Nam sinh trường y từ Quảng Nam đến Bắc Giang chống dịch

03/06/2021 08:40
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Nhà chỉ có hai mẹ con. Mỗi lần gọi điện cho mẹ, nói về ý định đi tình nguyện là hai mẹ con lại nghẹn ngào", Thắng tâm sự.

Sau dịp lễ 30/4, Đà Nẵng trở đã có một đợt bùng phát dịch Covid-19, Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 2002, quê ở tỉnh Quảng Nam), sinh viên Khoa Y Trường Đại học Đông Á đã ghi danh tình nguyện ở lại thành phố tham gia chống dịch.

Sau 21 ngày làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm, Thắng và các tình nguyện viên chuẩn bị khởi hành đến với Bắc Giang vào ngày 3/6.

Nguyễn Văn Thắng (bên phải) - sinh viên khoa Y Trường Đại học Đông Á. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Văn Thắng (bên phải) - sinh viên khoa Y Trường Đại học Đông Á. (Ảnh: NVCC)

Thắng tâm sự: “Nhà chỉ có hai mẹ con. Mỗi lần gọi điện cho mẹ, nói về ý định đi tình nguyện là hai mẹ con lại nghẹn ngào. Em thường dành những ngày nghỉ, dịp lễ để tham gia tình nguyện nên ít về với mẹ.

Lần này, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Đà Nẵng, quyết định đến Bắc Giang, một địa điểm khá xa, lại đang trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, em biết mẹ lại lặng lẽ gạt dòng nước mắt, mẹ lo lắng và thương em nhiều lắm.

Nhưng mẹ luôn động viên, ủng hộ em tham gia tình nguyện. Ngày trước, nhiều lần mẹ cùng em tham gia những chương trình tình nguyện như “Tết yêu thương” ở các huyện Trà Cang, Bắc Trà My, Thăng Bình... Mẹ luôn mong em làm việc tốt, dẫu mẹ ở nhà một mình trong nỗi nhớ mong”.

Thắng và đội tình nguyện làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm. (Ảnh: NVCC)

Thắng và đội tình nguyện làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm. (Ảnh: NVCC)

Ngày 12/5, Nguyễn Văn Thắng bắt đầu nhận nhiệm vụ ở Đà Nẵng. Đội tình nguyện bao gồm các bạn sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng chống dịch. Ban lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ giành hai phòng trong ký túc xá cho riêng đội tình nguyện.

Hàng ngày, các tình nguyện viên bắt đầu công việc từ 5h sáng tới 12h30, buổi chiều từ 15h30 đến 22h30. Nhiệm vụ của Thắng là mang bữa ăn đến với những người dân đang thực hiện cách ly, đo thân nhiệt và cấp phát thuốc cho bệnh nhân. Các bạn trẻ cũng không ngần ngại với công việc dọn dẹp vệ sinh, sát khuẩn phòng dịch.

Kiểm tra nhiệt độ cho những người ở khu cách ly là một trong những nhiệm vụ của Thắng và tình nguyện viên. (Ảnh: NVCC)

Kiểm tra nhiệt độ cho những người ở khu cách ly là một trong những nhiệm vụ của Thắng và tình nguyện viên. (Ảnh: NVCC)

"Những ngày đầu tiên làm việc với chúng em khá mệt mỏi, áp lực. Nhiều đêm nhớ nhà, có đứa bảo ước gì giờ đang ở quê, bên cạnh gia đình rồi bật khóc, nhiều bạn cũng sụt sùi khóc theo.

Ấy thế mà, sáng mai thức dậy, các bạn đều phấn chấn trở lại, cùng nhau chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để tiếp tục chiến đấu cho ngày mới. Chính trong hoàn cảnh khó khăn nhất, em lại có được những người bạn luôn yêu thương nhau, luôn cùng chí hướng.

Áp lực nhất là có ngày gần 12 giờ đêm lại phát hiện một ca dương tính. Không khí trở nên căng thẳng vô cùng, nhưng chúng em luôn phải bình tĩnh, bắt đầu nhiệm vụ sát khuẩn ngay trong đêm. Có hôm phải đến tận 3 giờ sáng chúng em mới được đi ngủ”, Thắng nhớ lại.

Vất vả là thế nhưng ký ức những ngày làm việc trong khu cách ly với Thắng và đồng đội là những tháng ngày hạnh phúc, được trao yêu thương và nhận về những yêu thương.

