Nga tăng cường triển khai lực lượng tại Bắc Cực tranh đoạt tài nguyên

22/01/2012 09:59
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Theo kế hoạch, Nga sẽ tiếp tục tăng cường thêm 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt tại Bắc Cực, tăng cường ưu thế trong tranh đoạt tài nguyên.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Delta Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Delta Nga
Tờ “Weekly Argument News” Nga gần đây đưa tin, cuộc đại chiến tranh giành tài nguyên khoáng sản giữa các nước lớn trên thế giới trong 10 năm tới sẽ càng kịch liệt hơn, trong đó Bắc Cực chính là một điểm nóng.

Để tranh giành lãnh thổ và tài nguyên Bắc Cực với các nước Mỹ, Canada, Na Uy và Trung Quốc, Nga bắt đầu tích cực triển khai lực lượng hải, không, lục quân ở khu vực xung quanh Bắc Cực, nhằm giành được thế chủ động và nắm bắt trước thời cơ.

Chia phần Bắc Cực

Báo Nga cho biết, có một lý thuyết phổ biến nhất hiện nay về biến đổi khí hậu cho rằng, trong tương lai, khí hậu toàn cầu sẽ liên tục ấm lên, diện tích mặt băng ở các vùng địa cực sẽ giảm lớn, tài nguyên ở Bắc Cực và ưu thế về tuyến đường biển sẽ ngày càng nổi bật.

Các nước trên thế giới đang tới tấp tham gia cuộc đại chiến tranh đoạt Bắc Cực, cố gắng “chấm mút xà xẻo” tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này.

Tuy hiện chưa có ai biết cách khai thác những tài nguyên này ở đáy biển, nhưng điều này hoàn toàn chưa quan trọng, điều quan trọng nhất là tranh đoạt lãnh thổ, chiếm giữ địa bàn.

Trước mắt, cuộc đại chiến tranh đoạt tài nguyên Bắc Cực tạm thời chỉ được triển khai quyết liệt về mặt chính trị và khoa học.

Tàu tuần dương tên lửa động cơ hạt nhân lớp Kirov Nga
Tàu tuần dương tên lửa động cơ hạt nhân lớp Kirov Nga
Trên thực tế, về mặt quân sự, Bắc Cực cũng là khu vực rất quan trọng. Pháo đài lực lượng hạt nhân trên biển thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga được triển khai ở Biển Trắng và vùng biển Barents gần Bắc Băng Dương. Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa chiến lược của Hải quân Nga thường tuần tra bí mật dưới lớp băng Bắc Cực, rất ít bị phát hiện, cũng không dễ bị tấn công.

Tất nhiên, không chỉ có tàu ngầm hạt nhân của Nga, tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh cũng đang hoạt động ở vùng biển Bắc Cực, cuộc cạnh tranh hạt nhân bí mật dưới biển ở đây chưa bao giờ dừng lại.

Quỹ đạo bay của tên lửa xuyên lục địa trên mặt đất của Lục quân Nga nhằm vào các mục tiêu của Mỹ cũng đi qua Bắc Cực. Máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga cũng thường tuần tra trên không ở Bắc Cực.

Khu vực Bắc Cực tương đối lạnh giá, do đó, sử dụng lực lượng quân sự rất khó khăn. Nhưng, tất cả các bên liên quan đều đang toàn lực sẵn sàng cho cuộc chiến tranh đoạt Bắc Cực,

thậm chí kể cả Trung Quốc, nước cách xa Bắc Cực gần đây cũng rất tích cực khảo sát khoa học đối với Bắc Cực, hơn nữa còn có hoạt động mang tính ứng dụng quân sự, dù cho Trung Quốc không phải là quốc gia Bắc Cực, không có chủ quyền lãnh thổ Bắc Cực.

Tình hình binh lực của các đối thủ chính ở Bắc Cực

Báo Nga cho biết, các cường quốc quân sự chính trên thế giới tham gia cuộc chiến tranh đoạt Bắc Cực là Nga và Mỹ. Mỹ có bang Alaska tại khu vực này, có chủ quyền nhất định đối với lãnh thổ Bắc Cực. Nhưng, tổng binh lực được bố trí ở Alaska của quân đội Mỹ tương đối mỏng yếu.

