Nga: Trạm vũ trụ tiếp theo có thể được đặt ở hành tinh khác

04/03/2012 13:13
Kiến tập sinh Nguyễn Ánh (theo Rian)
(GDVN) - Một trạm vũ trụ quốc tế trong tương lai (ISS) có thể được xây dựng trên một hành tinh khác nằm ngoài quỹ đạo của Trái đất.
Hôm  2/3, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết  một trạm vũ trụ quốc tế trong tương lai (ISS) có thể được xây dựng trên một hành tinh khác nằm ngoài quỹ đạo của Trái đất.
"Có một lý do để tiếp tục chương trình ISS, như trạm quay quanh Trái đất" - ông Rogozin phát biểu tại một cuộc họp báo về tương lai thám hiểm vũ trụ.
"Có lẽ nó sẽ mang lại nhiều ý nghĩa hơn khi thực hiện những dự án quốc tế này bằng cách đặt các trạm vũ trụ ở các hành tinh khác" - ông nói. "Chúng ta nên nghĩ về điều đó."
Trạm vũ trụ quốc tế ISS
Trạm vũ trụ quốc tế ISS
ISS là một vệ tinh nhân tạo quay trong quỹ đạo gần Trái đất, được phóng vào năm 1998 và vẫn đang tiếp tục được mở rộng bằng cách gắn thêm vào cấu trúc của nó các mô-đun mới .
Nó là một dự án hợp tác của 5 cơ quan không gian: NASA của Mỹ, Roscosmos của Nga, JAXA của Nhật Bản, ESA của châu Âu, và CSA của Canada.
ISS đóng vai trò như một phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường không gian và vi trọng lượng trong đó các thành viên phi hành đoàn thực hiện các thí nghiệm thuộc lĩnh vực sinh vật học,  vật lý, thiên văn, khí tượng và các lĩnh vực khác.

Trạm thích hợp cho việc thử nghiệm các hệ thống tàu vũ trụ và thiết bị cần thiết cho sứ mệnh tới các hành tinh khác trong tương lai.
Theo kế hoạch, trạm quỹ đạo hiện tại sẽ ngừng hoạt động vào năm 2015, tuy nhiên dự kiến nó sẽ được mở rộng tời gian hoạt động ít nhất đến 2020, và có khả năng đến năm 2028.
Kiến tập sinh Nguyễn Ánh (theo Rian)