"Nước nhiễm dầu thải, nếu chỉ phân tích thông thường thì không có ý nghĩa"

24/10/2019 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Phó Giáo sư Trần Hồng Côn, nếu nhà máy nước sông Đà hay bất kỳ nhà máy nào khác không xử lý được các hợp chất hữu cơ thì rất nguy hại.

Vào ngày 22/10, Thành phố Hà Nội đã thông tin nước sinh hoạt từ nhà máy nước sông Đà cung cấp cho người dân phía Tây Hà Nội đã đạt ngưỡng an toàn. Nhưng có một thực tế là không ít người dân vẫn thấy bất an, nhiều gia đình vẫn chỉ sử dụng nước để tắm giặt, còn ăn uống thì vẫn phải mua nước đóng chai tiêu chuẩn.

Không ít chuyên gia cũng lên tiếng lo ngại việc lấy mẫu xét nghiệm, phân tích một số chỉ số nước sông Đà như vừa qua liệu đã đầy đủ chưa? Đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt là một chuyện, nhưng có thực sự đạt yêu cầu nước ăn, uống cho người dân không, nhất là với các cháu nhỏ đang ở độ tuổi đến trường?

Nhà máy nước sông Đà và nhiều nhà máy khác đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội có làm chính xác với quy định mới nhất trong Thông tư 41 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ tháng 6/2019 không?

Những câu hỏi này dù không mới nhưng vẫn cần phải đặt ra vì có liên quan tới sức khỏe của hàng triệu người dân. Không phải tự nhiên người dân lo lắng vì mấy năm qua ở một số khu vực đã xảy ra tình trạng có nước bẩn, cơ quan chức năng vào cuộc nhưng chưa có một chiến dịch nào xử lý tổng thể.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm, trên 200.000 trường hợp phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của người dân. (1)

Nước nhiễm dầu khiến nhiều gia đình xếp hàng trong đêm chờ nước sạch, đời sống bị đảo lộn, nhưng Công ty nước sông Đà không xin lỗi. ảnh: ND.
Nước nhiễm dầu khiến nhiều gia đình xếp hàng trong đêm chờ nước sạch, đời sống bị đảo lộn, nhưng Công ty nước sông Đà không xin lỗi. ảnh: ND.

Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ nguồn cấp nước thô được nhiều nhà máy lấy vào có đảm bảo an toàn không?

Sau khi đưa nước thô vào, quy trình xử lý thực hiện ra sao để loại bỏ hoàn toàn tạp chất, kim loại nặng, vi khuẩn ecoli, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo nước thực sự sạch?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Cần giám sát nước sinh hoạt vì sức khoẻ học sinh

"Nước nhiễm dầu thải, nếu chỉ phân tích thông thường thì không có ý nghĩa" ảnh 2

Với những diễn biến đã xảy ra tại khu vực đầu nguồn nhà máy nước sông Đà, nhiều người lo ngại lượng dầu thải nhiễm vào nước là một phần, nhưng liệu có ngấm xuống hai bên ở khu vực lấy nước không?

Những kẻ đổ trộm dầu thải mới chỉ gây ra lần đầu hay đã làm nhiều lần? Những thành phần hóa học nguy hại trong dầu thải này là gì?

Tất cả phải được làm rõ, được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền và nếu độc hại thì phải đưa ra quy trình xử lý dứt điểm, phải minh bạch tất cả để người dân được biết.

Đó là tâm lý lo lắng chung của nhiều người dân và mong muốn được thông tin đầy đủ là nhu cầu chính đáng.

Cũng có ý kiến cho rằng, qua vụ việc vừa qua mới thấy quy trình xử lý nước của Nhà máy nước sông Đà có vấn đề, do đó dầu thải mới lọt qua và nước tới nhà dân có mùi khét nồng nặc.

Trả lời báo chí tại Quốc hội, ông Trần Đăng Ninh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã nói thẳng là khi đến kiểm tra bên ngoài khu vực nhà máy nước sông Đà đã thấy ngay mùi khét nồng nặc như cao su cháy, rất khó chịu.

Như vậy là ở phía đầu nguồn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã thấy rõ điều này, còn ở Hà Nội thì người dân phát hiện ra nước có mùi khét. Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hàm lượng Styren vượt 1,3-3,65 lần, cao dần về phía nhà máy và thấp dần về phía nhà dân, nhưng vẫn là không đảm bảo chất lượng.

Tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, báo chí đặt rất nhiều câu hỏi cho ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) xung quanh vấn đề trách nhiệm và không báo cáo sự việc.

Ông Tốn cho rằng: "Chúng tôi ở trên địa bàn tỉnh Hoà Bình thì có báo cáo tới cơ quan ở Hoà Bình chứ không báo cáo các cơ quan ở Hà Nội”.

Thế mà trong buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 15/10 thì Tổng giám đốc Công ty nước sông Đà - ông Nguyễn Văn Tốn vẫn nói rằng: “Lúc đó thâm tâm của tôi là 80% cho dừng cấp nước vì nghĩ nước có vấn đề, nước đó nhà tôi vẫn dùng.

Nhưng tại sao vẫn cấp nước, vì ngày 10/10 phòng thí nghiệm xét nghiệm chỉ tiêu A và xác định không có vấn đề gì. Tôi cũng tham khảo một số chuyên gia, lúc đó họ phản biện cắt nước thì lý do gì, bảo ô nhiễm thì chứng cứ đâu?

Sau đó công ty lấy mẫu nước đi phân tích chỉ tiêu B và C, nhưng phân tích phải 10-20 ngày. Quan trọng nhất là lúc đó lấy cớ gì dừng cấp nước, ảnh hưởng rất nhiều tới người dân.

Tôi hội ý lãnh đạo và quyết định vẫn cấp nước. Có người bảo báo cáo Thành phố nhưng báo cáo cái gì khi chất lượng nước theo chỉ tiêu A vẫn đảm bảo".

Sau đó khi báo chí đề cập tới việc có xin lỗi người dân không thì ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) liên tục né tránh và cho rằng “công ty là nạn nhân lớn nhất”. Khi được hỏi về lời xin lỗi, ông Khoa đã né tránh và không nhận trách nhiệm về vụ việc và phát biểu rằng "Phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng".

Trách nhiệm được lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cũng như nhiều chuyên gia chỉ rõ thuộc về Công ty nước sông Đà. Khi bơm nước tới nhà dân và thu tiền thì chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, nếu có vấn đề thì đó là lỗi thuộc nhà cung cấp. Không chỉ riêng với Công ty nước sông Đà mà bất kỳ công ty kinh doanh nước nào khác cũng vậy.

Nếu phát hiện ra năng lực kém, thiết bị cũ kỹ lạc hậu thì cách tốt nhất là phải yêu cầu nhà máy thay đổi toàn diện hoặc dừng cấp nước để tìm nguồn khác bổ sung. Như Đại biểu Quốc hội - Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nói: "Cần phải triển khai ngay sự kết nối các tuyến ống cung cấp nước sạch. Thực tế cho thấy từ vụ việc này là khi Nhà máy nước sông Đà gặp sự cố thì dân thiếu nước trầm trọng, phải xếp hàng đi xách từng can về ăn, uống.

Nếu như tính toán trước được vấn đề này thì đâu đến mức người dân khổ sở như vậy. Ở thế kỷ XXI rồi, kinh tế phát triển đến mức này rồi mà nhận thức vẫn còn chậm, cứ chạy theo từng vụ việc thì phải xem lại năng lực cán bộ".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Côn: "Trong thành phần của dầu thải có nhiều chất khác nhau, trong đó những chất ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người". Ảnh: ĐHQG HN.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Côn: "Trong thành phần của dầu thải có nhiều chất khác nhau, trong đó những chất ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người". Ảnh: ĐHQG HN. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nước nhiễm dầu thải mà không được xử lý nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn sẽ rất nguy hại lâu dài đối với sức khỏe người dân.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải khẩn trương phân tích, xét nghiệm nguồn gốc dầu thải đổ trộm này để có phương án xử lý tốt nhất, đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân”.

Là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn nhận định: “Có thể nguồn gốc chất thải này là hỗn hợp của nhiều loại chất thải khác nhau nên mới có dạng như vậy. Còn thành phần của chất thải này như thế nào có lẽ Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành phân tích chuyên sâu.

Trong thành phần của dầu thải có nhiều chất khác nhau, trong đó những chất ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe con người. Mỗi chất có tác hại khác nhau. Tùy theo kết quả phân tích chúng ta mới có thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào khi nó ngấm vào nguồn nước mà người dân ăn uống, sử dụng hàng ngày”.

