Myanmar tiếp quản ghế Chủ tịch ASEAN, sớm chuẩn bị cho Biển Đông

19/10/2013 13:31
Hồng Thủy
(GDVN) - COC vẫn dậm chân tại chỗ, và sẽ còn kéo dài sang năm 2014 trong khi Trung Quốc là một trong những đồng minh chính trị và kinh tế lớn nhất của Myanmar. U Kyaw Lin Oo cảnh báo, các thành viên Bộ Ngoại giao Myanmar ý thức được Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông, COC trong năm 2014.
Tổng thống Myanmar U Thein Sein.
Tổng thống Myanmar U Thein Sein.
Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 từ Quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah hôm 10/10. "Vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN không phải nhiệm vụ dễ dàng với Myanmar tại thời điểm này", U Kyaw Lin Oo, một nhà bình luận chính trị độc lập cảnh báo. Để bắt đầu, Myanmar phải chuẩn bị công tác hậu cần cho khoảng 1000 cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu hầu hết sẽ diễn ra tại thủ đô của Myanmar, mọi sự tập trung chú ý sẽ đổ dồn vào chính phủ Myanmar. Mặt khác, Myanmar giữ ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2014 ngay sát thời điểm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN theo mô hình tương tự EU, một thị trường chung duy nhất về kinh tế và sản xuất AEC. AEC nhằm biến ASEAN thành một khu vực kinh tế cạnh tranh hơn bằng cách tăng cường hợp tác thương mại, kinh tế giữa các nước thành viên với việc hình thành các hiệp định tự do thương mại, xóa bỏ thuế nhập khẩu, hợp lý hóa đầu tư Các nền kinh tế phát triển hơn, đặc biệt là Singapore tỏ ra băn khoăn về việc các nước Myanmar và Campuchia tham gia cộng đồng vì cho rằng các nước kém phát triển chưa sẵn sàng cho việc này.
Các nước ASEAN đã không hài lòng với Campuchia về vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2012.
Các nước ASEAN đã không hài lòng với Campuchia về vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2012.
Nhưng đó không phải vấn đề duy nhất, vấn đề vẫn chi phối hội nghị thượng đỉnh ASEAN lâu nay lại là những căng thẳng leo thang trên Biển Đông giữa 4 nước ASEAN với Trung Quốc. ASEAN đã đạt được đồng thuận cùng thúc đẩy Trung Quốc đàm phán ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC. Một quy tắc như vậy sẽ buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN như một thực thể đối tác chứ không phải đàm phán tay đôi như Bắc Kinh mong muốn. Tuy nhiên đến hiện nay COC vẫn dậm chân tại chỗ, và sẽ còn kéo dài sang năm 2014 trong khi Trung Quốc là một trong những đồng minh chính trị và kinh tế lớn nhất của Myanmar. U Kyaw Lin Oo cảnh báo, các thành viên Bộ Ngoại giao Myanmar ý thức được Trung Quốc có thể sẽ gây ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông, COC trong năm 2014. U Aung Lynn, Vụ trưởng Vụ ASEAN Bộ Ngoại giao Myanmar khẳng định với The Myanmar Times rằng chính phủ nước này sẽ làm việc chặt chẽ với các nước láng giềng ASEAN về COC mà khối đang thảo luận với Trung Quốc. Danny Chian Siong Lee, Giám đốc bộ phân phát triển các vấn đề cộng đồng trong Ban thư ký ASEAN cho biết lập trường của khối về vấn đề Biển Đông là một vấn đề khó có thể đạt được thông qua đàm phán hòa bình mà điều này cũng là mong muốn của Trung Quốc. Cuối tháng Giêng năm nay Myanmar đã thành lập một nhóm các nhà ngoại giao, các giáo sư và chuyên gia để thảo luận về vấn đề Biển Đông mặc dù không phải là một bên có yêu sách chủ quyền, U Nyunt Maung Shein, một Đại sứ đã nghỉ hưu cho biết. Myanmar sẽ rất thận trọng trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đối với vấn đề Biển Đông và cố gắng không lặp lại vết xe đổ của Campuchia năm 2012, Nilanthi Samaranayake, một nhà phân tích châu Á thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược CNA, Mỹ nhận xét. "Các nước thành viên ASEAN đã không hài lòng với Campuchia", U Kyaw Lin Oo nhận xét, "Myanmar phải học bài học này."

Hồng Thủy