Máy bay F-15 của Mỹ
Máy bay F-15 của Mỹ
Chẳng hạn, Hải quân Mỹ không có lực lượng sẵn sàng chiến đấu ở khu vực này, chỉ có tàu tuần tra của Lực lượng Cảnh sát biển. Một khi có nhu cầu, Hải quân Mỹ chỉ có thể điều tàu chiến từ các căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương ở phía nam tới Bắc Cực, nhưng hành trình tương đối xa.

Lực lượng Lục quân của Mỹ ở khu vực Bắc Cực cũng không mạnh, chỉ có 2 lữ đoàn: 1 lữ đoàn cơ động trên không và 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới Stryker.

Nhưng, Mỹ tăng thêm một trận địa phòng thủ tên lửa quan trọng ở Alaska. Để bảo vệ trận địa này, đề phòng sự tấn công của lực lượng hàng không tầm xa Nga,

Mỹ đã triển khai cụm chiến đấu không quân tương đối mạnh, tổng cộng có 5 đại đội máy bay tiêm kích (2 đại đội F-22A, 1 đại đội F-15C, 2 đại đội F-16C) và 1 đại đội máy bay cảnh báo sớm, hơn một trăm máy bay chiến đấu.

Quân Mỹ còn thường xuyên tiến hành các hoạt động tác chiến ở khu vực Bắc Cực, tập trận tăng cường binh lực.

Canada, một đồng minh Bắc Cực của Mỹ, là nước có lãnh thổ lớn thứ hai thế giới, có tuyến đường bờ biển ở Bắc Cực dài nhất, nhưng thiếu một quân đội mạnh, tổng quân số của Quân đội Canada chỉ có 60.000 quân, tương đương với lực lượng quân sự của Belarus.

Tàu hộ tống lớp Nansen của Hải quân Na Uy
Tàu hộ tống lớp Nansen của Hải quân Na Uy

Các nước Bắc Âu cũng tranh chấp Bắc Cực, đặc biệt là Na Uy. Trên thực tế, việc xây dựng chủ lực của Hải, Không và Lục quân Na Uy đều được triển khai xoay quanh các chiến dịch tác chiến ở khu vực Bắc Cực.

Mặc dù Lục quân Na Uy chỉ có 1 lữ đoàn, khi xảy ra xung đột nghiêm trọng, không thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với lợi ích của Nga, nhưng cũng không thể xem thường.

Việc triển khai lực lượng của Nga ở Bắc Cực

Theo báo Nga, với tư cách là hạm đội mạnh nhất của Hải quân Nga, các căn cứ triển khai của Hạm đội Biển Bắc đều bao quanh Bắc Cực, tổng cộng có hơn 30 tàu ngầm chiến lược, chiến thuật và đặc chủng, cộng với tàu ngầm hạt nhân.

Trung tâm của hạm đội trên mặt biển (tàu nổi) là một chiếc tàu sân bay, 2 tàu tuần dương trang bị tên lửa động cơ hạt nhân hạng nặng và nhiều tàu tuần dương tên lửa, tàu khu trục và tàu săn ngầm cỡ lớn, ngoài ra còn có nhiều tàu đổ bộ, tàu săn ngầm cỡ nhỏ, tàu tên lửa và tàu quét mìn.

Lực lượng pháo binh Nga huấn luyện tại khu vực lạnh giá
Lực lượng pháo binh Nga huấn luyện tại khu vực lạnh giá
Nhiệm vụ chính của lực lượng Hạm đội Biển Bắc là duy trì sự hiện diện của Quân đội Nga ở Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương và các vùng biển khác, tiến hành răn đe hạt nhân.

Ở phía đông, Hải quân Nga còn có Hạm đội Thái Bình Dương tương đối mạnh, nhưng việc triển khai binh lực lại khá xa Bắc Cực.

Ở khu vực Bắc Cực, Không quân Nga triển khai hơn một trăm máy bay tác chiến và máy bay trực thăng, bao gồm MiG-31, Su-27, Su-24MR, Mi-24 và Mi-8.

Toàn bộ binh lực của lực lượng hàng không hải quân của Hạm đội Biển Bắc cũng tập trung ở phía bắc. Lực lượng phòng không không quân có vài trung đoàn tên lửa S-300 ở khu vực này.

