Bơm nước nhiễm dầu thải cho dân, Viwasupco phải chịu trách nhiệm chính

23/10/2019 13:55
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngoài sự việc xảy ra tại Nhà máy nước sông Đà thì các nhà máy khác ở Hà Nội đang khai thác nước từ đâu, chất lượng có thật sự đảm bảo không?

Tại buổi tọa đàm “An ninh nước sạch và các vấn đề pháp lý” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức ngày 23/10/2019, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ứng Quốc Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, nhà máy nước sông Đà vừa là "bị hại" trong vụ đổ trộm dầu thải, nhưng cũng chính là nguyên nhân khiến sinh hoạt của người dân đảo lộn. Họ biết có dầu thải đổ vào nguồn nước nhưng vẫn sản xuất, vẫn cấp đến người dân.

Dù nói thế nào thì Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cũng phải chịu trách nhiệm chính khi cung cấp nước sạch cho dân có nhiễm Stylen quá giới hạn cho phép.

"Sự việc đã xảy ra rồi, người ta nói mất bò mới lo làm chuồng. Nhưng muộn cũng phải làm và chúng ta phải làm chuồng nhanh chóng để không mất thêm bò, không để xảy ra sự cố nữa", ông Dũng nói.

Theo Phó Giáo sư Ứng Quốc Dũng, ở các nước, việc bảo vệ nguồn nước rất tốt, gồm có nhiều bước, nhiều lớp. Tuy nhiên, ở nước ta đến nay chưa làm được vấn đề này.

Hơn nữa, thời đại 4.0, người ta có thể phát hiện nước có đạt chỉ số chất lượng hay không thông qua máy móc, công nghệ chứ không phải khi xảy ra mới phát hiện được, vì như thế thì đã gây ra hậu quả rồi.

Ông Dũng nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi và các chuyên gia cho rằng, cổ phần hóa ngành nước phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Nước là an ninh quốc gia, an toàn cho tất cả người dân.

Vì vậy, chính quyền phải có trách nhiệm, còn nhà máy nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm trước chính quyền và người dân.

Hiện nay quy định về kiểm soát nước, cung cấp nước của chúng ta còn chưa đầy đủ, có lỗ hổng, do đó các cơ quan quản lý phải nhanh chóng có các quy định chặt chẽ hơn".

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Môi trường và Đô thị
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Môi trường và Đô thị

Luật sư Trương Xuân Hải - Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, dư luận những ngày qua chỉ trích đơn vị cấp nước, yêu cầu doanh nghiệp ít nhất có lời xin lỗi. Tuy nhiên, chỉ như vậy thì không ổn, cần phải tính tính đến những vấn đề xa hơn, phổ quát hơn.

Trong trường hợp này, công ty cấp nước có lỗi được quy định theo Nghị định 117 Về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã chậm cung cấp thông tin cho người dân.

Bí thư Hoàng Trung Hải nói về trách nhiệm trong vụ nước sạch nhiễm dầu thải
Bí thư Hoàng Trung Hải nói về trách nhiệm trong vụ nước sạch nhiễm dầu thải

“Ở đây nếu nhân dân không phát hiện, tôi cho rằng cả công ty cấp nước và cơ quan nhà nước cũng không biết, rồi thông tin sẽ bị giấu nhẹm đi. Lỗi ở đây do cả nhà máy cấp nước và cơ quan quản lý nhà nước.

Cần có lời xin lỗi của cả công ty và cơ quan nhà nước vì không cung cấp kịp thời thông tin chính xác cho người dân.

Tôi cho rằng trong trường hợp này cần quan tâm đến việc sửa đổi những bất cập trong Nghị định 117”, ông Hải nói.

Luật sư Trương Xuân Hải kiến nghị: Thứ nhất, trong công tác bảo vệ an ninh an toàn nguồn nước hiện được giao cho doanh nghiệp, nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân, do đó, nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn doanh nghiệp ở vị trí phối hợp.

Thứ hai, việc cổ phần hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển, tuy nhiên khi cổ phần hóa hoàn toàn, có những doanh nghiệp làm tốt nhưng có những doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh doanh, cắt giảm các chi phí... như vậy sẽ gây ảnh  hưởng tới chất lượng nước và gây ra hệ lụy xấu cho sức khỏe của người dân lâu dài.

Do đó, theo luật sư Trương Xuân Hải, cổ phần hóa công ty hoạt động trong dịch vụ công cần giữ vai trò chi phối của nhà nước, doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.

Các thế hệ tương lai của đất nước đang bị ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?
Các thế hệ tương lai của đất nước đang bị ảnh hưởng sức khoẻ ra sao?

Thứ ba, thông qua sự cố nước sông Đà nhiễm dầu đã bộc lộ nhiều lỗ hổng tầm quản lý vĩ mô, từ sự việc trên đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, chất lượng cho người dân.

