Mỹ luôn duy trì vị thế dẫn trước về tàu ngầm hạt nhân chiến lược

27/11/2013 08:57
Việt Dũng
(GDVN) - Chỉ có Mỹ mới xây dựng được lực lượng răn đe hạt nhân "tam vị nhất thể" hoàn bị, tiên tiến và luôn dẫn trước về lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio có lượng tải đạn lớn
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio có lượng tải đạn lớn

Các quan điểm thông thường cho rằng, những cường quốc hạt nhân như 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều xây dựng được lực lượng răn đe hạt nhân "tam vị nhất thể" trên đất liền-trên biển-trên không. Nhưng, thực ra, đối với những cường quốc hạt nhân này, việc xây dựng lực lượng hạt nhân cụ thể cũng tồn tại sự khác biệt.

Chẳng hạn, do hạn chế bởi các điều kiện như diện tích lãnh thổ, Anh và Pháp đã tập trung phát triển năng lực răn đe hạt nhân dưới nước, Anh thậm chí nhập khẩu cả tên lửa hạt nhân dưới nước của Mỹ; trong khi đó, trong thời kỳ Liên Xô, năng lực răn đe hạt nhân trên mặt đất, trên không và trên biển của Nga vốn rất hoàn bị, nhưng do Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô giải thể, Nga chỉ có thể dựa vào lãnh thổ to lớn và lực lượng hạt nhân trên đất liền, còn các lực lượng hạt nhân trên biển và trên không đã gặp rất nhiều khó khăn.

Giữa một số cường quốc hạt nhân, vẫn chỉ có Mỹ xây dựng được hệ thống răn đe hạt nhân "tam vị nhất thể" rất hoàn bị và tiên tiến, đặc biệt là Mỹ xây dựng được hệ thống răn đe hạt nhân chiến lược dưới nước mạnh, mỗi tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Ohio trang bị 24 quả tên lửa Trident, mãi đến nay vẫn dẫn xa tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược của các nước lớn hạt nhân khác, được rất nhiều nhà quan sát coi là "thần khí".

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ mới của Hải quân Mỹ (tưởng tượng)
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ mới của Hải quân Mỹ (tưởng tượng)

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio có lượng giãn nước khi lặn đạt 18.750 tấn, dài 170 m, rộng 13 m, có thể mang theo 24 quả tên lửa đạn đạo Trident.

8 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio đầu trang bị tên lửa Trident-I C4 tầm bắn đạt 7.400 km, mỗi quả có thể mang theo 8 đầu đạn hạt nhân độc lập W76 lớp 100.000 tấn, 10 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio sau trang bị tên lửa Trident-II D5 tầm bắn đạt 11.300 km, mỗi quả có thể mang theo 8 đầu đạn hạt nhân W88 lớp 470.000 tấn, độ chính xác tấn công đạt CEP90-120 m.

Tính như vậy, khi hoàn thành chế tạo toàn bộ tàu ngầm lớp Ohio vào năm 1997, 18 tàu ngầm hạt nhân Ohio của Mỹ trang bị tổng cộng 432 quả tên lửa Trident và 3.456 đầu đạn hạt nhân.

Năng lực thực tế của tên lửa Trident-II D5 có thể lắp 12 đầu đạn hạt nhân W88, nhưng do "Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn đầu tiên" giữa Mỹ và Liên Xô, tên lửa Trident-II D5 bị hạn chế chỉ có thể chế tạo 8 đầu đạn.

Nếu dựa vào tên lửa hạt nhân của Trung Quốc chỉ có 20 quả có thể tấn công Mỹ (theo thống kê khi đó của phương Tây) để tính, thì năng lực đáp trả hạt nhân của Trung Quốc cuối thập niên 1990 chỉ bằng khoảng 4,6% lực lượng hạt nhân dưới nước Mỹ (không phải là toàn bộ lực lượng hạt nhân), nếu tính toán số lượng đầu đạn hạt nhân, tỷ lệ này có thể còn thấp hơn.

Tên lửa đạn đạo phóng ngầm Trident-II D5 có tính năng tốt nhất thế giới, có trình độ công nghệ cao nhất
Tên lửa đạn đạo phóng ngầm Trident-II D5 có tính năng tốt nhất thế giới, có trình độ công nghệ cao nhất

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio sở dĩ được rất nhiều dân mạng coi là "thần khí", chính là do tính năng mạnh mẽ của tên lửa Trident-II D5 và lượng tiên lửa mang theo (nhiều tới 24 quả) của nó. Mãi đến nay, tính năng của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio vẫn rất khó vượt qua.

