Nhà máy gạch Xuân Hòa "ướp muối" gạch bán cho dân

16/07/2014 06:56
Xuân Hòa
(GDVN) - Theo một số người dân thì sau khi mua Cty CP gạch ngói Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An) về để xây nhà thì phát hiện gạch bị nhiễm mặn.

Gạch mặn như...ướp muối!

Theo chị Nguyễn Thị Lan (trú tại khối 17, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) cho biết: Vào khoảng cuối tháng 04/2014 do có nhu cầu làm nhà nên chị Lan đã đặt mua 40.000 viên gạch tuynel của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa. Vào thời điểm chị Lan mua, gạch được bán với giá 1.900 đồng/1 viên và chị đã thanh toán tổng số tiền hết 76 triệu đồng. 

Sau khi tập kết đầy đủ nguyên vật liệu chị Lan đã thuê thợ tiến hành xây dựng. Quá trình xây móng thì không có hiện tượng gì lạ nhưng khi xây xong phần thô của tầng 1 ngôi nhà thì chị và những người thợ trực tiếp thi công phát hiện nhiều vệt trắng dày đặc ở phía ngoài bề mặt viên gạch. 

Đặc biệt, tường bao khô tới đâu vệt trắng càng loang lổ tới đó. Hiện tượng “lạ” này xảy ra ở hầu khắp các bức tường. Khi dùng ngón tay sờ vào có cảm giác những hạt nhỏ li ti màu trắng mịn bám vào ngón tay, khi đưa lên miệng nếm thử có vị mặn như muối.

Theo chị Nguyễn Thị Lan cho biết toàn bộ số gạch chị mua của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa khi xây lên đều có dấu hiệu nhiễm mặn
Theo chị Nguyễn Thị Lan cho biết toàn bộ số gạch chị mua của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa khi xây lên đều có dấu hiệu nhiễm mặn

Chị Lan cảm thấy lo lắng hơn khi những người thợ có kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho biết hiện tượng này có thể là do gạch bị nhiễm mặn nên tạo ra muối trắng kết tủa trên bề mặt. Do lo lắng chất lượng ngôi nhà bị ảnh hưởng nên chị Lan đã phải dừng thi công nhà lại. Rất may, bãi đổ vật liệu hẹp nên đến lúc này chị Lan cũng chỉ mới lấy 26.000 viên gạch trong số 40.000 viên đã đặt mua.

Không chỉ có chị Lan mà nhà của anh Phạm Văn Độ (trú tại khối 17, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) là hàng xóm chị Lan cũng có hiện tượng tương tự như trên. Anh Độ cũng mua 30.000 viên gạch của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa để xây nhà. Đến khi phát hiện ra hiện tượng này anh đã sử dụng 16.000 viên để xây dựng. Nhưng sau khi xây được khoảng 3 đến 4 ngày thì hiện tượng kết tủa màu trắng có vị mặn xuất hiện ngày càng nhiều.

Sau khi nhận thấy có điều bất thường từ những viên gạch tuynel đã mua của công ty cổ phần gạch ngói Xuân Hòa, ngày 11/06/2014 chị Lan trực tiếp đem mẫu gạch đã xây dựng ra Viện Chuyên ngành vật liệu xây dựng và bảo vệ công trình – Bộ Giao thông vận tải để thẩm định độ mặn của gạch. 

Theo đó, tại Báo cáo kết qủa thí nghiệm số 1077/2014/TN LAS-XD 201, ngày 13/06/2014 có kết quả như sau: Tổng hàm lượng muối Total soluble salts content theo TCVN 4198-95 trong mẫu gạch là 0,187 % .

Trước đó để xây nhà chị đã mua 40.000 viên gạch của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An) với giá 76 triệu đồng
Trước đó để xây nhà chị đã mua 40.000 viên gạch của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa (Nam Đàn, Nghệ An) với giá 76 triệu đồng

Sau khi có kết quả xác định gạch nhiễm mặn và dừng thi công, chị Lan đã nhiều lần liên hệ với Công ty cổ phần gạch ngói Xuân Hòa để bàn phương án giải quyết. Tuy nhiên, sau nhiều lần cho nhân viên xuống kiểm tra và hứa hẹn thì đến nay Công ty cổ phần gạch ngói Xuân Hòa vẫn chưa đưa ra cách giải quyết nào. Thậm chí theo chị Lan cho biết thì lãnh đạo công ty này còn tìm cách thoái thác trách nhiệm mà do chính sản phẩm mình gây ra.

“Để tránh sai sót và mang tiếng oan cho nhà máy gạch nên sau khi phát hiện sự việc tôi đã đi kiểm tra chất lượng gạch. Sau khi có kết quả tôi đã báo cho lãnh đạo nhà máy gạch Xuân Hòa. Họ cũng xuống làm việc nhiều lần nói tìm hướng xử lý nhưng chưa có cách gì. Đến khi gọi chúng tôi lên làm việc tại công ty họ lại đổ lỗi cho nguyên nhân khác mà trì hoãn giải quyết. Doanh nghiệp làm ăn mà cứ bán xong sản phẩm rồi mặc kệ khách hàng khi sản phẩm của mình xảy ra sự cố như vậy là không chấp nhận được”, chị Lan bức xúc cho biết.  

Do dân tự phun nước mặn?

