Một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ

01/05/2018 06:26
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY ​
(GDVN) - Quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ ở Việt Nam kéo dài 20 năm, và để rút ra khỏi Việt Nam cũng phải mất tới 4 năm.

LTS: Chia sẻ một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, tác giả Đặng Việt Thủy tiếp tục có bài viết chia sẻ cùng độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ ở Việt Nam kéo dài 20 năm, và để rút ra khỏi Việt Nam cũng phải mất tới 4 năm.

Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Máy bay của không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Sau đây là một số mốc chính của quá trình "Mỹ vào rồi Mỹ lại ra".

Ngày 8/5/1950, Mỹ đạt được thỏa thuận với Pháp về vấn đề Việt Nam.

Ngày 30/5/1950, Phái bộ kinh tế Mỹ đến Sài Gòn.

Ngày 15/7/1950 thì có tên là Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự tại Đông Dương (MAAG).

Ngày 10/10/1950, chuẩn tướng Francis G.Brink, chỉ huy MAAG Đông Dương đến Sài Gòn.

Viên tướng này đặt trụ sở tại số 284 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi) trong Chợ Lớn. Lúc đó MAAG có 65 quân nhân.

Ngày 7/9/1951, Mỹ qua mặt Pháp ký thỏa ước viện trợ trực tiếp cho Chính phủ Bảo Đại.

Năm 1954, Pháp thua trận, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thời cơ để Mỹ thay thế vai trò của Pháp đã đến. Lúc này số binh lính Mỹ đã tăng lên tới 342 người.

Ngày 1/1/1955, Phái bộ MAAG đến Sài Gòn, trực tiếp viện trợ quân sự và huấn luyện cho quân đội Việt Nam cộng hòa của Ngô Đình Diệm. Phái bộ này do trung tướng Samuel Williams chỉ huy.

Một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ  ảnh 2Không thể bóp méo, xuyên tạc được sự thật lịch sử

Năm 1960, MAAG có 685 lính; năm 1961 cố vấn Mỹ tham gia chỉ huy tới cấp tiểu đoàn.

Tháng 9/1960, trung tướng Lionel C.Mc Garr được cử sang thay trung tướng Samuel Willams.

Ngày 18/5/1961, sau cuộc Đồng khởi của nhân dân miền Nam, tổng thống Việt Nam cộng hòa yêu cầu Mỹ gửi quân tác chiến vào miền Nam Việt Nam.

Ngày 11/10/1961, tổng thống mới của Mỹ John F.Kennedy cử đại tướng Maxwell Taylor, cố vấn quân sự của tổng thống sang miền Nam Việt Nam để khảo sát tại chỗ.

Ngày 11/12/1961, một đại đội bộ binh và một đại đội trực thăng đã sang tới nơi, đây là đơn vị lục quân Mỹ đầu tiên có mặt ở miền Nam Việt Nam.

Cuối năm 1961 Mỹ đã có 2.600 nhân viên quân sự ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 8/2/1962, Bộ tư lệnh viện trợ Hoa Kỳ ở Việt Nam (MACV) được thành lập, do đại tướng Hác-kin (Paul Harkins) đứng đầu, có nhiệm vụ yểm trợ tác chiến trực tiếp cho quân đội Việt Nam cộng hòa.

Cuối năm 1963, số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam là 17.000 lính.

Ngày 28/4/1964, tướng Mỹ Oét-mô-len (William Westmoreland) thay thế tướng Hác-kin; chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" chuyển sang "Chiến tranh cục bộ".

Ngày 1/1/1965, số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam là 23.000 lính. Ngày 9/2/1965, đơn vị chiến đấu cấp tiểu đoàn đầu tiên sang Việt Nam là tiểu đoàn tên lửa phòng không Hốc, ngày 8/3/1965 là tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ, ngày 27/3/1965 là tiểu đoàn 716 bộ binh...

Một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ  ảnh 3Nhật ký Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 7/2/1965, Mỹ tiến hành chiến dịch Mũi lao lửa, tiếp theo là các chiến dịch Sấm rền đánh phá miền Bắc Việt Nam...

Ngày 3/5/1965, đơn vị cấp lữ đoàn đầu tiên là lữ đoàn không vận 173 sang Nam Việt Nam. Vào tháng 7/1965, số quân Mỹ là 125.000 tên.

