Nhật Bản nghiên cứu tiêm kích F-3, chuyên gia TQ được dịp bàn tán

28/10/2012 08:13
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Mặc dù Trung Quốc đã có J-20, nhưng tướng Trung Quốc lại phán Nhật Bản phát triển máy bay thế hệ mới là có xu hướng “hữu khuynh” nguy hiểm.
Mô hình thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình cơ động cao ATD-X Shinshin Nhật Bản
Mô hình thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình cơ động cao ATD-X Shinshin Nhật Bản

Tân Hoa xã vừa đăng bài viết của tướng Trần Hổ, một chuyên gia quân sự Trung Quốc thường xuyên xuất hiện trên báo chí trong nước. Ông đã bàn về một số vấn đề xung quanh việc Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3. Sau đây là nội dung bài viết:

Ngày 22/10, mạng tuần san công nghệ không gian và hàng không của Mỹ tiết lộ, Nhật Bản dự định khởi động kế hoạch nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu F-3 vào năm 2016-2017.

Nguyên văn là “nếu chương trình của Không quân Mỹ trở thành hiện thực, thì đến thời khắc nào đó trước và sau năm 2030, một loại máy bay chiến đấu tiên tiến hơn F-22 Raptor và F-35 của Công ty Lockheed Martin sẽ gia nhập Quân đội Mỹ. Nếu chương trình của Nhật Bản thành hiện thực, thì hầu như đồng thời, một loại máy bay chiến đấu tiên tiến tương tự sẽ được đưa vào biên chế ở bờ bên kia Thái Bình Dương”.

Đây chính là chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3 sắp được khởi động của Nhật Bản.

Máy bay chiến đấu F-3 là một máy bay chiến đấu như thế nào? Đối tượng tác chiến của nó là những nước nào? Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới, rốt cuộc nhằm vào đâu?

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ATD-X Shinshin đang được hãng Mitsubishi Nhật Bản chế tạo
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ATD-X Shinshin đang được hãng Mitsubishi Nhật Bản chế tạo

Trước hết,Trần Hổ cho rằng phải xem máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3 của Nhật Bản rốt cuộc là một loại máy bay chiến đấu như thế nào. Một tập san công nghệ chuyên nghiệp của Mỹ đã đưa ra đánh giá cơ bản về loại máy bay này, cho rằng nó tiên tiến hơn so với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ, có thể đạt được trình độ tương đương với máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đang được Mỹ nghiên cứu phát triển.

Tập san này đã cung cấp một tài liệu chính thống do Nhật Bản công bố, tài liệu này cho biết công ty công nghiệp nặng của Nhật Bản sẽ phát triển một loại máy bay thử nghiệm công nghệ có động cơ kiểu mới. Một chỉ tiêu công nghệ lõi của máy bay thử nghiệm công nghệ này là lực đẩy của nó, lớn hơn 50% so với F414 của Mỹ.

Động cơ F414 của Mỹ là một loại động cơ quân dụng tiên tiến có lực đẩy trung bình trang bị cho máy bay chiến đấu Super Hornet.

Nếu lực đẩy được nghiên cứu phát triển mới này của Nhật Bản lớn hơn 50% so với F414, thì khi trang bị 2 động cơ này cho máy bay chiến đấu thế hệ mới của Nhật Bản, tính năng của máy bay chiến đấu này sẽ vượt toàn diện máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba hiện có, đạt máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, thậm chí ở mức cao hơn.

Bài viết còn nói đến kế hoạch nghiên cứu phát triển của loại máy bay chiến đấu này, “việc nghiên cứu chế tạo máy bay thử nghiệm có đầy đủ kích thước sẽ bắt đầu từ năm 2016 hoặc 2017, còn máy bay mẫu đầu tiên sẽ bay lên bầu trời vào năm 2024 hoặc 2025, việc sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu từ năm 2027”.

Phương án F-3 của Nhật Bản tương tự YF-23 của Mỹ
Phương án F-3 của Nhật Bản tương tự YF-23 của Mỹ

Ngoài động cơ máy bay tiên tiến là mô-đun và công nghệ lõi, bài viết còn cho biết “ở máy bay chiến đấu mới, Nhật Bản sẽ còn trang bị các công nghệ tiên tiến như cấy ăng-ten vào vỏ máy bay, tiến tới kiểm soát phản xạ tín hiệu radar của máy bay”.

Bài cho rằng “lấy lý do nước láng giềng phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xin cấp 1,6 tỷ yên Nhật trong các năm tài khóa 2013-2016”.

Những thông tin về việc Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới liên tục được báo chí đưa tin trong 2 năm trở lại đây.

Gần đây, Nhật Bản có một kế hoạch nghiên cứu máy bay chiến đấu tiên tiến gọi là Shinshin. Hai năm trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn tiết lộ chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến gọi là “I-3”.

Hiện nay, từ bài viết của “Tuần san Công nghệ Hàng không và Không gian” Mỹ có thể thấy, Nhật Bản còn có chương trình nghiên cứu máy bay chiến đấu tiên tiến hơn. Tính năng tổng thể của máy bay chiến đấu này thậm chí vượt máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện có của Mỹ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản luôn sử dụng máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo, trong đó có máy bay chiến đấu F-15.

