Nếu xảy ra chiến tranh Trung - Nhật, Nga sẽ không cứu viện Trung Quốc

29/01/2014 09:00
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết phân tích sâu về việc Nhật Bản chủ trương xây dựng quân đội chính quy, tăng cường quân bị, tranh chấp đảo Senkaku và khả năng chiến tranh Trung-Nhật.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ (ảnh minh họa)
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B Mỹ (ảnh minh họa)

Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 27 tháng 1 đưa tin, Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự, chỉnh đốn lại quân bị, có ý đồ hoàn thành chuyển đổi từ Lực lượng Phòng vệ thành quân đội thông thường, tập trung và đề phòng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Nếu như bùng nổ chiến tranh, Mỹ là đồng minh chắc chắn sẽ ủng hộ Nhật Bản. Nga mặc dù có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, nhưng không phải là đồng minh chính thức, sẽ không cứu viện Trung Quốc. Huống hồ đa số chuyên gia cho rằng, Nga tốt nhất duy trì trung lập giữa Trung-Mỹ.

Cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu. Các nước đều đang phô diễn thành quả công nghệ quân sự, không hề che giấu thái độ hiếu chiến, đáng chú ý là thái đội của Trung Quốc.

Trung Quốc đưa ra máy bay tấn công không người lái tàng hình đầu tiên mang tên Lợi Kiếm, nghiên cứu chế tạo tàu sân bay, thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh mặt đất và hệ thống phòng thủ tên lửa;

Ấn Độ tiếp tục thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo Agni-5 có thể lắp đầu đạn hạt nhân; CHDCND Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba, chuẩn bị tiến hành nổ hạt nhân lần thứ tư;

Quân đội Hàn Quốc bắn thành công tên lửa chính xác cao Spike do Israel sản xuất; Nhật Bản thực chất đang xây dựng lại quân đội thông thường, cải tạo Lực lượng Phòng vệ thành lực lượng vũ trang chính quy.

Bảo đảm toàn diện tinh thần võ sĩ đạo

Trung tuần tháng 12 năm 2013, Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn chiến lược an ninh quốc gia. Căn cứ vào văn kiện này, chi tiêu quân sự Nhật Bản tăng 5%, trang bị vũ khí mới, lực lượng sẽ cơ động hơn, số lượng sẽ tăng lên. Ngoài ra, sẽ còn nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không.

Chiến lược an ninh quốc gia Nhật Bản bao gồm kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Kế hoạch ngắn hạn từ năm 2014 đến năm 2018 là 5 năm, kế hoạch dài hạn là 10 năm. Trong mấy năm tới, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chi 24.700 tỷ yên, tương đương 240 tỷ USD, đổi mới vũ khí trang bị.

Căn cứ vào số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự Nhật Bản xếp thứ năm thế giới. Năm tài khóa 2013, tổng chi tiêu quân sự của Mỹ là 633 tỷ USD, Trung Quốc là 114,676 tỷ USD, Nga là 71,3 tỷ USD, Anh là 59,8 tỷ USD, Nhật Bản là 58 tỷ USD.

Từ năm 2014, vị trí chi tiêu quân sự của Nhật Bản trong bảng xếp hạng có thể sẽ tăng lên. Có chuyên gia suy đoán, sau vài năm nữa, Nhật Bản có cơ hội đứng trong top 3 về chi tiêu quân sự.

Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3
Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3

Bộ Quốc phòng Nhật Bản chuẩn bị mua 28 máy bay chiến đấu F-35 Lightning, tổng cộng sẽ sở hữu 42 chiếc máy bay loại này trong tương lai. Ngoài ra sẽ còn mua sắm máy bay tiếp dầu trên không mới.

Đồng thời, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu nội địa F-3, bản thân chương trình nghiên cứu chế tạo có thể sẽ bắt đầu vào năm 2016-2017, Lực lượng Phòng vệ Trên không trông đợi có thể trang bị loại máy bay chiến đấu này vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 21.