Hiện nay, quân đội Nga đang khôi phục trạm radar tập trung vốn đã bị phá hoại vào thập niên 90 của thế kỷ trước, đồng thời còn đang xây dựng mạng lưới radar có khả năng đề phòng hiệu quả các mục tiêu bay thấp.

Ở khu vực Bắc Cực, Lục quân Nga chỉ có 1 lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập, đó là Lữ đoàn 200 được triển khai ở khu vực Pechenga. Lực lượng lính thủy đánh bộ Nga triển khai 1 lữ đoàn tại bán đảo Kola.

Ngoài lực lượng biên phòng, quân Nga tạm thời chưa có lực lượng trên bộ khác ở khu vực Bắc Cực. Nhưng, trong tương lai Quân đội Nga sẽ từng bước triển khai 3 lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt theo kế hoạch.

Tên lửa S-300 của Nga
Tên lửa S-300 của Nga

Lữ đoàn bộ binh cơ giới Bắc Cực

Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đánh chặn máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga
Máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đánh chặn máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga
Báo Nga cho biết, căn cứ vào kế hoạch, bắt đầu từ năm 2012, trên nền tảng Lữ đoàn 200, Quân đội Nga sẽ thành lập Lữ đoàn bộ binh cơ giới nhẹ đặc biệt đầu tiên ở Bắc Cực, đồng thời lấy khu vực Viễn Đông làm căn cứ huấn luyện cho các sĩ quan của lực lượng Bắc Cực.

Yêu cầu quan trọng hàng đầu của Quân đội Nga đối với lữ đoàn bộ binh cơ giới đặc biệt Bắc Cực là có tính cơ động cao, cần có khả năng triển khai lực lượng tới địa điểm cần thiết một cách nhanh chóng, kịp thời thông qua vận tải đường không hoặc đường biển.

Khu vực Bắc Cực có địa hình phức tạp, không thể sử dụng xe tăng, trang bị thích hợp nhất là trang bị nhẹ. Vì vậy, lực lượng Bắc Cực của Quân đội Nga sẽ không trang bị pháo tự hành hạng nặng MSTA-S 152 mm, chỉ cần trang bị pháo tự hành cơ động hạng nhẹ Huosita 120 mm (dịch âm) là được.

Tất cả các trang bị của lữ đoàn Bắc Cực đều phải có khả năng việt dã khá cao. Theo kế hoạch của Quân đội Nga, trong giai đoạn đầu sử dụng xe kéo bọc thép nhẹ bánh xích đa năng MTLBM phiên bản cải tiến và xe bọc thép vận tải việt dã đầm lầy Warriors.

Từ năm 2015 trở đi, có kế hoạch quá độ sang loại vũ khí tác chiến thống nhất kiểu mới “Bắc Cực” đang được nghiên cứu. Do đó, Bộ Quốc phòng Nga tạm thời sẽ không mua số lượng lớn xe bọc thép Warriors mới, chỉ sẵn sàng trang bị các loại thiết bị việt dã hạng nhẹ cho bộ phận trinh sát của lực lượng Bắc Cực.

Vũ khí tác chiến thống nhất kiểu mới “Bắc Cực” tổng cộng có 3 loại cỡ cơ bản, ngoại hình tương tự Warriors. Ưu thế chủ yếu là khả năng việt dã và tính thích nghi khá mạnh, thân xe khá cao, lực nén lên mặt đường khi chạy ở vùng đất lạnh và đầm lầy sẽ nhỏ hơn so với lực nén của cơ thể người lên mặt đất.

Loại vũ khí này sẽ trang bị hệ thống chỉ huy thông tin hiện đại và tích hợp tất cả các thiết bị trang bị cho chiến xa, bảo đảm cho bộ đội nhanh chóng nắm chắc trạng thái của các thiết bị có liên quan và những thông tin về các sự cố. Công suất động cơ tương đối lớn, sử dụng thiết bị truyền lực tự động.

Tính năng bảo vệ của vũ khí tác chiến mới tương đối mạnh, có thể trang bị áo giáp phản ứng, thiết bị lá chắn kiểu hàng rào và thiết bị bảo vệ chống mìn, có thể chống được đạn có đường kính 14,5 mm, thậm chí là đạn pháo có đường kính nhỏ và ống phóng rốc-két.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc
Đông Bình (Theo Mil)