Mô hình mới của quan hệ quân sự Mỹ-Trung: Đe dọa lẫn nhau

25/05/2013 07:19
Việt Dũng
(GDVN) - Với khả năng quân sự mới của Trung Quốc, châu Á sẽ hình thành một cục diện mới là "Mỹ-Trung đe dọa/răn đe lẫn nhau".
F-35 có thể cất, hạ cánh thẳng đứng của Mỹ (ảnh minh hoạ)
F-35 có thể cất, hạ cánh thẳng đứng của Mỹ (ảnh minh hoạ)

Ngày 22 tháng 5 năm 2013, tờ "Jane's Defense Weekly" đăng bài viết phân tích cho rằng, quan hệ hai nước Trung-Mỹ hiện đã xuất hiện một mô hình mới, từ sự áp chế chiến lược đối với Trung quốc ở châu Á trước đây của Mỹ dần dần chuyển sang giai đoạn đe dọa lẫn nhau.

Tác giả bài viết là trung tá Lục quân Mỹ, ông Dennis J. Blasko, người từng công tác tại Bắc Kinh và Hồng Kông, có sự hiểu biết nhất định đối với Trung Quốc.

Trong bài viết, Dennis J. Blasko cho rằng, sau khi Lầu Năm Góc công bố báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2013, các phương tiện truyền thông phương Tây đều tập trung chú ý tới sự đổi mới trang bị của Quân đội Trung Quốc, nhưng đã coi nhẹ sự chuyển biến chiến lược quân sự của Trung Quốc mà báo cáo nhắc tới.

Bài viết cho rằng, phần lớn các phương tiện truyền thông hoàn toàn không chú ý đến một yếu tố mới về sự chuyển biến chiến lược quân sự của Trung Quốc mà báo cáo đề cập - đó là tư duy về sự răn đe thông thường của Quân đội Trung Quốc.

Tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay hạt nhân của Hải quân Mỹ


Trước đây, trong các bản tin của truyền thông về báo cáo sức mạnh quân sự của Lầu Năm Góc, điều gây tranh luận nhiều nhất cho dư luận là sự đe dọa hạt nhân của Trung Quốc hoặc vấn đề Đài Loan, trong khi đó, trong báo cáo lần này của Lầu Năm Góc, lại nhắc đến một điểm, đó là: Ban lãnh đạo Trung Quốc tập trung vào xây dựng khả năng răn đe đối với các lực lượng quân sự có thể gây thiệt hại cho cái mà Bắc Kinh gọi là "lợi ích của Trung Quốc" và khả năng tiến hành tấn công đối với lực lượng này sau khi răn đe không có hiệu quả.

Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc

Blasko cho rằng, khi phân tích tiến trình hiện đại hóa của Quân đội Trung Quốc, đa số các nhà phân tích đã phân tích tình hình phát triển nhanh chóng về trang bị của Trung Quốc, nhưng lại không xem xét những vũ khí trang bị mới này làm thế nào tạo ra mối đe dọa đối với kẻ thù trong thời gian đầu.

Lầu Năm Góc đã đưa ra quan điểm của mình, đó là: Mặc dù nhiệm vụ cốt lõi của Quân đội Trung Quốc là giành thắng lợi trong chiến tranh, nhưng nhiệm vụ đầu tiên lại là ngăn chặn xảy ra chiến tranh.

Mặt khác, sách trắng quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc cũng đã đề cập, cho rằng, "sức mạnh không đánh mà thắng" trở thành chính sách quốc phòng hiện nay của Trung Quốc.

Dennis J. Blasko tiếp tục phân tích cho rằng, từ 10 năm trước Trung Quốc đã bắt đầu và hiện nay vẫn đang tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm, cho bay thử các máy bay chiến đấu tàng hình mới J-20 và J-31, liên tiếp tiến hành các cuộc diễn tập, giao lưu quân sự với quân đội các nước - những hoạt động này đều là để tăng cường khả năng đe dọa/răn đe.

Tác giả cuối cùng cho rằng, trong tình hình này, ở châu Á có khả năng sẽ hình thành cục diện Mỹ-Trung đe dọa lẫn nhau.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc
Việt Dũng