Người Xứ Thanh mưu sinh trên phố

24/04/2013 12:13
Nguyễn Khuyên
(GDVN) - Làm nghề nông quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ ăn, nợ nần ngày một nhiều hơn. Người Xứ Thanh không còn mặn mà với cái nghề làm lúa nước của cha ông nữa, họ rủ nhau ra Hà Nội làm thuê kiếm sống với mong muốn kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống ở quê.
Tại ngõ 62 Trần Qúy Cáp (sau ga Hà Nội), Phố Nguyễn Phúc Lai là điểm dừng chân sau một ngày lao động vất vả của người dân Thanh Hóa xa quê lên Thủ đô kiếm sống, mong muốn thoát khỏi cái nghèo của đồng ruộng.
Đa dạng nghề
Con phố nhỏ Trần Qúy Cáp quen thuộc với những người Xứ Thanh làm nghề bán báo, vì nơi đây là nơi họ nhận báo và ngủ lại sau mỗi ngày đi làm về.
Nhiều người xã Hoàng Tân Hoàng Hóa, thanh Hóa ra Hà Nội kiếm sống từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng lúc đầu một vài người trong huyện ra bán thuốc lào (loại nông sản truyền thống của vùng quê này) do thuốc lào bán ngày càng ế ẩm họ quay sang bán báo kiếm thêm. Về sau thu nhập kiếm được bán báo cao hơn so với bán thuốc lào và làm nông nghiệp ở quê nhà nên đã kéo người ở Hoàng Tân tiếp tục rời quê ra thành phố kiếm sống. 

Rong ruổi trên các con phố bằng nghề bán báo
Rong ruổi trên các con phố bằng nghề bán báo


Anh Nguyễn Văn Hiển ( Đồng Long, Hoàng Tân, Thanh Hóa)  làm nghề này 12 năm cho biết: “ Người Hoàng Tân đi thành trào lưu, giờ đây nhà nhà bán báo, người người bán báo, không phân biệt lứa tuổi từ người già, người trung tuổi đến các cô cậu thanh niên và em nhỏ. Trong xã, thôn Đồng Long và Cẩm Vinh là hai thôn có số người đi bán báo đông nhất. Ở đây nhà nào cũng có đại diện không chồng, vợ thì con cái, thậm chí có gia đình có cả mẹ và con đi bán…”.
Người bán báo ngày càng đông trên Hà Nội, họ tự tạo ra nghề rồi kéo nhau lên thành một làng, ở quê chỉ còn lại trẻ nhỏ và những người già yếu. Họ ra đây bán báo nhưng cứ đến mùa chồng ở lại người vợ về thu hoạch xong mùa màng rồi lại ra ,cứ thế người Hoàng Tân gắn bó với nghề bán báo.
Ngoài nghề bán báo cái tên Hoàng Hóa còn được biết đến với nghề đánh giày, trẻ em người lớn kéo nhau lên kiếm sống. Không cần phải học việc chỉ đủ dụng cụ có thể kiếm sống được. Em Trần Thị Hạnh( 22 tuổi) cho biết : “Lấy chồng khi em 20 tuổi, cả hai đều không có nghề gì làm nông vất vả lắm mà không đủ ăn, vợ chông kéo nhau lên Hà Nội làm thuê.

Ban đầu chúng em bán báo như bố mẹ và những người trong làng, nhưng không được mấy đồng, vợ chồng chuyển sang nghề đánh giày thu nhập cao hơn so với bán báo. Người bán báo, đánh giày gắn với cái tên Hoàng Hóa , còn người Quảng Xương lại được biết đến với cái nghề khác, đặc biệt hơn, nghề bán hàng vặt (lược, kim chỉ…), bán hàng băng đĩa.
Ràng rong là một trong nhiều cách kinh doanh mà người tỉnh lẻ chọn khi mưu sinh trên phố
Ràng rong là một trong nhiều cách kinh doanh mà người tỉnh lẻ chọn khi mưu sinh trên phố
Cũng như người dân Hoàng Hóa, người Quảng Xương cũng tự tạo ra nghề. Một người đi rồi kéo theo cả làng, cứ như thế lâu rồi cho đến bây giờ. Nghề bán hàng vặt gắn liền với cuộc sống của người Quảng Xương,vì cứ sau mỗi vụ mùa xong khoảng thời gian nông nhàn không có việc gì làm, họ kéo nhau ra Hà Nội làm thuê rồi gặp cái nghề này, một vài người đi rồi sau đó gần như cả làng.

