Nâng tầng trường học là một giải pháp hợp lý tăng hiệu quả sử dụng đất ở đô thị

29/02/2020 06:17
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đã có một số trường học tại Hà Nội được cơ quan chuyên môn chấp thuận nâng lên thành 5 tầng.

Câu chuyện quá tải sĩ số tại các trường học của Hà Nội đã được nhắc đến nhiều năm qua nhưng thực tế lại không dễ giải quyết khi quỹ đất để xây trường rất giới hạn.

Vì thế, một trong giải pháp được đưa ra là đề xuất nới lỏng quy định yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: vovdulich.vn
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm. Ảnh: vovdulich.vn

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, xây dựng trường học trước hết phải xem xét tuân thủ theo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật ví dụ như mật độ xây dựng, số tầng, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất bình quân trên một học sinh.

Theo đó, tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng trường học cũng đã được quy định trong các văn bản liên quan. Nhưng thực tế tại Hà Nội, với mật độ dân số đông, đất đai khan hiếm thì khó có thể đáp ứng tiêu chuẩn này.

Tiến sĩ Nghiêm đánh giá, không chỉ với riêng Thành phố Hà Nội mà các khu vực nội đô của các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… đều có thể gặp tình trạng này, vì thế kiến nghị cho nâng tầng trường học để tăng hiệu quả sử dụng đất là một giải pháp rất cần thiết.

"Trong QCVN 06:2010/BXD, việc giới hạn tối đa 4 tầng được tính toán trên cơ sở phòng cháy chữa cháy và đặc biệt trên cơ sở các thiết bị phòng cháy chữa cháy và thiết kế về khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.

Với khó khăn về quỹ đất như vậy, đã có một số trường học tại Hà Nội nâng lên 5 tầng trong khi tiêu chuẩn là 4 tầng.

Việc này đã được cơ quan chuyên môn chấp thuận, ủng hộ. Như vậy, đề xuất nâng tầng trường học lần này là một giải pháp có thể xem xét hợp lý", Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo ông, đề xuất nâng tầng không thể giải quyết cục bộ được mà phải xem xét đồng bộ với các tiêu chuẩn khác.

Thứ nhất là phải xem xét khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy.

Bây giờ với số học sinh đông, nếu có tăng thêm tầng thì phải tính lối thoát và chiều rộng của lối thoát phòng cháy chữa cháy phù hợp. 

Thứ hai là phải bảo đảm có lối thoát an toàn. Hiện nay, tại các trường học ít khi đặt ra vấn đề có lối thoát an toàn.

Vì thế, khi có thêm tầng cho các trường học thì càng phải có lối thoát an toàn. Lối thoát an toàn là để khi xảy ra hỏa hoạn không nhất thiết phải đi qua cầu thang. Việc cứu hộ có thể tiến hành qua đó.

Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp
Giới hạn số tầng trường học có thể nới lỏng trong một số trường hợp

Thứ ba là cho nâng tầng nhưng khai thác sử dụng các tầng trên để làm gì? Đây là một yếu tố cần thiết.

Thực tế là với các công trình trường học đã được đồng ý cho nâng tầng thì chủ yếu các tầng trên để làm văn phòng, dịch vụ, không bố trí cho học sinh học trên các tầng này. Như vậy toàn bộ diện tích các tầng thấp dành cho các lớp học.

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh lại: “Nâng tầng là một giải pháp hợp lý nhưng kèm theo là các điều kiện như phân tích ở trên”.

Trước đó, ngày 25/2, tại cuộc giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình – ông Tạ Nam Chiến cho biết: "Quận đã đề xuất với Bộ Xây dựng để nâng tầng trường học. Việc nâng tầng tại một số công trình trường học trên địa bàn quận Ba Đình là để tăng diện tích sàn.

Tuy nhiên, dù nâng cao tầng thì vẫn phải đặt yếu tố đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, thuận tiện cho học sinh sử dụng lên hàng đầu.

Phương án quận đưa ra trong thiết kế trường học là học sinh vẫn học các lớp tầng thấp, khu hiệu bộ, phòng chuyên môn của các thầy cô giáo được đưa lên các tầng trên.

Như vậy, không vi phạm phòng cháy chữa cháy, vẫn đảm được diện tích sàn cho các cháu học sinh học trong điều kiện đất đai chật hẹp như quận Ba Đình. Việc nâng tầng là một giải pháp.

Về lâu dài, quận Ba Đình chắc chắn phải có phương án báo cáo Bộ Xây dựng để có hướng mở hơn trong QCVN 06".

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình thông tin: "Đối với từng dự án đề xuất nâng tầng trường học, quận phải lập luận chứng kinh tế kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, thông qua Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an.

Sau khi được chấp thuận, chúng tôi mới quay lại lập hồ sơ thiết kế. Hồ sơ thiết kế đó phải được Bộ Xây dựng chấp thuận. Do đó, đường đi của một dự án xây dựng trường học khá là dài.

Nếu Bộ Xây dựng chấp thuận có sự điều chỉnh theo hướng mở hơn quy chuẩn an toàn phòng cháy thì chắc chắn việc thực hiện dự án sẽ được rút ngắn hơn".

Đỗ Thơm