Nguyên Bộ trưởng tâm sự về chuyện rút thẻ nhà báo trong vụ PMU18

21/06/2012 11:32
Thảo Lăng (tổng hợp)
(GDVN) -Trong ngày hội của các nhà báo và nền báo chí Cách mạng Việt Nam, nhiều vị nguyên là lãnh đạo ngành Thông tin- Truyền thông, các tướng lĩnh và nhà báo đã chia sẻ suy nghĩ của mình về nghề báo và vai trò quan trọng của báo chí trong đời sống xã hội.

Nhiều vụ tiêu cực nếu không có báo chí vào cuộc thì dễ "chìm xuồng"

Trên báo điện tử Vietnamnet.vn, nói về quyết định khó khăn nhất của mình trên cương vị Bộ trưởng Thông tin- Truyền thông, nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng: “Khó khăn nhất của tôi là rút thẻ nhà báo. Trong vụ PMU18, phải xem xét để rút 17 thẻ nhưng tôi và đồng nghiệp đã xem xét cụ thể, khách quan, nên chỉ rút thẻ của 7 nhà báo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp

Trước khi rút thẻ, cơ quan quản lý báo chí phải dày công phân tích ai chính, ai phụ, ai bị chi phối, có đủ yếu tố chủ quan, khách quan, để xử đúng người, đúng tội, chính xác, kịp thời, có giá trị giáo dục, thuyết phục cao. Khách quan mà nói, có vụ tiêu cực báo chí không vào cuộc thì dễ "chìm xuồng". Tiêu cực sợ báo chí, nhờ sức ép của báo chí nên nhiều vụ việc xử lý nghiêm túc hơn.

Về vai trò của báo chí trong việc chống tội phạm, trên báo nguoibaove.com.vn, nhiều tướng lĩnh trong ngành Công an đã có chia sẻ tâm huyết.
Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam ghi nhận, những đóng góp của Báo chí thông qua hình thức phản ánh và giải đáp các sự kiện, vấn đề có liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia. Báo chí giải thích, giải đáp đầy đủ góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội từ đó định hướng dư luận xã hội.
Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam
Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam
“Hàng năm, hàng nghìn bài viết về các chủ đề buôn người, buôn bán vận chuyển ma túy, động vật hoang dã, khủng bố được đăng tải thể hiện ý thức trách nhiệm của các Nhà báo trong việc phản ánh một lĩnh vực mới quan trọng là chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an cho rằng, các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm tham nhũng, kinh tế, hình sự, ma túy, môi trường và tệ nạn xã hội.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm
Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm

Vị tướng có tiếng là có quan hệ tốt với các cơ quan Báo chí này cũng chỉ rõ: Báo chí đã hỗ trợ đắc lực lực lượng CAND trong các đợt tấn công tội phạm, điều tra xử lý các vụ phạm tội phức tạp nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. “Sự hỗ trợ tích cực không chỉ cung cấp, phản ánh công khai dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật mà còn tạo dựng áp lực công luận để lên án, phê phán cái sai, cái tiêu cực hoặc lên án tội phạm mà còn tạo cơ sở để công an tiến hành điều tra, ngăn chặn, xử lý tội phạm. Điển hình các vụ án Khánh trắng, Phúc bồ, Năm cam… nếu không có sự hỗ trợ, lên án của công luận, chắc sẽ khó xử lý kiên quyết”.

Tâm sự của một nhà tu hành làm báo 

Trên báo điện tử Bee.net.vn, nhà sư Thích An Đạt, hiện là Chánh thư ký ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM; Chánh thư ký tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phóng viên của Báo Giác ngộ chia sẻ suy nghĩ của mình với tư cách nhà báo đồng thời là một nhà tu hành:

“Đối với công việc làm báo, người tu hành gặp khá nhiều khó khăn, để nắm thông tin viết bài, thầy phải thường xuyên đi đây đi đó để tác nghiệp, nên thời gian ở chùa không được cố định, thời gian sống chung với đại chúng (quý thầy sống cùng chùa - PV) không nhiều.”

Nhà sư Thích An Đạt, là Chánh thư ký ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM; Chánh thư ký tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phóng viên của Báo Giác ngộ
Nhà sư Thích An Đạt, là Chánh thư ký ban Văn hóa Thành hội Phật giáo TP.HCM; Chánh thư ký tiểu ban Thanh thiếu nhi Phật tử trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phóng viên của Báo Giác ngộ

Một điều khó khăn cho việc làm báo của người đi tu nữa là không được lăn xả, chen lấn để tác nghiệp như những phóng viên bình thường của các tờ báo khác. Ví dụ phóng viên bình thường có thể leo cây, lao vào nơi diễn ra sự kiện để có những góc ảnh đẹp, kiếm những thông tin cần thiết cho bài báo mà mình đang viết, còn với người tu hành thì điều đó khó mà chấp nhận được.

Chắc chắn sẽ có người cho rằng: “Ông đã đi tu rồi sao còn không lo tu tập, chen lấn, giành giật, bon chen như người đời làm chi…” thầy An Đạt cười nói.

“Chính vì những lý do đó nên khi tác nghiệp thông thường thầy hay chọn trước cho mình một điểm thuận tiện để có những góc ảnh đẹp. Chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn trước và nếu cần thiết thì nhờ một Phật tử nam hay một phóng viên ảnh nào đó hỗ trợ”.

Khó khăn, bất tiện khác mà người tu đi làm báo đó là khi đi tác nghiệp xa, việc ăn uống không thuận lợi (vì thầy ăn chay mà nhiều lúc ở nơi tác nghiệp không có đồ ăn chay), môi trường sinh hoạt không được thanh tịnh như ở chùa… Cũng có người cho rằng nhà sư làm báo sẽ không giữ được tính cách điềm đạm, hiền từ bởi công việc của người làm báo bắt buộc cần phải năng động, nhanh nhạy...

Nhà sư Thích An Đạt
Nhà sư Thích An Đạt

“Thực ra một nhà sư làm báo có khá nhiều thách thức, đòi hỏi phải có trình độ, lòng yêu nghề và tâm huyết với công việc. Khi tác nghiệp phải hợp lý, không nên để có ảnh đẹp mà làm mất đi ấn tượng tốt đẹp của một nhà sư, mà quan trọng là cách chạy và cầm máy ảnh, với lại oai nghi nhà Phật không cấm điều đó. Phải làm sao không xấu đi hình ảnh của một nhà tu hành.

Ngoài làm phóng viên, thầy Thích An Đạt còn tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngoài làm phóng viên, thầy Thích An Đạt còn tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay nhà sư làm báo chí còn rất ít, tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi các thầy phải chuẩn bị kỹ lưỡng về công năng tu tập và chuyên môn để hòa nhập và dấn thân. Song cho dù ở đâu, thầy vẫn luôn giữ sắc thái cho riêng mình, từ đi, đứng, ăn, mặc sao cho đúng với đạo phong của một người thầy” - thầy An Đạt tâm sự.

Thảo Lăng (tổng hợp)