Chấm dứt tình trạng bắt cũng được, định tội cũng được

"Ngăn chặn bỏ lọt tội phạm thì xử cả tập thể người ta à?"

07/04/2015 15:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội: "Không thể để cái tình hình bắt cũng được, định tội cũng được, không định tội cũng được, định nhẹ cũng được...".

Sáng nay (6/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi).

Chấm dứt tình trạng mơ hồ khi làm luật

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi sửa đổi luật phải đảm bảo tuân thủ đúng Hiến pháp, đồng thời phải đảm bảo tính minh bạch.

Chủ tịch Quốc hội nói thẳng: "Luật có liên quan trực tiếp đến quyền của con người cho nên rất nhạy cảm, cho nên phải quy định minh bạch rõ ràng để có thể định tội. Không thể để cái tình hình bắt cũng được, định tội cũng được, không định tội cũng được, định nhẹ cũng được, định vừa vừa cũng được, định nặng cũng được. Không thể để cái tình hình như vậy được, nó mơ hồ trong làm luật. Tôi đề nghị những điều nào còn như thế là phải sửa, vì nó trái với Hiến pháp".

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, xây dựng luật phải đảm bảo khi triển khai thì ba đơn vị (công an, kiểm sát, tòa án - PV) thi hành công vụ phải đúng luật pháp, dứt khoát không thể để còn tình trạng “xử nặng cũng được, tha cũng được, bắt cũng được, buộc tội cũng được, không buộc tội cũng được”; đồng thời đề nghị sau khi xin ý kiến và được Quốc hội cho phép thì đưa các nhóm nội dung sửa đổi ra lấy ý kiến nhân dân.

Nhấn mạnh tinh thần xây dựng luật theo hướng đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, khi phát hiện sai phạm, truy tố và xét xử thì cần phải theo hướng cá thể hóa, chứ không xét xử theo hướng quy trách nhiệm tập thể.

“Khi pháp nhân là ông Giám đốc, là ông Chủ tịch thì phải cá thể hóa ra mà xử, chứ xử cả tập thể thì xử làm sao được. Tôi cho rằng cái này đổi mới mà làm vậy là không đúng… Để ngăn chặn bỏ lọt tội phạm thì bắt cả, xử cả tập thể người ta à? Không được! Thậm chí trong quá trình ấy thì có người đồng ý, người không đồng ý, có người tố cáo”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chấm dứt tình trạng "xử nặng cũng được, tha cũng được, bắt cũng được, buộc tội cũng được, không buộc tội cũng được".
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chấm dứt tình trạng "xử nặng cũng được, tha cũng được, bắt cũng được, buộc tội cũng được, không buộc tội cũng được".

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đồng thời đặt ra vấn đề: "Tội tự chuyển hóa; Tội suy thoái đạo đức lối sống; Tội lợi ích nhóm… đã đề cập trong các văn kiện của Đảng, rất gây nguy hiểm cho xã hội. Đây có phải tội danh mới không, có cấu thành tội phạm hình sự không?".

Đề nghị giảm tử hình với một số tội danh

Đối với đề nghị bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình gồm: Cướp tài sản; Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch; Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Đa số ý kiến Ủy ban tư pháp tán thành với Tờ trình của Chính phủ về định hướng giảm án tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội - ông Ksor Phước cho rằng, hiện nay đối tượng bị kết án tử hình đa số liên quan đến tội ma túy, trong đó tội vận chuyển ma túy bị xử nặng và nhiều nhất. Bị cáo là người làm thuê vì lợi nhuận cao, do vậy nên nghiên cứu xây dựng nhà nước pháp quyền văn minh chúng ta bỏ dần và bỏ hẳn mức tử hình đối với tất cả các tội này. Bên cạnh đó, một số tội cần xét xử, xử lý ngay khi phát hiện ở giai đoạn chuẩn bị chứ không chờ bắt quả tang như tội khủng bố, bởi vì tội này hậu quả khôn lường.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị vẫn giữ tử hình với các tội: Chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Chỉ bỏ tử hình đối với hai tội cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

Ông Sơn đề nghị giữ lại 5/7 tội danh có hình phạt tử hình mà Chính phủ đề nghị bỏ với quan điểm: "Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là từng bước bỏ án tử hình chứ không phải bỏ hoàn toàn".

Ông KSor phước cho rằng, chỉ nên áp dụng xử tử hình với kẻ cầm đầu buôn ma túy, không xử tử hình với những đối tượng vận chuyển thuê. ảnh: ANTV.
Ông KSor phước cho rằng, chỉ nên áp dụng xử tử hình với kẻ cầm đầu buôn ma túy, không xử tử hình với những đối tượng vận chuyển thuê. ảnh: ANTV.

Người dân chưa cảm thấy yên tâm về môi trường sống

Theo ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, một số quy định của Bộ luật hiện hành không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường; nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, toàn diện, nhất là các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại, tài chính, ngân hàng, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, tội phạm trong lĩnh vực môi trường…

Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự (sửa đổi) kỳ vọng sẽ áp dụng được các chủ trương mới của Đảng chỉ rõ cần phải "coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội": Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hương chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, “xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”.

Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hệ thống hình phạt theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng quyền con người, quyền cơ bản của công dân, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội vẫn chưa được tôn trọng một cách đầy đủ, toàn diện.

Nhìn chung, người dân chưa thực sự cảm thấy an toàn về môi trường sống, vẫn còn xảy ra những vụ giết người, cướp của tàn bạo gây chấn động trong dư luận và gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận nhân dân; người dân chưa thực sự yên tâm phát huy tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tích cực, chủ động tham gia phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an toàn trong lao động, trong xây dựng, trong khi tham gia giao thông đã đến mức báo động.

Bộ luật hình sự sửa đổi cũng quy định áp dụng các hành vi vi phạm có tính chất phổ biến, nguy hiểm cao cho xã hội để có biện pháp xử lý hình sự thích đáng. Điển hình có thể kể tới các hành vi lạm dụng lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô tạng, các bộ phận cơ thể người; vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người đi bộ tham gia giao thông thực hiện; lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản; các vi phạm trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, môi trường, công nghệ cao...

Ngọc Quang