Nếu biết nước nhiễm dầu thải mà vẫn cung cấp cho dân thì có thể xử lý hình sự

27/10/2019 07:36
Trinh Phúc
(GDVN) - "Về mặt pháp lý, công ty cung cấp nước phải chịu trách nhiệm mọi thiệt hại từ nguồn hàng của mình gây ra".

Liên quan đến việc Viwasupco (Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà) cung cấp nước nhiễm dầu thải cho gần 1 triệu dân Hà Nội, trong đó có nhiều trẻ nhỏ đang ở độ tuổi đi học khiến dư luận rất bất bình, vấn đề đặt ra hiện nay là người dân đã dùng nước bẩn có được bảo vệ quyền lợi thực sự?

 Trách nhiệm của Viwasupco được xác định như thế nào?

Để có góc nhìn pháp lý liên quan đến trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa và người tiêu dùng trong vụ việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận quan điểm của Phó Giáo sư Phùng Trung Tập (chuyên gia pháp lý dân sự về hợp đồng) – Giảng viên Đại học Luật Hà Nội.

Phó Giáo sư Phùng Trung Tập (ảnh nguồn báo người Hà Nội).
Phó Giáo sư Phùng Trung Tập (ảnh nguồn báo người Hà Nội).

Theo ông Phùng Trung Tập, Viwasupco cung cấp nước nhiễm bẩn cho nhân dân ở một địa bàn của Hà Nội trong nhiều ngày là sự kiện có thật, đã xảy ra, gây bức xúc dư luận.

Ở đây, Viwasupco là phía cung cấp nước sạch cho nhân dân thành phố Hà Nội - tức là người bán hàng. Nguyên tắc, người bán hàng phải có trách nhiệm với nguồn hàng bán ra. Hàng hóa ở đây là nước sạch.

Theo phân tích của ông Phùng Trung Tập việc người bán hàng đã biết nước bị ô nhiễm nhưng không thông báo kịp thời cho nhân dân để tìm cách khắc phục thì về mặt pháp lý, công ty cung cấp nước phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại (đó là chưa kể biết nước bẩn vẫn cung cấp tới nhà dân).

Công ty có trách nhiệm phải bồi thường mọi thiệt hại vì vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Bơm nước nhiễm dầu thải cho dân, Viwasupco phải chịu trách nhiệm chính
Bơm nước nhiễm dầu thải cho dân, Viwasupco phải chịu trách nhiệm chính

Phân tích thêm, Phó Giáo sư Phùng Trung Tập cho rằng, về mặt pháp luật dân sự, công ty nước sạch phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Việc xác định bồi thường thiệt hại cho sức khỏe của người dân dùng nước bẩn, trong thời gian ngắn trước mắt chưa có cơ sở về mặt y khoa để xem xét.

Nhưng về mặt pháp lý dân sự liên quan đến thiệt hại về bề nổi xác định được đó là những khoản mà nhân dân phải chi ra mua nước của nhà máy cung cấp được xác định trong thời gian nhà máy này cung cấp nước bẩn.

Nếu tới đây có cơ sở pháp lý xác định những bệnh lý liên quan đến việc dùng nước bẩn từ nhà máy nước thì Viwasupco phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, theo nguyên tắc thiệt hại bao nhiêu phải bồi thường bấy nhiêu.

Những chi phí liên quan đến thiệt hại sức khỏe do sử dụng nguồn nước bẩn, không đạt tiêu chuẩn đều thuộc trách nhiệm của Viwasupco.

Xét nghiệm nước hàng ngày các vùng bị ảnh hưởng, công khai trên truyền hình
Xét nghiệm nước hàng ngày các vùng bị ảnh hưởng, công khai trên truyền hình

Theo ông Phùng Trung Tập, để yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại có thể viết đơn thẳng lên công ty để giải quyết theo con đường hòa giải.

Nếu hòa giải không thành có thể khởi kiện lên tòa án tại địa bàn Công ty Cổ phần đầu tư nước sông Đà đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, Phó Giáo sư Phùng Trung Tập còn cho rằng, về mặt hình sự, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra nếu xét thấy đầy đủ chứng cứ thì có thể truy tố trước pháp luật về việc biết nước sinh hoạt nhiễm dầu thải vẫn cung cấp cho dân.

Cụ thể hơn là Viwasupco không chủ động phát hiện và ngăn chặn nước bẩn mà là do người dân phát hiện và cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội vào cuộc thì vụ việc mới bị phanh phui trước công luận.

“Nguồn nước ô nhiễm rất nguy hiểm, cung cấp cho người dân trong thời gian dài gây tiềm ẩn bệnh tật” – ông Tập nhấn mạnh.

Trước đó như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã để xảy ra việc cung cấp nước sinh hoạt nhiễm dầu thải tới hàng vạn hộ dân ở khu vực phía Tây Hà Nội, khiến cho rất nhiều gia đình khổ sở ví thiếu nước trầm trọng.

Câu hỏi đặt ra là việc nhà máy để lọt dầu thải lẫn trong nước tới tận nhà dân thì hệ thống, quy trình khai thác, tạo ra sản phẩm (nước sạch sinh hoạt) của Viwasupco có đạt tiêu chuẩn không? Chắc chắn là đã có những vấn đề bất thường tại hệ thống này nên mới dẫn tới việc nước sinh hoạt nhiễm dầu thải.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nước nhiễm dầu thải mà không được xử lý nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn sẽ rất nguy hại lâu dài đối với sức khỏe người dân. 

Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải khẩn trương phân tích, xét nghiệm nguồn gốc dầu thải đổ trộm này để có phương án xử lý tốt nhất, đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân”.

Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn nhận định: “Có thể nguồn gốc chất thải này là hỗn hợp của nhiều loại chất thải khác nhau nên mới có dạng như vậy. Còn thành phần của chất thải này như thế nào có lẽ Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành phân tích chuyên sâu.

Trong thành phần của dầu thải có nhiều chất khác nhau, trong đó những chất ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người. Mỗi chất có tác hại khác nhau. Tùy theo kết quả phân tích chúng ta mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào khi nó ngấm vào nguồn nước mà người dân ăn uống, sử dụng hàng ngày”.

Trinh Phúc