Ngành Bảo hiểm xã hội góp phần quan trọng ổn định kinh tế xã hội sau dịch Covid

09/06/2020 15:31
Hồ Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Toàn ngành nỗ lực đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

5 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp và tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng ngàn người lao động, thì với vai trò của mình, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, củng cố sức khoẻ cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp và gia đình;

Giảm thiểu áp lực kinh tế đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước.

Điều này càng cho thấy sự ra đời của chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đóng vai trò tích cực trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, để chung tay cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

Thực hiện chi trả chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra; đảm bảo công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế; hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế…

Toàn ngành luôn nỗ lực vì tinh thần chung nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

5 tháng đầu năm 2020, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, củng cố sức khoẻ cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp và gia đình.

5 tháng đầu năm 2020, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp đảm bảo phần nào đời sống, củng cố sức khoẻ cho hàng ngàn người lao động thất nghiệp và gia đình.

Theo đó, đã đạt được những kết quả nhất định trong việc tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp 5 tháng đầu năm 2020, cụ thể như:

Công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng

Tính đến ngày 31/5/2020, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,404 triệu người, đạt 89,8% kế hoạch giao (giảm 11,5 nghìn người so với tháng 04/2020, giảm 796 nghìn người so với năm 2019);

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là 600,6 nghìn người, đạt 50% kế hoạch giao (tăng 42 nghìn người so với tháng 04/2020, tăng 26 nghìn người so với năm 2019);

Bảo hiểm y tế là 85,078 triệu người, đạt 96,6% kế hoạch giao (giảm 109 nghìn người so với tháng 4/2020, giảm 849 nghìn người so với năm 2019).

Số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế giảm từ nguyên nhân khách quan: do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế…

Riêng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng do: vào ngày 23/5/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đổi mới công tác truyền thông khi lần đầu tiên phối hợp với Bưu điện Việt Nam tổ chức thành công “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện” trên quy mô toàn quốc.

Theo đó, chỉ sau 2 ngày (23&24/5/2020) ra quân truyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, trên toàn quốc đã có 30.017 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và phát triển thêm được 4.734 người tham gia Bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Ngoài việc thành công trong công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, lễ ra quân có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự kiện truyền thông tạo được sự lan tỏa về chính sách Bảo hiểm xã hội trong nhân dân, đối với năm đầu tiên thực hiện tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp;

Kịp thời ban hành trên 25 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch bệnh COVID-19 như:

Thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội tháng 4,5 trong cùng một kỳ chi trả cho người hưởng qua thẻ ATM, trực tiếp tại nhà; kịp thời chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp do dịch bệnh gây ra;

Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế khi nghi ngờ nhiễm virus Corona;

Thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh có người bệnh bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19;

Sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu để mua thuốc sát trùng và xà phòng chống dịch COVID-19;

Cấp thuốc điều trị ngoại trú đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày trong thời gian chống dịch COVID-19;

Hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp mã số Bảo hiểm xã hội thực hiện khai báo y tế điện tử.

Đặc biệt, đã kịp thời thẩm định hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tính đến ngày 31/5/2020 có 53 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất của đơn vị, doanh nghiệp;

Theo đó: Tổng số đơn vị đã được phê duyệt hồ sơ tạm dừng đóng là 1.171 đơn vị, tương ứng với 107.327 lao động và số tiền ước khoảng 396 tỷ đồng.

Đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp

Công tác giải quyết, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia được ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời, giúp người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp.

Hiện toàn ngành Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Uớc đến ngày 03/6/2020, toàn Ngành đã giải quyết: hưởng mới các chế độ Bảo hiểm xã hội hàng tháng (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) cho khoảng 50.297 người;

Giải quyết hưởng mới các chế độ Bảo hiểm xã hội một lần, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp một lần, tuất một lần cho khoảng 353.616 người với số tiền chi trả là 13.154,7 tỷ đồng;

Giải quyết chế độ ốm đau cho khoảng 2.992.172 lượt người với số tiền chi trả là 1.413,3 tỷ đồng; thai sản cho khoảng 743.310 lượt người với số tiền chi trả là 9.591,5 tỷ đồng;

Dưỡng sức phục hồi sức khỏe cho khoảng 162.132 lượt người với số tiền chi trả 417,8 tỷ đồng; chi trả cho 558.418 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó hưởng mới là 298.833 người) với số tiền chi trả là 5.009 tỷ đồng.

Và ước đến ngày 04/6/2020, số tiền chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định Bảo hiểm y tế là khoảng 38.005.146 triệu đồng (chưa bao gồm số chi của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%.

Đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dịch vụ công quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Tính đến ngày 31/5/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã:

- Cung cấp 18/27 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó số lượng dịch vụ công mức độ 4 là 12/27 thủ tục hành chính.

