Nhật Bản muốn hợp tác quân sự với cả Thổ Nhĩ Kỳ, cạnh tranh Trung Quốc

13/11/2013 09:04
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán hợp tác công nghệ quốc phòng, trong đó có phát  triển động cơ xe tăng, có ý định xuất khẩu cho nước thứ ba.
Xe tăng tiên tiến nhất Project 10 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo
Xe tăng tiên tiến nhất Project 10 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo

Hợp tác phát triển động cơ xe tăng

Hãng Kyodo, Nhật Bản đưa tin, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 12 tiết lộ, chính phủ hai nước Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đang bàn thảo triển khai hợp tác công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng, trong phương án cụ thể có nghiên cứu phát triển động cơ xe tăng.

Theo bài báo, hai bên đang triển khai đàm phán, muốn sau khi xác định lĩnh vực hợp tác cụ thể trong tương lai, sẽ ký kết hiệp định liên chính phủ về việc hạn chế tiến hành chuyển nhượng công nghệ cho nước thứ ba.

Tại một cuộc họp báo ngày 12 tháng 11 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, phía Thổ Nhĩ Kỳ trước đó dã đề xuất triển khai các phương án hợp tác kỹ thuật, nhấn mạnh, muốn sử dụng hình thức quan trọng để kết nối Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ là quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản còn cho biết, Công nghiệp nặng Mitsubishi sẽ thành lập công ty mới liên doanh với công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nghiên cứu phát triển và sản xuất động cơ xe chiến đấu, hiện hai bên đang tiến hành thảo luận về hợp tác có liên quan.

Nhật Bản sẽ tham gia nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu F-35 với Mỹ
Nhật Bản sẽ tham gia nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu F-35 với Mỹ

Theo bài báo, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng tiến hành hợp tác kỹ thuật với Nhật Bản, trong khi đó Chính phủ Nhật Bản cũng có ý định tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 5 năm nay, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Thổ Nhĩ Kỳ, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra ý định hợp tác có liên quan.

Tháng 10, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục thăm Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đạt được nhất trí về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và bảo đảm an ninh, thành lập công ty liên doanh lần này cũng là một phần của hợp tác đó.

Bài báo cho biết, trước đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có ý định nhập khẩu hệ thống phòng không như tên lửa đánh chặn của Trung Quốc, mục đích động thái này của Nhật Bản chính là để kiềm chế Trung Quốc.

Vào năm 2011, theo phát biểu của Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng mạnh “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, cho phép triển khai cùng nghiên cứu phát triển với nước khác trong tình hình cam kết trước là không chuyển nhượng công nghệ cho nước thứ ba.

Tháng 7 năm 2013, Nhật Bản và Anh đã ký hiệp định cùng nghiên cứu phát triển trang bị quốc phòng và ngăn chặn công nghệ "chảy ra nước ngoài", đang triển khai hợp tác quốc tế có liên quan.

Ngày 29 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân.
Ngày 29 tháng 10 năm 2013, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân.

Cũng về vấn đề này, tờ "Nhật báo Trung Quốc" ngày 12 tháng 11 cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch cùng Thổ Nhĩ Kỳ phát triển động cơ xe chiến đấu để mở rộng hợp tác quân sự-an ninh giữa hai nước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã xác nhận thông tin này và cho biết, Thổ Nhĩ kỳ mong muốn triển khai hợp tác kỹ thuật với Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cũng hy vọng xe chiến đấu do hai nước cùng phát triển cuối cùng “có thể xuất khẩu cho nước thứ ba” để mở rộng quy mô phát triển của ngành công nghiệp quân sự Nhật Bản.

Từ khi ông Shinzo Abe lên cầm quyền vào cuối năm 2012 đến nay, quan hệ giữa Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng mật thiết. Ông Shinzo Abe đã 2 lần thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng chưa đến nửa năm, hai bên không chỉ tăng cường hợp tác kinh tế như điện hạt nhân, mà còn đạt nhất trí về đi sâu hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh.

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ dừng đàm phán mua tên lửa Trung Quốc?

Trước đó, Tân Hoa xã ngày 28 tháng 10 cho rằng, trong vòng chưa đầy nửa năm, Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành 2 chuyến thăm đến Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm vào tháng 10 năm 2013 mặc dù được ông Shinzo Abe nhấn mạnh là để tham dự lễ khai thông đường hầm đáy biểu Á-Âu (Nhật Bản đã đầu tư trên 1,45 tỷ USD), nhưng truyền thông TQ cố ý tuyên truyền cho rằng, ông đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất có 2 mục đích:

Thúc đẩy Thỗ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho doanh nghiệp Nhật Bản tham gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ, và thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không nên mua hệ thống tên lửa của Trung Quốc.

Tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Lễ khai thông đường hầm đáy eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Lễ khai thông đường hầm đáy eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ

Mạng Tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 4 tháng 11 cũng cho biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản đã ký thỏa thuận khung về nhà máy điện hạt nhân Sinop của Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác giữa hai nước. Đây là bước đi cuối cùng trước khi ký kết hợp tác thương mại.

Nhà máy điện hạt nhân Sinop nằm ở bờ biển Đen, sẽ xây dựng 4 lò phản ứng PWR Project Atmeal. Atmeal là sản phẩm của liên doanh giữa Areva Pháp và Mitsubishi Nhật Bản.

Tham gia dự án này còn có một số công ty khác của Nhật Bản và Pháp. Dự kiến đến năm 2017 sẽ khởi công xây dựng, năm 2023 sẽ phát điện và hòa lưới điện. Công ty điện lực EUAS của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, có ý định giữ 25% cổ phần nhà máy điện.

Thỏa thuận khung đã xác định phạm vi hợp tác giữa hai nước và các cơ quan, tổ chức. Một khi thỏa thuận được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn, sẽ có thể khởi thảo điều khoản và điều kiện hợp đồng thương mại cuối cùng. Theo quan chức cấp cao của hãng Mitsubishi, đàm phán tạm thời chưa xác định chi tiết hợp đồng tiêu thụ điện và tài chính.

Tháng 10 năm 2013, ông Shinzo Abe thử lên tàu điện ngầm ở đáy eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 10 năm 2013, ông Shinzo Abe thử lên tàu điện ngầm ở đáy eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ

Tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 29 tháng 10 cũng cho biết, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận về dự án nhà máy điện hạt nhân, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Nhật Bản chính thức giành được đơn đặt hàng dự án nhà máy điện hạt nhân sau khi xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản.

Theo truyền thông Nhật Bản, trong các nước Trung Đông, Nhật Bản lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ có sự tính toán chiến lược. Một là do Thổ Nhĩ Kỳ là nước nằm trên cả châu Âu và châu Á, vị trí địa lý rất quan trọng.

Hai là Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản luôn duy trì quan hệ tốt đẹp, là "quốc gia thân Nhật" truyền thống. Ngoài ra, Nhật Bản muốn gây ảnh hưởng trong khu vực.

Được biết, gần đây, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã không còn tập trung vào đàm phán thỏa thuận tên lửa với Trung Quốc, mà chuyển sang để cho các bên tham gia đấu thầu tiếp tục tranh thầu, thời gian tranh thầu sẽ tiếp tục kéo dài. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc các phương án tranh thầu của các bên và quyết định sau.
Thổ Nhĩ Kỳ dừng tập trung vào đàm phán mua tên lửa với Trung Quốc, tiếp tục để các bên tranh thầu.
Thổ Nhĩ Kỳ dừng tập trung vào đàm phán mua tên lửa với Trung Quốc, tiếp tục để các bên tranh thầu.
Đông Bình