Đó là những món quà từ những người dân trong khu cách ly, những trái xoài, quả ổi mà người dân gửi tình nguyện viên thay cho lời cảm ơn, là những lời động viên từ những cụ già đến lời cảm ơn của các em nhỏ. Tình cảm chân thành, giản dị ấy chính là nguồn động lực, tiếp sức cho những chiến sĩ tình nguyện cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong cuộc chiến này.

Dẫu vậy, những áp lực, khó khăn mà các tình nguyện viên phải đối mặt cũng không ít. Theo chia sẻ của Nguyễn Văn Thắng, ở khu cách ly có quy định không được hút thuốc lá, song có một thanh niên vì muốn hút thuốc mà lôi kéo những người khác cùng bỏ về.

Trước tình huống đó, Thắng và đồng đội phải vừa ngăn cản, vừa thuyết phục, đồng thời báo lại cơ quan chức năng để có phương án xử lý.

"Thực ra ở trong khu cách ly, bản thân người dân cũng có nhiều vấn đề lo lắng, áp lực, quan trọng là mình phải hiểu cho người khác và người khác cũng phải hiểu cho nhiệm vụ của mình.

Những tình huống này mình cũng cần phải mềm dẻo. Phải giải thích để người dân hiểu, mỗi người cần hi sinh bản thân một chút vì mục đích chung là chiến thắng dịch bệnh.

Những ngày làm việc, phải mặc đồ bảo hộ giữa tiết trời nắng nóng mới thấm hết bao nỗi vất vả, cực nhọc của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Và có lẽ, điều em cảm thấy ý nghĩa hơn chính là giá trị của tình người, nghĩa đồng bào sâu nặng của mỗi người dân Việt Nam", chàng trai sinh viên trường Y tâm sự.

Nguyễn Văn Thắng từng được nhận bằng khen của Đoàn trường Đại học Đông Á. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Văn Thắng từng được nhận bằng khen của Đoàn trường Đại học Đông Á. (Ảnh: NVCC)

Nói về lựa chọn đến Bắc Giang chống dịch, Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: "Bản thân em đã có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở Đà Nẵng nên em rất mong được đến với Bắc Giang để cùng góp sức, hỗ trợ cho hàng ngàn chiến sĩ áo trắng nơi đây.

Theo học ngành y mà ngần ngại đến với tâm dịch thì không còn là sinh viên khoa y nữa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh,ai ai cũng mong muốn bản thân và gia đình được an toàn, bình yên. Nhưng hình ảnh đội ngũ y bác sĩ ngày đêm trực chốt tại các tổ dân phố, cùng đội tình nguyện viên căng mình, ra sức hỗ trợ tại các khu cách ly tập trung…khiến em luôn thôi thúc mình phải đi. Mình có sức khỏe, sức trẻ, mình còn chờ gì mà không góp sức vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang trong hoàn cảnh khó khăn".

Xung phong tình nguyện đến tâm dịch, Thắng phải hoãn thi một số môn học ở trường nhưng chàng trai ấy vẫn vui cười, tự tin: Chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, khi đó em về thi vẫn chưa muộn!

Tham gia tình nguyện chống dịch 21 ngày, Nguyễn Văn Thắng được ban lãnh đạo quận Sơn Trà hỗ trợ 2.000.000 đồng và Ban giám hiệu Trường Đại học Đông Á tặng 500.000 đồng. Thắng đã quyên góp số tiền ấy vào quỹ Câu lạc bộ Xanh Đại học Đông Á.

Ngày 1/6, Thắng cùng các thành viên của Câu lạc bộ trao tặng 12 suất quà cho các gia định có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Nam trước khi lên đường đến Bắc Giang chống dịch.

Năng nổ, tích cực với các hoạt động tình nguyện, Nguyễn Văn Thắng là Chủ nhiệm 3 câu lạc bộ tình nguyện: Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương tỉnh Quảng Nam, Câu lạc bộ Xanh Trường Đại học Đông Á và Câu lạc bộ tình nguyện Blouse Trắng khoa Y.

Năm 2020, chàng sinh viên Y khoa được nhận bằng khen của Đoàn trường Đại học Đông Á vì có đóng góp tích cực trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên, bằng khen về thành tích trong phong trào tình nguyện vì cộng đồng. Với Nguyễn Văn Thắng, tình nguyện là mang đến hạnh phúc cho mọi người và cho chính mình, bởi trong cuộc sống "cho đi là còn mãi".

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh