Nhật Bản âm thầm phát triển lực lượng canh gác bờ biển

11/10/2012 15:58
Theo Infonet
Trong những năm qua, Nhật đã âm thầm củng cố và mở rộng Lực lượng canh gác bờ biển trong bối cảnh các cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển giữa nước này với Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng căng thẳng.
Vẫn thường được nghĩ đến như một lực lượng gồm các thủy thủ chuyên cứu người gặp nạn trên biển, trong những tháng vừa qua Lực lượng canh gác Nhật Bản (JCG) đã trở thành một cánh tay chính của các lực lượng vũ trang và là lực lượng tiên phong trong cuộc đối đầu trên biển với tàu của Trung Quốc và Đài Loan.

May mắn là những cuộc đối đầu vừa qua chỉ là bằng vòi rồng chứ không phải pháo thật. Nhưng ngay cả khi tình hình mới chỉ ở mức đó thì JCG vẫn đang chịu sức ép lớn với khoảng 12.000 thủy thủ và khoảng 400 tàu đủ loại kích cỡ phải thực hiện đủ loại nhiệm vụ khác nhau từ các tàu cung cấp phao cho đến những con tàu tuần tra lớn có vũ trang.

Trong những năm vừa qua, Nhật Bản đã âm thầm mở rộng Lực lượng canh gác bờ biển của mình.
Trong những năm vừa qua, Nhật Bản đã âm thầm mở rộng Lực lượng canh gác bờ biển của mình.

Theo trang Realclearworld, trong nhiều năm qua, Tokyo đã âm thầm thúc đẩy Lực lượng canh gác bờ biển, vừa bằng cách bổ sung thêm các tàu lớn hơn và mới hơn, vừa bằng cách mở rộng các nhiệm vụ hành động và nới lỏng các qui định về nội dung công việc của JCG.

Mùa hè năm nay, quốc hội Nhật đã thông qua một luật cho phép lực lượng này bắt giữ những người vi phạm pháp luật chứ không nhờ vào lực lượng cảnh sát thông thường nữa.

JCG có một số nhóm thực hiện các nhiệm vụ bán quân sự khác như đội đặc nhiệm chống khủng bố và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải Nhật Bản.

Sự ra đời của JCG cũng là một cách thuận tiện giúp Tokyo có thể “lách” được các qui định của Hiến pháp Nhật Bản cấm duy trì một lực lượng có vũ trang.

Trên thực tế, Hiến pháp của Nhật chưa hề ngăn cản nước này xây dựng một lực lượng quân đội mạnh mẽ, được biết đến với tên khác là Các lực lượng phòng vệ, tuy nhiên xây dựng lực lượng vũ trang cho Nhật Bản là vấn đề chính trị nhạy cảm cả ở trong và ngoài nước này.

Lực lượng Canh gác bờ biển chịu sự quản lý của Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch, chứ không chịu sự quản lý của Bộ quốc phòng.

Do đó, Nhật Bản có thể tăng ngân sách dành cho JCG mà không phá lệ “bất thành văn” của nước này là chi tiêu cho quốc phòng không được quá 1% GDP. Trong khi ngân sách cho quốc phòng trong những năm vừa qua giảm sút thì ngân sách dành cho JCG lại tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua.

“Trong khi JCG còn phải mất nhiều thời gian nữa mới trở thành một nhánh của quân đội và được trang bị hiện đại đầy đủ thì quá trình chuyển biến này là bước phát triển lớn nhất và ít bị chú ý nhất của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh lạnh”, chuyên gia Richard J. Samuels thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế của Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ, nhận xét.

Các chỉ huy của JCG tự do sử dụng vũ khí hơn Hải quân Nhật Bản. Trên thực tế, JCG đã tham gia vào một cuộc giao tranh trên biển duy nhất của Nhật Bản kể từ sau chiến tranh thế giới II. Cuộc giao tranh đó diễn ra vào tháng 12 năm 2001 ở gần đảo Kyushu giữa một số tàu Nhật Bản và một tàu bị nghi là tàu “gián điệp” của Triều Tiên.

Tàu canh gác bờ biển Nhật Bản trong cuộc đấu vòi rồng với tàu Đài Loan hôm 25/9.
Tàu canh gác bờ biển Nhật Bản trong cuộc đấu vòi rồng với tàu Đài Loan hôm 25/9.

Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản đã bắn cảnh cáo và sau đó bắn thẳng vào con tàu này. Tàu Triều Tiên bắn trả bằng súng trường tự động, làm một số thủy thủ bị thương.

Tuy nhiên, mặc dù được trang bị pháo chống máy bay ZPU, tàu Triều Tiên không sử dụng để bắn trả tàu Nhật. Cuối cùng, các thủ thủy Triều Tiên đã làm đắm con tàu của mình và 10 thủy thủ chìm xuống biển cùng con tàu.

Trong khi đó, bên cạnh việc củng cố sức mạnh hải quân truyền thống, Trung Quốc đang thúc đẩy hạm đội lớn các tàu nghiên cứu đại dương và tàu ngư giám có vũ trang.

Một số tàu đã được triển khai đến Biển Đông để khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này cũng như khẳng định các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Hoa Đông.

Những con tàu này của Trung Quốc có trang bị súng máy nhưng có thể không “địch lại” được các tàu tuần tra của Nhật Bản với kích thước lớn hơn và có trang bị pháo loại 20mm và 40mm nếu hai bên leo thang căng thẳng dẫn đến giao tranh quân sự.

Tuy nhiên, bất kể có vũ trang, các tàu canh gác Nhật Bản vẫn không phải là tàu chiến. Các tàu này thiếu vũ khí, khí tài và các bộ phận cảm biến cần thiết cho các cuộc chiến hải quân hiện đại.

Các tàu này không có ngư lôi, không có tên lửa hành trình chống tàu cũng như các thiết bị phát hiện tàu ngầm và chống tàu ngầm. Sẽ không một con tàu canh gác bờ biển nào của Nhật có thể “trụ”quá 10 phút nếu chiến đấu với một con tàu khu trục hiện đại của Trung Quốc.

Điều may mắn là đến nay tình hình vẫn chưa đi xa đến vậy. Mối lo ngại chính trong cuộc tranh chấp Senkaku là các tàu Trung Quốc hoặc Đài Loan, hoặc cả hai, sẽ dùng biện pháp “lấy thịt đè người”, tức là đổ bộ vào vùng biển quanh Senkaku chỉ đơn thuần với số lượng rất lớn khiến Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản không thể xoay xở kịp.

Điều đó đã xảy ra vào hôm 24/9 vừa qua khi 40 tàu đánh cá và 12 tàu hải giám Đài Loan tiến vào vùng biển này.

Cho đến nay, việc Nhật Bản phát triển Lực lượng canh gác bờ biển của Nhật Bản vẫn chưa khiến các nước láng giềng Đông Bắc Á khó chịu và điều đó có lẽ sẽ tốt do JCG có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà nếu lực lượng Hải quân Nhật Bản thực hiện thì sẽ bị coi là hành động khiêu khích nguy hiểm.

Theo Infonet