Cô Hoàng Thị Lý (Quảng Hợp- Quảng Xương) cho hay: “Cả làng tôi nhà nào cũng có người đi bán  hàng này,nhiều gia đình có cả ba thế hệ đi theo nghề này mà kiếm sống. Cứ đến mùa mọi người về thu hoạch xong ổn định lại ra đi bán, cả ngày khu trọ vắng vẻ không một bóng người nhưng tối về thi vui lắm rôm rả cả khu”.
Nghề của người nghèo
5h sáng trên hai con phố Trần Qúy Cáp ( người bán báo thuê trọ), Nguyễn Phúc Lai( người bán hàng vặt, bán băng đĩa ) tấp nập người, đây là khoảng thời gian mọi người lấy hàng rồi phân tân mỗi người một khu, ai lấy hàng trước thì “chạy” sớm, ra chậm thì phải đợi. Một chủ báo trên ngõ 62 Trần Qúy Cáp cho hay: “ Con phố này chỉ sáng sớm là náo nhiệt, người lấy hàng đông như trẩy hội chen chúc nhau vào, báo nào ra trước đủ số lượng là họ đi”.
Nghề bán báo, bán hàng vặt, đánh giày hiện nay không còn đông khách như trước, thu nhập cũng hạn chế nhưng người dân nghèo Xứ Thanh vẫn kiên trì từng ngày kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học, từng bước thoát nghèo mong muốn có cuộc sống ấm no, đủ điều kiện để chăm lo cho việc học hành của con cái.
Chú Trần Bá Chí ( Hoàng Tân) chia sẻ: “ Báo nay vào mạng hết rồi, số tiền  vợ chồng  kiếm được từ nghề bán báo thấp lắm, đi bộ cả ngày, cả đêm lời lãi không nổi 50.000 đồng/ ngày, nhưng vì nuôi 4 con ăn học nên hai vợ chồng phải cố gắng thôi chứ biết mằn chi( làm gì) nữa”.
Họ đi bộ trên đôi chân thô kệch, cứ thế chạy hết các con phố, ngõ ngách Hà Nội để bán hàng. Nhiều cụ già trên 60 tuổi còn khỏe họ cũng đi bán kiếm thêm tiền để lo cho cuộc sống sau này khi không thể làm được gì, nhiều cụ có gia đình con cái nhưng các bà không muốn là gánh nặng cho con. “Các con cũng có gia đình nhỏ của mình cần nhiều tiền hơn, ngoài miếng ăn hàng ngày còn lo tiền học hành cho các cháu, chúng tôi đang còn  khỏe, có thể làm để nuôi bản thân, bao giờ không thể làm được thì dựa vào con cháu thôi’ ( cụ Vũ Thị Hợp, 76 tuổi) cho biết.
 Cuộc sống khó khăn đưa những con người nghèo lại với nhau họ thuê phòng qua đêm ở với giá dường đi cả Thủ đô không một nơi nào có. Căn phòng rộng 35 mét vuông chứa cho 20 đến 25 người, 10 nghìn/ 1đêm (cả tiền nước và điện) mà mỗi người phải đưa lại cho chủ nhà. Nhà trọ chủ yếu là những công trình đang trong quá trình thi công được chủ hàng thuê lại rồi cho người lao động thuê. 
Tiền kiếm từ nghề bán báo, nghề bán hàng vặt trê phố không nhiều, trung bình mỗi tháng người dân thu được từ 1.200.000 đến 1.500.000 đồng/ tháng ( trừ chi phí sinh hoạt), số tiền ít ỏi đó, phần lớn họ gửi về quê cho người thân còn lại ở quê nhà để lo cho cuộc sống và chăm lo cho việc học của con cái. Cuộc sống của người dân Xứ Thanh không hề sung túc và dư thừa, nhưng mọi cố gắng lao động sẽ dần giúp họ vượt qua những khó khăn ban đầu, từng bước thoát khỏi cuộc sống “con trâu đi trước, cái  cày theo sau”.
Nguyễn Khuyên