Mỹ cũng từng đưa ra vấn đề bán máy bay chiến đấu F-35 cho Nhật Bản. Nhưng trong một thời gian dài, Nhật Bản luôn quan tâm tới máy bay chiến đấu tiên tiến hơn là F-22.

Trong tương lai, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 Mỹ sẽ thua F-3 của Nhật Bản?
Trong tương lai, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 Mỹ sẽ thua F-3 của Nhật Bản?

Hiện nay, một loạt chương trình nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến hơn của Nhật Bản dần dần hé lộ, như vậy Nhật Bản nghiên cứu những máy bay chiến đấu tiên tiến như vậy có nghĩa gì? Máy bay chiến đấu mới của Nhật Bản nhằm vào đâu?

Nhìn vào những thông tin công khai từ truyền thông Nhật Bản, tất cả các chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kiểu mới của Nhật Bản hầu như đều là nhằm “ứng phó” với sự phát triển một số công nghệ vũ khí trang bị của các nước xung quanh và các nước láng giềng.

Nhưng, trên thực tế, Nhật Bản có đủ các kênh để thực sự có được những máy bay chiến đấu cần thiết; trong khi đó, Mỹ, nước cung cấp máy bay chiến đấu chủ yếu của Nhật Bản, cũng hoàn toàn không muốn Nhật Bản tự nghiên cứu phát triển ra máy bay chiến đấu tiên tiến hơn.

Một mặt là Mỹ sẽ mất đi thị trường Nhật Bản, mặt khác, sự kiểm soát của Mỹ đối với Nhật Bản sẽ giảm đi. Nhìn từ góc độ này, bề ngoài là “nói chuyện” với các nước láng giềng, trên thực tế Nhật Bản có tham vọng dài, xa và lớn hơn.

Mục tiêu chiến lược quốc gia lâu dài của Nhật Bản đã được công khai từ sớm. Theo cách nói của người Nhật Bản, thì Nhật Bản muốn trở thành một “nước lớn bình thường”. Theo cách hiểu của rất nhiều người Nhật Bản, muốn trở thành một nước lớn bình thường, thì những vấn đề như sức mạnh quân sự và sử dụng sức mạnh quân sự phải tương xứng với mục tiêu và vị thế.

Trong khi đó, nội dung công nghệ đứng đầu trong công nghệ quân sự chính là công nghệ hàng không tiên tiến, nó có ý nghĩa mang tính tiêu chí đối với việc thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia lâu dài của Nhật Bản.

Mô hình máy bay chiến đấu F-3 Nhật Bản
Mô hình máy bay chiến đấu F-3 Nhật Bản

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là một nước chế tạo công nghiệp hàng không tiên tiến. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã mất đi khả năng này. Ở một ý nghĩa nào đó, khả năng này của Nhật Bản bị Mỹ loại bỏ, hiện nay Nhật Bản lại tìm cách khôi phục lại khả năng này.

Trên thực tế, Nhật Bản nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tiên tiến như vậy, có lẽ mục tiêu tuyệt đối sẽ không chỉ nhằm ứng phó với sự phát triển công nghệ vũ khí trang bị của một số nước láng giềng. Nhật Bản còn giấu giếm mục tiêu lớn hơn, đó chính là “trở thành một nước lớn bình thường”.

Trở ngại của mục tiêu này là, bề ngoài, nhiều hơn là Mỹ. Ở góc độ này, máy bay chiến đấu thế hệ mới F-3 của Nhật Bản không chỉ phải đối mặt với máy bay chiến đấu kiểu mới do các nước láng giềng nghiên cứu chế tạo như máy bay T-50 của Nga, J-20 của Trung Quốc, mà còn phải phân cao thấp với máy bay chiến đấu F-22 và F-35 cùng máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Mỹ.

Trong một khoảng thời gian dài gần đây, xung quanh tranh chấp đảo giữa Nhật Bản với các nước láng giềng, trong nội bộ Nhật Bản đã xuất hiện những tiếng nói hoặc xu hướng, đó chính là xu hướng “hữu khuynh” ở Nhật Bản trong tương lai.

“Hữu khuynh” là một nội dung toàn diện, còn việc nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị chỉ là một mặt bé nhỏ, nhưng ở mức độ nào đó, đã ẩn chứa xu hướng “hữu khuynh” mạnh ở Nhật Bản.

Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 của Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 của Nga
Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới để ứng phó với máy bay chiến đấu tàng hình T-50 của Nga (hình trên), máy bay chiến đấu tàng hình J-20 (hình dưới) của Trung Quốc và máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 của Mỹ?
Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới để ứng phó với máy bay chiến đấu tàng hình T-50 của Nga (hình trên), máy bay chiến đấu tàng hình J-20 (hình dưới) của Trung Quốc và máy bay chiến đấu tàng hình F-22, F-35 của Mỹ?
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)