Nói về kết quả công bố xét nghiệm nước của nhà máy nước sông Đà vừa công bố trên các thông tin đại chúng, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn thẳng thắn cho rằng: “Tôi cũng không hiểu người ta phân tích nước sông Đà chỉ theo quy chuẩn Styren có ý gì?

Theo tôi, muốn phân tích, xét nghiệm nước cần phải phân tích toàn bộ các chỉ tiêu hữu cơ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt số 01 và 02 năm 2009 của Bộ Y tế.

Trong đó có cả trăm chỉ tiêu khác nhau. Căn cứ vào các chỉ tiêu đó để phân tích nước sông Đà sẽ thuyết phục. Còn nếu chỉ phân tích 7 chỉ tiêu thông thường thì không có tác dụng, vô nghĩa. Bởi nếu chỉ phân tích 7 chỉ tiêu thông thường đó sẽ không phản ánh được hết câu chuyện nước nhiễm dầu thải”.

Khu vực dẫn nước của nhà máy nước sông Đà. Nhà máy áp dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra nước có lẫn dầu thải? Ảnh: Tô Thế
Khu vực dẫn nước của nhà máy nước sông Đà. Nhà máy áp dụng công nghệ gì mà không phát hiện ra nước có lẫn dầu thải? Ảnh: Tô Thế

Phó Giáo sư Trần Hồng Công phân tích: “Thứ nhất, cần phân tích các thành phần hữu cơ trong nước. Thứ hai, phân tích các thành phần cơ kim, tức kim loại, hữu cơ.

Phân tích, xét nghiệm được các thành phần như thế sẽ toàn diện hơn, kết quả phân tích nước sông Đà sẽ thực tế hơn. Nếu kết quả đạt sẽ giải quyết được nỗi lo ngại của người dân”.

Phân tích sâu hơn, Phó Giáo sư Trần Hồng Côn chỉ rõ: “Trong nước mặt có tồn tại hàm lượng hợp chất hữu cơ rất lớn do chất thải của động vật, của con người, của sinh vật sống trong nước… Nhưng vi khuẩn, ký sinh trùng cũng có hàm lượng rất cao nên nhà máy thường dùng nồng độ clo để diệt khuẩn và ký sinh trùng.

Thật kỳ lạ, bán nước bẩn cho dân nhưng vẫn từ chối xin lỗi
Thật kỳ lạ, bán nước bẩn cho dân nhưng vẫn từ chối xin lỗi

Như người dân dùng nước sông Đà thời gian qua, khi mở vòi nước ra sử dụng nước đã thấy mùi clo nồng nặc. Tức họ dùng lượng clo rất cao để diệt vi khuẩn và ký sinh trùng.

Rất đáng lo ngại nếu các hợp chất hữu cơ còn có ở trong nước mà không được xử lý hết đã dùng clo lượng cao sẽ dẫn đến nguy cơ “clo hóa” tức tạo ra “clo hữu cơ” hoặc “cơ clo”. Hợp chất này vô cùng độc hại đối với sức khỏe con người.

Vậy vấn đề đặt ra hàm lượng hợp chất hữu cơ trong nước tại các nhà máy dùng nước mặt như nhà máy nước sông Đà có còn hay không trước khi dùng clo diệt khuẩn và ký sinh trùng là câu chuyện rất đáng lo ngại.

Quy trình vận hành nhà máy nước sông Đà có công đoạn loại bỏ hợp chất hữu cơ không? Nếu không có thì nguy cơ rủi ro rất cao với sức khỏe người dân, về lâu dài có thể đối diện với nguy cơ bị ung thư, ngộ độc...

Đây là hồi chuông cảnh báo để các nhà máy kinh doanh nước phải có quy trình xử lý đảm bảo cho sức khỏe người dân.

Nước sạch phải theo đúng quy chuẩn số 01 và 02 năm 2009 của Bộ Y tế, chỉ cần một chỉ số không đạt trong số những chỉ số đó thì không gọi là nước sạch”, Phó Giáo sư Côn nói.

Tài liệu tham khảo:

(1). //www.vietnamplus.vn/moi-nam-co-khoang-9000-nguoi-tu-vong-vi-nguon-nuoc-o-nhiem/436706.vnp

Vũ Phương