Chẳng hạn tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Triomphant mới nhất của Pháp chỉ có thể mang theo 16 quả tên lửa đạn đạo, thành tích đỉnh cao của Liên Xô cũ là, tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Typhoon lượng giãn nước trên 20.000 tấn cũng chỉ có thể mang theo 20 quả tên lửa.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược Borey mới nhất của Nga hiện nay cũng chỉ có thể mang theo 16 quả tên lửa đạn đạo. Đồng thời, tên lửa Trident-II D5 dẫn trước toàn diện tên lửa cùng loại của các nước lớn hạt nhân khác về tầm bắn, độ chính xác tấn công, tốc độ phản ứng, hơn nữa chất lượng và trạng thái rất ổn định.

Từ năm 1989 đến năm 2013, tên lửa Trident-II D5 đã tiến hành 148 lần phóng thử thành công. Trong khi đó, tên lửa Bulava của Nga không những thua tên lửa Trident-II D5 Mỹ về số lượng đầu đạn, tầm bắn, độ chính xác, mà còn trạng thái rất không ổn định. Trong 21 lần thử nghiệm từ năm 2004 đến tháng 9 năm 2013, tên lửa Bulava tổng cộng đã thất bại 9 lần, tỷ lệ thành công chỉ có 60%.

Chiến tranh Lạnh kết thúc, lực lượng hạt nhân dưới nước cũng thay đổi. Từ năm 2002 đến năm 2010, 4 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio trước đây chuẩn bị về hưu của Quân đội Mỹ đã được cải tạo thành tàu ngầm hạt nhân tấn công tên lửa hành trình, 22 giếng phóng tên lửa của mỗi tàu ngầm được cải tạo thành giếng phóng thẳng đứng tên lửa hành trình, mỗi giếng phóng có thể mang theo 7 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Khoang tên lửa của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio
Khoang tên lửa của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio

Điều này có nghĩa là 1 tàu ngầm lớp Ohio phiên bản cải tiến có thể mang theo 154 quả tên lửa hành trình, 4 tàu cộng lại tổng cộng có 616 quả tên lửa hành trình, cộng với tính bí mật dưới nước của nó, năng lực tấn công của nó rất nổi trội. 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công tên lửa hành trình sẽ phục vụ đến năm 2023-2026 mới nghỉ hưu.

Trong khi đó, vào năm 2008, 14 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio còn lại của Mỹ đã trang bị toàn bộ tên lửa Trident-II D5. Mặc dù 14 tàu ngầm lớp Ohio mang theo tổng cộng 336 quả tên lửa Trident và 2.688 đầu đạn, nhưng tầm bắn của tên lửa đã tăng lên, hơn nữa do đã mang theo đầu đạn W88 tiên tiến hơn, sức công phá hạt nhân tổng cộng cũng đã tăng so với trước đây.

"Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược" do Mỹ-Nga ký năm 2002 quy định chỉ duy trì 4-5 đầu đạn của tên lửa Trident-II D5. Sau khi "Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới" Mỹ-Nga năm 2011 có hiệu lực, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân của lực lượng hạt nhân trên biển của Mỹ được hạn chế ở con số 1.152, tức là mỗi quả tên lửa Trident-II D5 chỉ còn duy trì 3-4 đầu đạn.

Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu ngầm Mỹ
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu ngầm Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio và tên lửa Trident-II D5 tất nhiên là "thần khí", nhưng điều này cũng rất khó làm lại đối với Mỹ hiện nay. Giống như nhiều người Trung Quốc khó hiểu được, nước Mỹ từng đổ bộ lên Mặt trăng đã không nuôi nổi ngay cả tàu con thoi. Thật là không rõ, Mỹ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Mỹ hiện nay đã có sự thay đổi to lớn về sản xuất công nghiệp, phương thức hoạt động của nền kinh tế, cơ cấu xã hội.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ hiện nay sẽ nghỉ hưu vào năm 2029, vì vậy quân Mỹ phải tính tới vấn đề tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới. Một số ý tưởng tàu ngầm hạt nhân chiến lược tương lai của Mỹ đã được đưa ra, chẳng hạn sử dụng phiên bản kéo dài tuổi thọ của tên lửa Trident-II D5, áp dụng hệ thống đẩy, hệ thống định vị thủy âm tương tự lớp Virginia, có thể trong toàn bộ thời gian hoạt động không sử dụng lò phản ứng hạt nhân tuổi thọ lâu đổi nhiên liệu hạt nhân, đẩy hoàn toàn bằng điện, bánh lái kiểu X...

