Nhiều doanh nghiệp vẫn tìm cách trốn bảo hiểm của người lao động

15/10/2019 09:00
Vũ Phương
(GDVN) - Ý thức thượng tôn pháp luật của không ít doanh nghiệp rất yếu kém, thực hiện nhiều chiêu trò để trốn, né đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Liên tiếp những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội điển hình bị bêu tên, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị khởi tố, nhưng vấn đề nợ, trốn bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn biến phức tạp.

Rõ ràng vấn đề trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt với doanh nghiệp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh, thượng tôn của pháp luật.

Nhiều giải pháp được ngành bảo hiểm đưa tra trước tình trạng trên, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được xử lý kịp thời và có tính răn đe để chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Đáng nói, nhiều doanh nghiệp trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khác.

Ý thức thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp đâu đó còn kém, còn tình trạng người sử dụng lao động và người lao động theo kiểu thoả thuận nhằm trốn, né đóng bảo hiểm xã hội hoặc đóng không đúng mức quy định.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế, chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Điều đó dẫn đến sự im lặng hoặc đồng thuận với chủ doanh nghiệp để trốn đống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Thanh tra Bảo hiểm xã hội cho hay, không ít doanh nghiệp có nhiều chiêu trò đối phó trốn, nợ Bảo hiểm xã hội.
Thanh tra Bảo hiểm xã hội cho hay, không ít doanh nghiệp có nhiều chiêu trò đối phó trốn, nợ Bảo hiểm xã hội. 

Theo con số mới đưa ra của Bảo hiểm xã hội Thành phố Thành phố Hà Nội, chỉ trong tháng 10/2019, bảo hiểm xã hội Thành phố công khai, bêu tên đích danh 500 doanh nghiệp điển hình nợ bảo hiểm xã hội lớn tính đến hết tháng 9.

Những doanh nghiệp này đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của 13.660 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ bảo hiểm xã hội phải tính lãi trên địa bàn thành phố là 1.989,4 tỉ đồng.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội Thành phố cũng chỉ rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, trong đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn; số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng.

Trong danh sách này, với số tiền nợ 18 tháng là hơn 21 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment (Mê Linh) là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất.

Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Hà Đông) nợ 19 tháng với số tiền 16,4 tỷ đồng...

Công nhân một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh khốn đốn vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: NLĐ.
Công nhân một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh khốn đốn vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: NLĐ. 

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, vào giữa tháng 8/2019, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có công văn gửi Công an thành phố danh sách hơn 20 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Ước tính tổng số tiền các doanh nghiệp này nợ bảo hiểm xã hội gần 50 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm liền làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm công nhân, người lao động.

Cụ thể Công ty cổ phần Vĩnh Cửu tính đến tháng 6/2019 nợ hơn 6,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Tiên nợ hơn 4,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nợ hơn 1,6 tỷ đồng.

Để ngăn chặn tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) có điểm mới liên quan đến việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với mức phạt tù có thể lên tới 7 năm, tiền phạt có thể lên tới 1 tỉ đồng.

Tập trung cao độ công sức, nguồn lực để hoàn thành công tác thu bảo hiểm xã hội
Tập trung cao độ công sức, nguồn lực để hoàn thành công tác thu bảo hiểm xã hội

Luật bảo hiểm xã hội trao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính cho cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ðồng thời, giao chức năng khởi kiện cho tổ chức công đoàn, bởi đây là đại diện hợp pháp của người lao động.

Bộ luật Tố tụng dân sự cũng có quy định về việc Tòa án thụ lý giải quyết những tranh chấp liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bộ luật Hình sự 2015 bổ sung 3 tội danh liên quan, bao gồm: Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Ðiều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Ðiều 215); tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Ðiều 216).

Trước trình trạng doanh nghiệp gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết: “Nhận thức của nhiều doanh nghiệp về trách nhiệm và quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài nhà nước.

Các chủ doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hoặc chỉ đóng cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, để thu lợi nhiều hơn về túi của mình còn quyền lợi của người lao động thì không quan tâm. Còn có tình trạng nhiều đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều lao động, dẫn đến người lao động khiếu nại, tố cáo, thậm  chí có nơi còn đình công ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, không ít trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (đã trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà sử dụng vào mục đích khác của doanh nghiệp)”.

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Thời gian qua, bảo hiểm xã hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận vẫn gia tăng. 

Vũ Phương