Trước đó như Báo Điện tử Giáo dục đã đưa, sự cố Nhà máy nước sông Đà bơm nước sinh hoạt có lẫn dầu thải khiến đời sống của hàng vạn hộ dân ở khu vực phía Tây bị ảnh hưởng vì thiếu nước sạch ăn, uống.

Trong nhiều ngày liên tục, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công ty cấp nước sạch Hà Nội sử dụng các xe trở nước sạch đến nhiều điểm để cấp phát nước miễn phí cho dân. Người dân phải xếp hàng dài suốt cả buổi tối để nhận nước.

Việc đổ dầu thải của các đối tượng sẽ bị điều tra xử lý, tuy nhiên vấn đề lớn hơn được người dân quan tâm là cần phải xem xét nghiêm túc quy trình khai thác nước và lọc nước để ra sản phẩm thật sự sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của hàng triệu người dân.

Ngoài sự việc xảy ra tại Nhà máy nước sông Đà thì các nhà máy khác ở Hà Nội đang khai thác nước từ đâu, chất lượng có thật sự đảm bảo không? Phải đặt ra câu hỏi đó dù không mới vì mấy năm qua ở nhiều khu vực của Hà Nội người dân đã phản ánh rất nhiều về tình trạng nước sinh hoạt bẩn, bốc mùi và có màu bất thường.

Những sự việc như vậy sau khi báo chí vào cuộc đăng tải thì chỉ vài ngày sau lại lắng xuống, còn người dân thì loay hoay tìm cách bảo vệ sức khỏe của gia đình.

Cho đến giờ thành phố đã tuyên bố sẽ có trạm quan trắc kiểm tra nguồn nước, nhưng như vậy là chưa đủ bởi vì hiện nay có thể phân ra hai nguồn khai thác là nước mặt và nước ngầm. Các cơ quan chức năng sẽ phân loại đánh giá như thế nào đối với hai nguồn nước này?

Quy trình quan trắc thực hiện ra sao, bao lâu một lần và có công khai toàn bộ cho nhân dân biết không?

Người dân sống tại ngõ 26 phố Tư Đình, phường Long Biên, Hà Nội khốn khổ vì nước bẩn. Nước ở khu vực này được cung cấp từ Nhà máy nước sạch số 2. ảnh: KV.
Người dân sống tại ngõ 26 phố Tư Đình, phường Long Biên, Hà Nội khốn khổ vì nước bẩn. Nước ở khu vực này được cung cấp từ Nhà máy nước sạch số 2. ảnh: KV.

Vào tháng 7/2019, VTV từng phát một phóng sự đưa thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô hiện nay chủ yếu là nước ngầm.

Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là nguyên nhân khiến cho nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân không được đảm bảo và nguy cơ sử dụng nước bẩn luôn nằm trong tình trạng báo động.

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Thu tiền thật, bán nước bẩn là không có đạo đức
Phó Giáo sư Bùi Thị An: Thu tiền thật, bán nước bẩn là không có đạo đức

Bỏ tiền ra mua nước sạch, nhưng người dân phải sống chung với nước có cả màu lẫn mùi, thậm chí nhiễm độc và vi khuẩn, là tình trạng khá phổ biến tại Thành phố Hà Nội.

Để ứng phó với tình trạng đó, nhiều hộ gia đình đã phải đầu tư thêm hàng chục triệu đồng cho hệ thống lọc, dù cũng chưa biết hiệu quả ra sao.

Hiện nay khu vực phía Tây Nam và các huyện ngoại thành Hà Nội, nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu đều nhiễm các chất gây hại.

Mặc dù nước đã qua hệ thống lọc nhưng vi khuẩn Colifoms và E.coli cao gấp nhiều lần cho phép. Đặc biệt, tại nhiều khu đô thị, hàm lượng amoni trong nước sinh hoạt luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế quy định.

Hiện nay Thành phố Hà Nội đang thực hiện lộ trình đóng cửa toàn bộ giếng ngầm để sử dụng nước mặt thay thế, nhưng lộ trình này dường như vẫn còn khá chậm, trong khi người dân rất lo lắng cho sức khỏe, đặc biệt là sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng – Thiếu tướng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nói: "Vụ nước nhiễm dầu lần này cho thấy quy trình lọc của nhà máy có vấn đề và các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ, bởi vì nếu có kẻ nào đổ chất độc còn nặng hơn cả dầu thải thì nhà máy có phát hiện được không? 

Đây cũng là vấn đề phải đặt ra cho tất cả các nhà máy nước. Phải xem thế giới áp dụng công nghệ gì và Việt Nam đang dùng công nghệ gì? Phải có quy chuẩn đồng bộ và cập nhật theo định kỳ chung với những nước văn minh, chứ không thể để tình trạng dùng công nghệ lạc hậu, hút nước bán cho dân kiếm lời".

Tài liệu tham khảo:

https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/nuoc-ngam-nguyen-nhan-gay-o-nhiem-nuoc-sinh-hoat-thu-do-20190725071000952.htm

Đỗ Thơm