Về số lượng tên lửa mang theo, tàu ngầm hạt nhân mới được suy đoán sẽ giảm còn 16 quả, thậm chí có một số quan điểm cho rằng sẽ giảm còn 12 quả. Nhưng, về kích cỡ cơ bản, tàu ngầm hạt nhân tên lửa mới tương đương với lớp Ohio vốn có, thậm chí lớn hơn về lưỡng giãn nước khi lặn. Điều này cho thấy độ thoải mái bên trong của tàu ngầm hạt nhân chiến lược quân Mỹ tương lai sẽ tốt hơn và có thể thực hiện chức năng trên nhiều chiến trường hơn.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Mỹ

Đương nhiên đây chỉ là suy đoán. Hiện nay tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược tương lai của Hải quân Mỹ sẽ như thế nào, quân Mỹ còn chưa công bố thông tin tin cậy. Giá thành đã trở thành yếu tố chủ yếu chi phối Mỹ đổi mới tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới. Quân Mỹ dự kiến đơn giá của tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược mới sẽ cao tới 4 tỷ USD, một số cơ quan dự đoán thậm chí sẽ lên tới 6-8 tỷ USD.

Vì vậy, tổng số lượng trang bị tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ tiếp theo của Mỹ có thể chỉ 12 chiếc, nhưng một số sĩ quan Hải quân Mỹ cho rằng như vậy không đủ để bảo đảm răn đe hạt nhân. Muốn bảo đảm răn đe hạt nhân, phải giảm đơn giá, chẳng hạn sử dụng rất nhiều công nghệ có sẵn, bao gồm cải tạo tàu ngầm lớp Virginia thành tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược mới, hoặc trực tiếp đại tu tàu ngầm lớp Ohio hiện có để tiếp tục sử dụng.

Tháng 12 năm 2008, Hải quân Mỹ trao cho Công ty General Dynamics Electric Boat hợp đồng gần 600 triệu USD, thiết kế đoạn khoang tên lửa của tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ tiếp theo. Thực ra đến nay, Hải quân Mỹ cũng chưa xác nhận kế hoạch thay thế tàu ngầm lớp Ohio.

Vào tháng 4 năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã cho biết, năm 2010 cần khởi động kế hoạch thay thế, như vậy năm 2014 mới có thể bước vào giai đoạn thiết kế và cuối cùng đuổi kịp thời điểm tàu ngầm lớp Ohio nghỉ hưu vào năm 2029. Nhưng, năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố toàn bộ kế hoạch thay thế này phải trì hoãn 2 năm trở lên.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược USS Ohio trang bị 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk, có thể phóng liên tiếp tên lửa.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược USS Ohio trang bị 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk, có thể phóng liên tiếp tên lửa.

Tháng 12 năm 2012, Hải quân Mỹ trao cho Công ty General Dynamics Electric Boat hợp đồng trị giá 2 tỷ USD, để nhà đóng tàu và nhà cung ứng bắt đầu các công việc như phát triển công nghệ, tích hợp kỹ thuật, thiết kế khái niệm có liên quan đến tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ tiếp theo, trong đó có biện pháp giảm giá thành. Bởi vì, bất kể là Hải quân hay cơ quan đóng tàu đều đã nhận thức được, có thể chịu đựng được về kinh tế đã trở thành vấn đề then chốt để chương trình này có tiến triển hay không.

Công ty General Dynamics tuyên bố sẽ sử dụng một loạt công nghệ giảm chi phí trên tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Truyền thông Mỹ suy đoán tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược thế hệ tiếp theo sẽ đi vào giai đoạn thiết kế cụ thể vào năm 2017, đi vào hoạt động khoảng năm 2031, số lượng có thể chỉ có 12 chiếc.

Mặc dù lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Mỹ trong tương lai có thể giảm sức mạnh do hạn chế về chi phí và hiệp ước giải trừ quân bị hạt nhân, nhưng trình độ dẫn trước của họ vẫn đủ để nước khác vất vả đuổi theo.

Tuy nhiên, Mỹ cũng rất nhạy cảm với sự phát triển lực lượng hạt nhân dưới nước của nước khác, một khi phát hiện có nước khác đuổi kịp về răn đe hạt nhân dưới nước, Mỹ chắc chắn sẽ có hành động về tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ tiếp theo, hoặc thông qua lôi kéo nước khác vào hiệp ước giải trừ quân bị hạt nhân để kiềm chế.

Ngư lôi hạng nặng MK-48 trang bị cho tàu ngầm của Mỹ
Ngư lôi hạng nặng MK-48 trang bị cho tàu ngầm của Mỹ
Việt Dũng