Ngày 20/7/1965, MACV đổi tên thành Bộ tư lệnh lục quân Hoa Kỳ tại Việt Nam (USARV).

Số lượng và đơn vị chiến đấu tăng rất nhanh:

Năm 1966: ngày 1/1: 184.000 lính; ngày 1/5: 252.000 lính; ngày 1/9: 306.000 lính. Cuối năm 1966: 385.300 lính (vào thời gian này đã có 6.644 lính Mỹ chết ở Việt Nam).

Năm 1967: ngày 1/2: 410.000 lính; ngày 1/5: 460.000 lính; tháng 12: 485.600 lính (năm 1967 đã có 9.377 lính Mỹ đã chết ở Việt Nam).

Năm 1968: ngày 1/2: 510.000 lính; ngày 1/12: 538.000 lính. Năm 1968 cũng là năm gia tăng ghê gớm số thương vong của Mỹ ở Việt Nam.

Nó gần gấp hai lần tổng số thương vong của tất cả các năm trước gộp lại (30.610 so với 16.201), riêng năm 1968 có 14.589 lính Mỹ bị chết.

Năm 1969: ngày 30/4, số lính Mỹ có mặt ở Việt Nam là 543.400 lính; ngày 10/6, số lính Mỹ ở Việt Nam lên đến đỉnh điểm, là 548.144 lính.

Cuộc chiến tranh của Mỹ là cuộc chiến tranh chính quy, vì vậy có sự tham gia đầy đủ của các cấp: Bộ chỉ huy phát triển chiến đấu (SACDC), Bộ chỉ huy khí tài lục quân (USAKC), Bộ chỉ huy giao thông liên lạc chiến lược Lục quân (US.SGC), Bộ chỉ huy xung kích Lục quân (USARAN)...

Một số mốc thời gian về quá trình dính líu quân sự của đế quốc Mỹ  ảnh 4Những mốc quan trọng của Hội nghị Pa-ri về Việt Nam tháng 1 năm 1973

Chỉ huy cao nhất ở Nam Việt Nam lần lượt có 9 tướng bốn sao, 17 tướng ba sao, 70 tướng hai sao, 6 tướng 1 sao...

Năm 1969, ngày 10/6 tổng thống Ních-xơn tuyên bố rút quân, kế hoạch triển khai thành nhiều đợt:

Đợt 1: Từ ngày 8/7/1969, còn lại 528.144 lính.

Đợt 2: Từ ngày 16/9/1969, còn lại 482.614 lính.

Đợt 3: Từ ngày 1/2/1970, còn lại 432.614 lính.

Đợt 8 vào năm 1971, Mỹ đã rút khỏi vòng chiến là 342.628 lính.

Năm 1972: Mỹ còn lại 181.639 lính.

Theo một thống kê, năm 1971 số lính Mỹ bị chết trong chiến đấu trở lại mức năm 1965, khi những người lính lần đầu tham gia cuộc chiến là 1.381 người (so với 1.369 người năm 1965).

Trong tổng số gần 58.000 lính Mỹ chết ở Việt Nam, có đến 80% bị giết tính đến năm 1971 (45.625 người) (Jeff Stein - Marc Leepson, Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H.1993, tr.88-89).

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ngày 29/3/1973, Bộ tư lệnh Mỹ tại Việt Nam làm lễ cuốn cờ, cùng với 2.501 lính Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong đợt cuối cùng. 

Buổi lễ diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất, hồi 8 giờ 30 phút. Tướng Uây- en làm thủ tục cuốn cờ, tướng ngụy Cao Văn Viên đáp lễ, 30 phút sau thì tướng Uây-en lên máy bay.

Trên thực tế, hàng nghìn lính Mỹ vẫn còn ở lại và mặc áo dân sự, dưới danh nghĩa Cơ quan tùy viên quốc phòng (DAO) cho đến sáng 30/4/1975 thì mới chấm dứt hoàn toàn sự có mặt tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

- Góp phần tìm hiểu về 30 năm chiến tranh giải phóng ở Việt Nam (1945 - 1975) - Hỏi và đáp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2009.

- Những điều ít biết về Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Hỏi và đáp), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

- Jeff Stein - Marc Leepson, Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Trung tâm báo chí nước ngoài Bộ Ngoại giao, Hà Nội - 1993.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY ​