Những ký ức kinh hoàng của truyền nhân nghề săn cá mập

29/03/2012 13:23
Theo Xuân Tuyết/Bee.net.vn
Câu cá mập thắng lớn, nhưng không ít người bỏ mạng do gặp bão tố, bị cá mập cuốn phăng xuống biển.
Những đội câu cá mập ít ỏi trên địa bàn Quảng Ngãi còn sót lại với nghề, vẫn cố gắng bám trụ, sinh tử với nghề độc đáo này.

Gian nan vượt biển

Vừa trở về sau chuyến đi biển dài ngày, kình ngư Đỗ Tùng (59 tuổi, Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg – 55746 rít vội điếu thuốc, bước bàn chân chai sạn trên rạn cát ven biển. Chuyến này, ông Tùng tiếp tục bội thu cá mập. Nhưng đổi lại, cả con tàu QNg- 55746 phải ròng rả hơn tháng trời vượt biển, tìm hang ổ cá mập.

“Cá mập giờ khan hiếm dần, thường trú ngụ ở vùng biển khơi. Không như những năm trước, chỉ cần bủa mồi cách vài chục hải lý đất liền là có thể tóm gọn. Xa khơi, đời ngư phủ mong manh hơn”, ông Tùng bùi ngùi.

Không phải ngẫu nhiên mà các đội câu cá mập trên làng chài Bình Thạnh ngày một ít dần. Ông Thạnh bảo: Nhiều anh em ngư dân thấy bám trụ với nghề khó, khổ nên bỏ nghề. Chúng tôi còn câu cá mập nhưng kết hợp với các nghề câu khác để tăng thu nhập.

Ở tuổi thất thập cổ lai hi, lão ngư Cao Chảng (78 tuổi, Nghĩa An, Tư Nghĩa) – vị “cao thủ” già còn sót lại của nghề săn cá mập trong làng - kể: Hồi đó chỉ cách Lý Sơn vài hải lý, cá mập đã lởn vởn trong các rạn san hô, đủ loại to nhỏ khác nhau. Mỗi thuyền câu có 3-4 ngư dân. Người thả lưới, người chèo thuyền, dùng dây thả xuống đo mực nước cạn sâu để đoán luồng lạch của cá mập...

Lão Chảng chẳng nhớ nổi nghề câu cá mập có từ thủa nào, chỉ biết đời cha ông của ông đã có cái nghề này. Cứ thế, lão Chảng nối nghiệp rồi truyền lại cho con cháu. Lão tự hào vì có đến 3 con trai cùng kế nghiệp. Những năm 1970-1980, mỗi dây câu bằng sợi cước to có 350 lưỡi, dùng các loại mồi như cá lục, cá ngừ, cá hồi, đặc biệt là các loại mồi tanh sẽ dễ nhử loài cá mập…

Phương tiện của lão Chảng chỉ là chiếc thuyền buồm lợi dụng hướng gió hoặc chèo tay. Không có la bàn, máy định vị, tầm ngư hay các loại Icom hiện đại, các chuyến săn cá mập biển đều dựa vào kinh nghiệm.

Lão Chảng nhớ lại: Kinh nghiệm của lão cho thấy, loài cá biển hung dữ này lại rất thích cắn câu vào thời điểm từ rạng sáng trở đi. Có lúc nhảy bổ cả về phía những ngư dân trên thuyền. “Phải mất 1 ngày đêm mới chèo gần 30 hải lý tới đảo Lý Sơn, mọi người nghỉ ngơi rồi tối hôm sau mới bắt đầu câu cá mập”,  Lão nhớ lại.

Khó khăn, khắc nghiệt và đầy nguy hiểm nhưng phong trào câu cá mập ngày ấy sôi động, có đến vài chục thuyền nhỏ giong thuyền mỗi đêm trên biển. Lão Chảng bảo: bây giờ cá làng nghề câu mực chỉ còn sót lại vài thuyền câu với độ 5-7 tay câu giỏi. Còn lại họ bỏ hết, đi theo nghiệp khác. Theo các lão ngư, câu cá mập đòi hỏi sự sắc sảo, óc quan sát, phán đoán tốt, sự nhanh nhẹn dứt khoát trong từng đường cầu nên nhiều ngư phủ trẻ khó có thể nối nghiệp.

Kình ngư Lê Muội (44 tuổi, Nghĩa An), chủ tàu QNg -97319TS bộc bạch: Mỗi chuyến vượt biển săn cá mập của các ngư dân là cả hành trình đầy thử thách. Có khi mải mê săn cá mập, nhiều đội tàu vô tình lạc sang vùng biển nước ngoài, bị bắt bớ, nộp phạt. Nhưng sợ nhất là chuyện bỏ mạng do thiên tai, bão tố.

“So với các nghề khác, nghề câu phải đi xa, lặn lội đến vùng biển vắng để thả câu không đụng vào lưới cản, trang bị đánh bắt của tàu thuyền khác. Do đó khi xảy ra sự cố khó có người ứng cứu kịp thời”, ông Muội tâm sự.

“Biển bạc!”

Liên tiếp trong những tháng vừa qua, ngư dân Bình Sơn, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) trúng đậm mùa cá mập biển. Ở xứ biển Quảng Ngãi, hai làng chài này nổi tiếng với nghề săn cá mập “gia truyền”. Ông Đỗ Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho hay: nghề câu cá mập khá phổ biến với ngư dân trên địa bàn. Là một trong những nghề câu truyền thống của ngư dân, tạo sự phong phú, đa dạng cho các mặt hàng hải sản. Giá thu mua cá mập khá cao trong thời gian gần đây, khiến ngư dân thu lợi tốt.

Tuy nhiên, ông Tây cho hay: Biển cho tôm cá, “cọp biển” nhưng bao năm nay đã lấy đi máu, nước mắt của nhiều ngư phủ. Đến nay có khoảng gần chục ngư dân trên địa bàn hành nghề câu cá mập gặp nạn, bỏ mạng hoặc bị thương tật. Điển hình, trường hợp ông Lê Tám, trong chuyến ra khơi đầu năm 2003 bị tử vong trong lúc câu cá mập.

Truyền nhân còn lại của nghề "săn cọp biển", Tin tức trong ngày, san ca map, ca map, cau ca map, ngu dan, thuyen, bien, song, kinh ngu, tau bien, lang chai, di bien, cop bien, tin tuc

Những đội câu cá mập còn lại ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi

Hơn 25 năm trôi qua, nhưng lão ngư Cao Quốc (70 tuổi, Nghĩa An) vẫn nhớ như in cái lần suýt rơi vào hàm răng cá mập. Chuyến đi biển năm 1985 trong lúc đang mải mê kéo dây bắt cá mập, bất ngờ chiếc dây câu căng phừng bởi con cá mập quẫy đạp và phóng ngược hướng thuyền. Ông Quốc bị dây câu vướng vào chân rồi kéo xuống biển. Giữa giọng nước đen ngàu, mặn chát may mắn thế nào chiếc dây câu dãn ra giúp ông vung chân lao lên mặt nước để nhờ ứng cứu. “Sau cái ngày cận kề cái chết đó, tôi bị ám ảnh và bỏ hẳn luôn nghề câu cá mập từ đó”, ông Quốc nói.

Kình ngư Cao Tận (Nghĩa An) nhớ lần lạc giữa tâm bão Chan Chu năm 2006, vùng bão cấp 12 tại tọa độ 23 độ vĩ Bắc, 117 độ kinh Đông. Con tàu nhỏ bị sóng đánh dập, gãy chân vịt, phá máy, ông Tận ra một quyết định đã góp phần cứu sống tám ngư dân: Bỏ tàu.

Giữa màn biển đen đặc, nổi sóng dữ, ông Tận cùng các thuyền viên trên đảo phải phóng mình xuống màn biển đêm đen đặc, nối sóng dữ nhìn con tàu chìm nghỉm. May mắn một chiếc tàu của ngư dân địa phương kịp thời phát hiện và cứu các thuyền viên an toàn.

“Với ngư phủ, nghề nào cũng đầy bất trắc. Chuyện những ngư dân bị dính lưỡi câu rách toác chân tay, bị cá mập vùng vẫy, đè lên người gây thương tích là điều không hiếm gặp. Anh em chỉ biết khuyên bảo nhau cẩn trọng, còn có những cái hệ sui thì khó lòng đoán trước”, ông Tận nói.
Theo Xuân Tuyết/Bee.net.vn