- Cung cấp, phối hợp xác nhận thông tin 09 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đặc biệt, trong đó có 03 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp từ ngày 12/5/2020, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gồm:

Hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động;

Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Kết quả, từ ngày 16/5 đến ngày 31/5/2020, đã tiếp nhận và giải quyết 291 hồ sơ Ncovi của các doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử; duy trì việc tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" cấp tỉnh, cấp huyện, qua dịch vụ bưu chính công ích, với tinh thần phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia và phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong toàn Ngành, số hồ sơ đã giải quyết của cơ quan Bảo hiểm xã hội tính từ ngày 01/01 đến ngày 31/5/2020 là 47.591.872 hồ sơ (đạt 97,45%).

Song song đó, hoạt động của Hệ thống Chăm sóc khách hàng của Ngành trong 6 tháng đầu năm 2020 cơ bản đã kịp thời hỗ trợ, tư vấn, giải đáp thoả đáng cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về việc tham gia và thụ hưởng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2020, hệ thống đã tiếp nhận và trả lời khoảng 160.000 cuộc điện thoại của người dân, tổ chức và doanh nghiệp hỏi về 5 chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại 3 cổng của tổng đài 1900.9068.

Riêng trong thời gian từ ngày 12/3 đến 20/3/2020, Hệ thống đã nhận gần 22.000 cuộc gọi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp (bình quân mỗi ngày hơn 2.400 cuộc gọi, tăng 150% so với ngày thường) liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với các nội dung:

Hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế đối với người lao động phải nghỉ việc do cách ly y tế; việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; việc triển khai tin nhắn thông báo mã số Bảo hiểm xã hội đến người dân để kê khai hồ sơ y tế điện tử theo yêu cầu của Chính phủ…

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và hỗ trợ, chăm sóc khách hàng của Ngành trong thời gian qua đã góp phần giúp ngành Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh việc chuyển đổi hình thức giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội của người dân và tổ chức, từ hình thức giao dịch trực tiếp sang hình thức sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch COVID-19, các mảng công tác này đã hỗ trợ rất hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp khi làm thủ tục liên quan đến việc đề nghị và hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, giảm số người phải trực tiếp đến liên hệ, giao dịch tại cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp.

Báo chí luôn đồng hành trong công tác truyền thông chính sách

Trong 5 tháng đầu năm các cơ quan thông tấn, báo chí đã chủ động, kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác truyền thông chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Qua các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều bài viết, phóng sự truyền hình... phản ánh thông tin về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp được đầu tư công phu, bài bản, góp phần đưa chính sách đến với người dân, đồng thời nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác tổ chức thực hiện các chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 5.200 tin, bài phản ánh về các hoạt động của Ngành Bảo hiểm xã hội và tuyên truyền chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp được đăng tải trên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Trong đó có hơn 300 tin, bài tập trung tuyên truyền cho sự kiện 25 năm thành lập Ngành; gần 300 tin, bài tập trung tuyên truyền về “Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai Bảo hiểm xã hội toàn dân - Tuyền truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Đặc biệt trong đó, từ ngày 31/01 đến 15/4/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát đi 18 Thông tin báo chí về các chủ đề “Hưởng ứng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chung tay phòng, chống dịch COVID-19”, “Ý nghĩa, lợi ích của ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính ngành Bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi của người tham gia trong mùa dịch COVID-19”.

Theo đó, số tin bài trên báo chí tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm này đã tăng mạnh so với thời gian trước.

Qua thống kê điểm báo, từ ngày 31/01 đến 21/4/2020, trên các báo, đài có khoảng 2.600 tin, bài tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trong đó:

Tổng số tin, bài trong đợt cao điểm phòng, chống dịch (21 ngày giãn cách xã hội từ 01/4 đến 21/4) là 1.378 tin, bài: Ngày cao điểm nhất là 142 tin, bài; trung bình một ngày là 66 tin, bài (tăng 120% so với những ngày dịch COVID-19 chưa xuất hiện ở Việt Nam).

Đáng chú ý, trước vụ việc trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội nhằm thu gom mua sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động để trục lợi trong đợt dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý hành vi vi phạm này;

Đồng thời kịp thời cung cấp thông tin báo chí cảnh báo về nội dung này tới các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền trên các cơ quan thông tấn báo chí nhằm thông tin và răn đe tới các đối tượng có hành vi tổ chức mua bán sổ Bảo hiểm xã hội, đưa ra cảnh báo tới người lao động không nên bán sổ Bảo hiểm xã hội để bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân tới các nhà báo đã luôn ủng hộ, đồng hành trong công tác truyền thông chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua.

Tập trung triển khai một số công tác trọng tâm trong tháng 6/2020

Trong thời điểm hiện tại, trước tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát, bước vào giai đoạn bình thường mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đặt ra cho năm 2020;

Đồng thời, tiếp tục ưu tiên cho việc bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp;

Ngoài những công việc thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trong tháng 6/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Chính phủ gồm: Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội;

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019;

Nghị quyết số 02/NQ-CP về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp;

Các Nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp;

Đặc biệt là triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng và triển khai các phương án điều hành các kế hoạch, dự toán, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng, tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế;

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp;

Chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2020;

Kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành;

Rà soát xử lý dữ liệu thẻ Bảo hiểm y tế cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số Bảo hiểm xã hội cho người tham gia; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp;

Mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội và trên trục liên thông của Chính phủ.

Hồ Thu