Mỹ mong Nga giúp kiềm chế Trung Quốc là tính toán sai lầm

19/05/2014 13:00
Nguyễn Hường
(GDVN)- Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov hôm 19/5 đã lên án chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.
"Mỹ mang lý luận của một nhà lãnh đạo yếu kém rằng nhiệm vụ chính của họ là kiềm chế Trung Quốc và mong đợi nhận được sự giúp đỡ cho ý định này trong các vấn đề chiến lược. Thật phi lý", Puskov viết trên Twitter cá nhân sớm ngày 19/5.

Ông cũng lưu ý rằng việc tái lập quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là nhằm mang lại sự ổn định chiến lược.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov
 Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga Alexei Pushkov
"Nếu Obama nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ giúp đỡ ông ấy trong việc cô lập Nga thì đó là một tính toán sai lầm", ông Puskov nói thêm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc vào ngày 20-21/5, nơi ông sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và tham dự Hội nghị xây dựng các biện pháp lòng tin và tương tác ở châu Á.
Theo truyền thông nhà nước Nga, dự kiến trong bản tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo hai nước sẽ công bố một giai đoạn mới của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung cũng như ký kết một loạt các văn kiện hợp tác, trong đó gồm cả các chương trình hợp tác lớn về năng lượng.
Thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời trợ lý Tổng thống Yuri Ushakov cho biết, Nga sẽ giới thiệu 43 văn kiện hợp tác khác nhau trong chuyến thăm sắp tới của ông Putin và 30 trong số đó sẽ được ký kết. 
Tờ Izvestia dẫn nguồn tin trong Gazprom nói rằng tập đoàn này có thể ký kết hợp đồng bán 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc mỗi năm trong chuyến thăm của ông Putin tại Thượng Hải. 
Gazprom đề xuất sẽ bán cho Trung Quốc với giá 250-380 USD cho mỗi một ngàn mét khối khí. Tuy nhiên, nhiều khả năng Gazprom sẽ giảm tiếp giá bán cho Trung Quốc về mức trung bình của châu Âu. Hợp đồng này dự kiến sẽ đem lại cho Nga khoảng 400 tỷ USD.
Do châu Âu đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga nên Moscow gần đây đã chuyển hướng tìm kiếm các đối tác mới, trong đó Trung Quốc là một tiềm năng lớn. Trong kế hoạch trung hạn, Gazprom nói rằng tập đoàn này có thể bán cho Trung Quốc lượng khí đốt bằng với khối lượng cung cấp cho châu Âu./.
Nguyễn Hường