Người Cơ Tu đặt tên con theo diễn viên Hàn Quốc

18/07/2011 00:07
Việc đồng bào Cơ Tu rộ lên “trào lưu” thay tên, đổi họ gây khó khăn cho nhà trường và chính quyền trong quản lý, làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc đồng bào Cơ Tu rộ lên “trào lưu” thay tên, đổi họ gây khó khăn cho nhà trường và chính quyền trong quản lý, làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc
Phụ nữ Cơ Tu ở Đông Giang trên đường từ rẫy về nhà
Phụ nữ Cơ Tu ở Đông Giang trên đường từ rẫy về nhà
Thời gian gần đây, một số đồng bào Cơ Tu các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang – tỉnh Quảng Nam thích thay tên, đổi họ một cách thiếu đồng nhất. Đồng thời tình trạng đua nhau cưới sớm cũng diễn ra rầm rộ ở vùng núi hẻo lánh giữa đại ngàn Trường Sơn.
Luật không cấm nên dễ thay đổi họ
Những đứa con trong gia đình ông A Lăng R (xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam) có đến 3 họ. Con trai lớn mang tên Nguyễn Văn M., 3 người con kế tiếp mang họ A Lăng, riêng đứa con trai út lại mang họ Lê. “Vì sao lại có nhiều họ trong một gia đình như vậy?” - chúng tôi hỏi. “Mình nghe con bảo rằng mấy đứa bạn bè trong làng cũng lấy họ Nguyễn, họ Lê nên tụi nó bảo với mình lấy họ đó, chứ mình có biết gì đâu” - A Lăng R. cho biết. Trong khi đó, gia đình ông A Lăng H. ở xã Kà Dăng (Đông Giang) cũng gặp cảnh ngộ tương tự. Người anh mang họ Lê, người em mang họ Cao và đứa con út mang họ A Lăng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng một gia đình cùng cha mẹ nhưng những đứa con lại mang nhiều họ khác nhau khá phổ biến ở các huyện miền núi Quảng Nam. Nhiều già làng ở huyện  Đông Giang cho biết người con Cơ Tu được sinh ra (cả trai lẫn gái) theo truyền thống đều mang họ cha. “Việc một số gia đình người Cơ Tu hiện nay tự ý đổi họ là một việc làm không nên, ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc mình” - già làng A Lăng Kính nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết việc đổi họ gây khó khăn cho gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc làm các thủ tục, chính sách, quản lý hộ tịch..., nhất là việc thừa kế sau này. Tuy  nhiên, luật lại không cấm một gia đình có nhiều họ nên người dân có quyền làm, không thể cấm được. Vì vậy, cách duy nhất là vận động, tuyên truyền để người dân ý thức được vấn đề bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Lập gia đình sớm
Trong vài năm trở lại đây, tình trạng trẻ em bỏ học, lấy vợ chồng sớm đang trở thành vấn đề “nóng” đối với cuộc sống của đồng bào vùng cao Đông Giang. Nhiều trường hợp là do các em yêu nhau sớm, rồi lỡ “ăn trái cấm” nên đành cưới nhau. Mặt khác, do các em nghe theo ý muốn của gia đình, người thân hoặc là do vấn nạn “đặt cọc” giữa 2 bên gia đình, hay nợ của hồi môn đời trước nên đành chấp nhận buộc con cái lập gia đình từ khi vừa tròn tuổi 13.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng xã Sông Kôn có đến hàng chục trường hợp thanh thiếu niên lấy vợ, chồng sớm. Đơn cử như em A Lăng Thị B., bỏ học, đi lấy chồng khi vừa tròn 13 tuổi. Ngày về nhà chồng, em B khóc sướt mướt vì theo em: “Cái bụng mình không ưng thằng đó nhưng do cha mẹ đã lỡ “ăn” của cưới nhà người ta nên em đành chấp nhận”- em B. tâm sự. Được biết gia đình chồng của A Lăng Thị B. không phải ai xa lạ, chính là nhà của vợ chồng cô dượng ruột của B. Theo tập tục của người Cơ Tu, con gái của người em trai có thể lấy được con trai của người em hoặc chị gái. Do vậy mà chuyện lấy người cùng chung huyết thống cứ luôn diễn ra trong hôn nhân của đồng bào Cơ Tu.
“Hồi kết” chưa có hậu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi bắt chồng, mỗi ngày, các em phải lên nương rẫy làm lụng vất vả để kiếm cái ăn cho cả gia đình. Dù tuổi đời các em mới chỉ mười bốn, mười lăm nhưng trông các em đã già đi so với cái tuổi ăn học, vui chơi của mình.
Một số già làng Cơ Tu cho biết người Cơ Tu thường có tập tục “đòi” nhiều của từ gia đình nhà trai cho nhà gái. Mặc dù đây là một tập tục rất bình thường và quen thuộc trong lễ cưới hỏi của đồng bào Cơ Tu song chính tập tục này cũng đã để lại nhiều lo âu cho số phận và tương lai của người con gái khi về nhà chồng. Trong đám cưới, nếu gia đình của nhà cô dâu đòi hỏi của cải bao nhiêu thì chính cô dâu sau này phải vất vả làm lụng để “trả” của nợ hồi môn đó bấy nhiêu.
Hủ tục này như một dây xích trói chặt cuộc đời của những người phụ nữ Cơ Tu sống trong nỗi khốn khổ. Ông Đỗ Tài cho biết huyện đang triển khai mạnh mẽ việc vận động, tuyên truyền các em nên lấy vợ, gả chồng theo đúng tuổi quy định của pháp luật nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn.
Đặt tên con theo tên... diễn viên Hàn Quốc!
Hàng loạt gia đình ở các xã A Tiêng, huyện Tây Giang do xem phim Hàn Quốc nên mê nhân vật trong phim rồi đặt tên khai sinh cho con mình theo tên diễn viên, nhân vật trong phim Hàn Quốc. Bling Ria (cán bộ tư pháp xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) lật sổ hộ tịch, một danh sách dài dằng dặc những cái tên “nửa Cơ Tu, nửa Hàn Quốc”, như Pơloong San Diu, sinh năm 2008, con của anh Pơloong A Gương; ALăng Na Ra, sinh năm 2008, con của A Lăng Ân; Briu Thị Hy Su, sinh năm 2009, con Briu Nhỏ; Riah Thị Su U, sinh năm 2008, con của Riah Như...
Đơn cử như anh Pơloong Huân, văn thư xã A Tiêng, cả ba đứa con đều được theo tên ba chị em trong bộ phim Mối tình đầu, lần lượt là Pơloong San Ốc, bé gái Pơloong San Ân và bé trai Pơloong San U. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Tây Giang đã tổ chức đợt tuyên truyền, vận động đến từng thôn bản mới hạn chế được trào lưu đặt theo tên diễn viên Hàn Quốc.
{iarelatednews articleid='4973,3270,2341,2149'}
Theo Hoàng Dũng/NLĐ