Người đẹp xứ Mường hãi với những cuộc thi “quần áo như hai lá cây"

12/02/2012 10:30
Doãn Kiên - Nguyễn Huệ/PL&TĐ
"Mế cũng xem nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay, sao mà các cô ấy đi thi hoa hậu bây giờ vất vả thế, nhất là "quần áo như hai cái lá cây sao mà trông hãi thế"...


Dù đã 88 tuổi nhưng người đẹp của cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình những năm thuộc Pháp, Á hậu Hoàng Thị Liên (ngụ xóm Dốc Phấn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) vẫn thường theo dõi qua vô tuyến những cuộc thi nhan sắc thời hiện đại. Người đẹp được tôn vinh cách đây 70 năm mắt ánh lên nét rạng rỡ: “Mế sợ phát khiếp. Các cô ấy bây giờ đi thi vất vả thế, quần áo thì như hai cái lá cây mà không thấy lạnh hay xấu hổ”.
Á hậu của cuộc thi hoa hậu xứ Mường năm 1942: người đẹp Hoàng Thị Liên (ảnh tư liệu)
Á hậu của cuộc thi hoa hậu xứ Mường năm 1942: người đẹp Hoàng Thị Liên (ảnh tư liệu)
Bí quyết “đẹp như tranh”
Ở tuổi gần 90 nhưng cụ Liên vẫn giữ được sức khỏe, đầu óc minh mẫn và tinh thần luôn vui vẻ
Ở tuổi gần 90 nhưng cụ Liên vẫn giữ được sức khỏe, đầu óc minh mẫn và tinh thần luôn vui vẻ
Xuất thân trong một gia đình giáo học ở tỉnh Bắc Ninh, năm mới hai tuổi thì cả gia đình bé Liên theo bố lên Hòa Bình dạy học. Lớn lên, cô gái vốn mang trong mình dòng máu Kinh Bắc dịu dàng, đằm thắm, cộng với việc ở Hòa Bình dù là nơi “rừng thiêng nước độc” nhưng trời phú cho những người con gái ở đây nhiều dược liệu quý của núi rừng để làm đẹp. Bà kể lại: “Ngày ấy mỗi lần mẹ tôi ra chợ về lại mang theo rất nhiều loại cây rừng cho con gái gội đầu và đun nước tắm. Ban đầu chỉ với suy nghĩ để chống lại bệnh tật nơi “sơn lam trướng khí”, thế nhưng không chỉ phòng chữa bệnh mà những loài cây này còn có tác dụng làm cho mái tóc của con gái thêm đen mượt, làn da càng thêm trắng”. Đến bây giờ bà vẫn truyền lại cho con cháu những bài thuốc đó như những bảo bối gia truyền nên những người con gái của bà ai cũng “đẹp như tranh”.

Về ăn uống bà cũng hết sức giữ gìn, dù lúc khó khăn nhất hay lúc gia đình buôn bán khá giả, bà vẫn sống cuộc sống giản dị, ăn uống đầy đủ. Trong bữa ăn thường ngày bà không dùng nhiều thịt cá, thường sử dụng rau sắng (một loại rau rừng), uống nước hạt hà thủ ô. Không hiểu chế độ ăn uống này có liên quan gì đến việc dù qua 7 lần sinh nở nhưng bà cụ gần 90 tuổi vẫn giữ được sức khỏe, đầu óc minh mẫn và tinh thần luôn vui vẻ.

Thiếu nữ Liên được mẹ cho theo học một thầy giáo vốn là bạn với cha nên không chỉ nổi tiếng xinh đẹp, bà còn được học văn hóa và đọc thông viết thạo cả tiếng Pháp. Năm 17 tuổi, một người bạn của mẹ bà làm tri châu đến nhà chơi, thấy cô con gái của bạn xinh đẹp đã động viên bạn cho đi thi “Hoa hậu xứ Mường”. Bà Liên nhớ lại, cuộc thi được tổ chức vào một ngày đầu xuân năm 1942 ở Châu Lương Sơn do chính quyền thời đó tổ chức cùng dịp một hội chợ. Từ sáng sớm cô được mẹ tự tay mặc trang phục là bộ váy áo Mường đẹp nhất rồi đúng giờ hẹn, ban tổ chức cho người đem ngựa tới đón đi thi. Khi ngựa vừa đến nơi, cô thực sự choáng ngợp với không khí ngày hội lớn, băng rôn, cờ xí rợp trời, các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp được treo khắp nơi. Người đi xem đông như trẩy hội, chen lấn chật kín cả đường đi. Cuộc thi hôm ấy có 16 thí sinh, gồm Liên và 15 cô gái được tuyển chọn khắp nơi, độ tuổi từ 16 – 17.