Sau khi tiếp xúc và xuống tận hiện trường kiểm tra cho thấy toàn bộ phản ánh của chị Lan và anh Độ là đúng thực tế, PV báo Giáo dục Việt Nam đã làm việc với ông Phan Quang – Giám đốc Công ty cổ phần gạch ngói Xuân Hòa.

Nhưng sau khi xây lên gạch xuất hiện những vệt trắng dày đặc, đưa lên miệng nếm thử có vị mặn như muối
Nhưng sau khi xây lên gạch xuất hiện những vệt trắng dày đặc, đưa lên miệng nếm thử có vị mặn như muối

Trong buổi làm việc, ông Phan Quang vẫn cho rằng, không có chuyện gạch của nhà máy bị nhiễm mặn. Bởi đất sản xuất gạch của nhà máy này chỉ lấy quanh gần khu vực công ty sản xuất không có đất nhiễm mặn. Theo ông Quang thì nguyên nhân nhiễm mặn là do gia đình chị Lan sử dụng nước giếng khoan để xây dựng. Khi nước nhiễm mặn tưới vào để dưỡng ẩm tường thì ngấm vào gạch nên gạch mới bị nhiễm mặn.

Chính vì suy diễn đó nên ngày 28/06/2014 Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa đã có văn bản số 19/2014/GĐ-CV trả lời kiến nghị của khách hàng, với nội dung như sau: “Căn cứ vào kết quả thí nghiệm mẫu gạch và mẫu nước mà quý khách hàng độc lập mang đi kiểm nghiệm, cho thấy: Độ muối trong nước so với độ muối trong gạch cao gấp 2 lần (Độ muối của nước: 0,38%; độ muối của gạch: 0,187%)”. Từ đó, phía công ty gạch ngói Xuân Hòa thoái thác trách nhiệm: "Gạch bị nhiễm mặn là do khách hàng phun nước bị nhiễm mặn vào, vì vậy chúng tôi không có nghĩa vụ phải bồi thường"!

Sau khi có hiện tượng lạ trên chị Lan đã đưa các mẫu vật liệu xây dựng nhà chị đi kiểm nghiệm gồm: cát, nước và gạch đi kiểm tra cho thấy mức độ nhiễm mặn của gạch gấp 5 lần nước
Sau khi có hiện tượng lạ trên chị Lan đã đưa các mẫu vật liệu xây dựng nhà chị đi kiểm nghiệm gồm: cát, nước và gạch đi kiểm tra cho thấy mức độ nhiễm mặn của gạch gấp 5 lần nước

Tuy nhiên, không hiểu do vô tình hay cố ý mà trong văn bản mà công ty Xuân Hòa đã ghi sai độ nhiễm mặn của nước từ 0,38 ‰ (phần nghìn) thành 0,38% (phần trăm)?

Kết quả thí nghiệm số KQ 4991/14 do Trung tâm quan trắc và Kỹ thuật môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thực hiện nói trên ghi rất rõ: "Độ muối (trong nước): 0,38 ‰ (phần nghìn). Với kết quả này, rõ ràng độ nhiễm mặn của gạch (0,187%) cao hơn độ nhiễm mặn của nước đến gần 5 lần". 

Chiếu theo quy định tại Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam: TCXDVN 302/2004 “Nước trộn bê tông và vữa - Yêu cầu kỹ thuật” của Bộ xây dựng thì tỉ lệ nhiễm mặn của nước 0,38 ‰ nằm trong giới hạn cho phép!

Việc chậm giải quyết cho khách hàng ông Phan Quang cho rằng: “Gạch chúng tôi không bị nhiễm mặn nhưng vì trách nhiệm với khách hàng chúng tôi cũng đang tính hướng hỗ trợ chị Lan. Giờ chị Lan đồng ý tôi sẵn sàng trả toàn bộ chi phí đi lại và chi phí kiểm tra mẫu gạch và nước mà chị ấy đã sử dụng để xây nhà cho khách quan nhất. Chứ trước đó chị ấy độc lập đi kiểm tra kết quả như vậy không khách quan”. 

Nói thì vậy nhưng trong văn bản số 19/2014/GĐ-CV đã nêu ở trên thì Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa lại lấy chính kết quả kiểm tra của chị Lan để làm dẫn chứng trả lời khách hàng.

Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa nơi đã cung cấp gạch xây dựng cho nhà chị Lan bị tố nhiễm mặn nhưng đến nay đã hơn 1 tháng xảy ra sự viêc lãnh đạo nhà máy này vẫn chưa có phương án giải quyết cho khách hàng
Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa nơi đã cung cấp gạch xây dựng cho nhà chị Lan bị tố nhiễm mặn nhưng đến nay đã hơn 1 tháng xảy ra sự viêc lãnh đạo nhà máy này vẫn chưa có phương án giải quyết cho khách hàng

Câu chuyện của gia đình chị Lan đến giờ không còn là việc phải dừng thi công hơn 1 tháng với nhiều thiệt hại vật chất khá lớn nữa. Mà ở đây là câu chuyện làm ăn tắc trách của Công ty Cổ phần gạch ngói Xuân Hòa, thiếu trách nhiệm với khách hàng gây bức xúc và lo lắng trong dư luận.

Việc ấy, đối với công ty, chỉ có hại mà không có lợi gì.

Xuân Hòa