường rất quan trọng.

Khoảng năm 2010, Mỹ đưa ra chiến lược “tác chiến thống nhất không-hải quân” và “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, triển khai 60% lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh này, đưa ra máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới và hình thành năng lực tác chiến vào khoảng năm 2025 có tính mục đích rất rõ ràng.

Công ty Northrop Grumman tuyên truyền về ý tưởng máy bay ném bom thế hệ mới
Công ty Northrop Grumman tuyên truyền về ý tưởng máy bay ném bom thế hệ mới

Khi nói đến mối đe dọa từ hành động này của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương, chuyên gia Đỗ Văn Long cho rằng, điều này sẽ tạo ra mối đe dọa chiến lược mạnh, một khi triển khai máy bay ném bom mới ở khu vực này, toàn bộ cân bằng chiến lược bị phá vỡ, tình hình tấn công-phòng thủ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước đây, máy bay ném bom của Mỹ nhất định phải triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng trong tương lai đã có máy bay ném bom mạnh hơn thì không nhất thiết triển khai ở đây, chỉ cần khu vực này nằm trong phạm vi tấn công, có thể lựa chọn sân bay ở khu vực xung quanh, từ đó tạo ra mối đe dọa cho khu vực này.

Đỗ Văn Long cho rằng, nếu trong tương lai loại máy bay ném bom này xuất hiện tần suất cao hoặc triển khai lượng lớn ở khu vực châu Á, phá hoại nghiêm trọng tấn công-phòng thủ của toàn bộ khu vực, cũng gây ảnh hưởng to lớn đối với tình hình an ninh khu vực, đồng thời có khả năng triển khai một cuộc chạy đua vũ trang mới ở trên không.

Máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Mỹ khi đang bay
Máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 Mỹ khi đang bay
Đông Bình