Từ hôm trước, người ta đã đẵn tre vầu, bắc một cái cầu bán nguyệt cao tới ngang ngực, rộng hơn một mét, dài 10 mét. Phía dưới là Ban giám khảo ngồi gồm một viên quan người Pháp, vợ chồng chánh sứ, vợ chồng tuần phủ và vợ chồng tri huyện; sau đó là hàng ghế dành cho hàng trăm khách mời ở Hà Nội và các tỉnh tham dự.

Hồi ức về cuộc thi người đẹp 7 thập kỷ trước

Sau khi nghe giám khảo tuyên bố tổ chức cuộc thi, thể lệ và giải thưởng, người ta yêu cầu mỗi thí sinh đi lại trên chiếc cầu bán nguyệt đó 5 vòng; cứ đến giữa vòng thì dừng lại, xoay một vòng để các ban giám khảo ngắm được cả phía sau rồi cho điểm. “Chúng tôi phải qua hai vòng thi: Vòng đầu là ra chào các quan, người đẹp đưa hoa, đồng thời đưa kéo cho các quan cắt băng để vào dự hội”, mế Liên cho biết.

Hôm đó cũng là ngày diễn ra hội chợ, một sự kiện vui chơi lớn được tổ chức thường niên thu hút hàng vạn người ở khắp nơi đến nhưng dường như mọi người đã quên mất hội chợ đang diễn ra. Tất cả tập trung phía trước sân khấu, nơi tổ chức cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” để ngắm nhìn người đẹp, sôi nổi bình luận, nhận xét.

Có một điều đặc biệt trong lần tổ chức cuộc thi này là sau khi đã loại được 2/5 thí sinh, 3 người còn lại là Đinh Thị Nụ, Hoàng Thị Liên và Hoàng Thị Sáu mỗi người một vẻ đẹp, ai cũng xứng đáng làm hoa hậu. Ban tổ chức lúng túng, cuối cùng phải nhờ đến viên quan người Pháp quyết định. Sau khi suy nghĩ, vị này đã loại cô Sáu vì cô có bộ răng đen, dù lúc đó là mốt nhưng lại không hợp với người Pháp. Với thiếu nữ Liên, do bà là người gốc Kinh Bắc, dân tộc Kinh nên cũng không được nhận ngôi hậu. Danh hiệu đương nhiên thuộc về cô Nụ, được trao phần thưởng là 5 tấm lụa và một cái kiềng cổ. Riêng hai á hậu thì được thưởng 1 tấm lụa và một vòng bạc mạ vàng.
“Tôi còn nhớ lúc đó đứng ở trên cao đưa tay xuống cho bà đầm trao phần thưởng, bị cái vòng kẹp vào tay nên tôi khóc thét làm bà đầm giật mình hoảng hốt”, mế Liên cười.

Sau cuộc thi, á hậu Liên cùng các thí sinh khác trở về gia đình làm ăn sinh sống bình thường. Người đoạt giải không trở nên kiêu kì, người không được vinh danh cũng chẳng lấy đó làm điều phiền muộn. Cũng từ đó bà theo nghiệp kinh doanh buôn bán của mẹ.

Dù sau đó, không ít tao nhân, mặc khách con nhà quan lang giầu có theo đuổi nhưng á hậu đều khéo léo từ chối. Năm 20 tuổi, cô được mẹ mai mối đã “kết tóc xe duyên” với một bác sĩ ở bệnh viện tỉnh và cũng là học trò của cha mình. Vợ chồng sinh được 7 người con, đều là cán bộ công chức Nhà nước, nay có người đã nghỉ hưu. Theo anh Nguyễn Quốc Chiến, người con trai đầu đã ngoài 60 tuổi đang ở cùng bà: “ mẹ tôi thường tự hào rằng trong số các người đẹp xứ Mường bà là người hạnh phúc và giàu có nhất. Cái giàu ấy là 7 đứa con, và hàng chục đứa cháu, chắt luôn ríu rít kề bên”.

Dù chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng bà vẫn khôi hài phê phán: “Mế cũng xem nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay, sao mà các cô ấy đi thi hoa hậu bây giờ vất vả thế, nào phải học hàng tháng trời, trải qua hàng chục cuộc thi, nhất là thi kiểu gì mà mặc quần áo như hai cái lá cây sao mà trông hãi thế”. Theo bà: “Cái đẹp không phải đo vòng này vòng nọ. Cái đẹp phải là cái đẹp tự nhiên, cái có sẵn thì nó mới đẹp chứ”.
Doãn Kiên - Nguyễn Huệ/PL&TĐ