Sức chiến đấu của máy bay F-3 dự kiến sẽ vượt máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và F-35 Lightning. Nhân viên nghiên cứu chế tạo tập trung quan tâm tới công nghệ tàng hình của F-3 và thiết bị động lực công suất lớn (động cơ). Máy bay F-3 mới sẽ từng bước thay thế F-2 cũ, F-2 là máy bay chiến đấu được nghiên cứu chế tạo dựa trên nền tảng máy bay chiến đấu F-16 và F-15J/DJ của Mỹ. F-3 sẽ sử dụng cùng với F-35.

Ngoài ra, Nhật Bản có kế hoạch nâng cấp 4 máy bay do thám chỉ huy và tìm kiếm radar tầm xa E-767. Chính phủ Nhật Bản sẽ còn mua sắm máy bay trinh sát tầm xa và máy bay do thám không người lái chiến lược RQ-4 Global Hawk, trong đó máy bay do thám Global Hawk có thể bay ở độ cao 18.000 m và bay trong thời gian 30 tiếng đồng hồ, có thể tuần tra có hiệu quả hơn vùng biển gần (duyên hải) Nhật Bản và trinh sát, kiểm soát biển Hoa Đông.

Trong khuôn khổ cải cách quân đội, số lượng tàu ngầm của Nhật Bản sẽ từ 16 chiếc tăng lên 22 chiếc. Nhật Bản chế tạo tàu sân bay hạng nhẹ kiểu mới mang tên Izumo. Nó thực chất là tàu sân bay trực thăng, là tàu chiến lớn nhất được Nhật Bản chế tạo kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.

Hải quân Nhật Bản sẽ còn nhận được 2 tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis và tên lửa đánh chặn tầm xa SM-3, từ đó giúp cho số lượng trang bị tàu chiến mặt nước mới nhất loại này của Quân đội Nhật Bản từ 6 chiếc tăng lên 8 chiếc, làm cho nó trở thành hạt nhân của hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.

Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản
Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản

Nhật Bản sẽ còn tăng tiềm lực hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất, sẽ triển khai radar sóng ngắn X-band thứ hai ở căn cứ Lực lượng Phòng vệ Trên không, thuộc thành phố Kyōtango, Kyoto, khoảng cách dò tìm trên 1.000 km.

Năm 2006, quân Mỹ đã lắp đặt radar cùng loại ở căn cứ Misawa, tỉnh Aomori ở phía bắc Nhật Bản, có thể truyền thông tin phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên cho tàu khu trục Mỹ ở duyên hải Nhật Bản và căn cứ tên lửa đánh chặn mặt đất.

Lục quân Nhật Bản cũng sẽ thay đổi. Số lượng xe tăng hạng nặng sẽ giảm 60%, giảm đến 300 chiếc, hiện nay xe tăng hạng nặng của Quân đội Nhật Bản có khoảng 740 chiếc.

Chúng sẽ được thay thế bởi 100 xe chiến đấu bánh lốp có trọng lượng nhẹ hơn, tính cơ động mạnh hơn, có thể hoạt động nhanh chóng trên mạng lưới đường cái đan xen nhau.

Phân đội tác chiến mới của Quân đội Nhật Bản sẽ còn trang bị trên 50 chiếc tàu đổ bộ và 17 chiếc máy bay vận tải quân sự cánh xoay MV-22 Osprey, nhiệm vụ chủ yếu là phòng vệ đảo xa trên biển Hoa Đông. Những phân đội này sẽ được thành lập phỏng theo Thủy quân lục chiến Mỹ.

Từ năm 2014, Nhật Bản sẽ bắt đầu nghiên cứu chế tạo hệ thống điều khiển hỏa lực mới và radar có thể dò tìm máy bay tàng hình ở cự ly xa. Những radar này sẽ bổ sung cho hệ thống giám sát trên không phiên bản cải tiến của Nhật Bản, trước hết dùng cho dò tìm trang bị công nghệ hàng không của Trung Quốc, trong đó có máy bay chiến đấu J-20.

Một nửa lực lượng của Quân đội Nhật Bản phải là lực lượng cơ động. Hiện nay, Quân đội Nhật Bản tạm thời không thể điều động đến bất cứ khu vực nào chỉ định trong thời gian ngắn. Phần lớn phân đội sẽ phải thay quân ở khu vực đông nam Nhật Bản, sẽ bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk
Máy bay do thám không người lái Global Hawk
Đông Bình