Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Những phân tích rất mới về vụ tố chồng, con đánh gãy cổ

26/09/2012 07:17
Thu Hòe (Thực hiện)
(GDVN) - “Tổn thương về thể xác của bà Lê Thị Liên có thể lành nhờ thuốc và thời gian nhưng những sang chấn tâm lí, tổn thương về tình cảm, tinh thần sẽ mãi là những chấn động, đau đớn âm ỉ và ám ảnh theo người phụ nữ này đến suốt cuộc đời…” 
Sự việc bà Lê Thị Liên tố bị chồng và con trai khóa trái cửa đánh đập phải nhập viện điều trị tiếp tục khiến dư luận xã hội quan tâm và phẫn nộ. PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lí An Việt Sơn về vấn đề này.PV: Thưa ông! Sự việc cụ ông Ngô Vi Nhân (87 tuổi) bị con cái mang để nằm nơi vỉa hè phơi nắng, phơi mưa hơn 10 tiếng đồng hồ chưa kịp lắng xuống lại đến sự việc đau lòng của bà Lê Thị Liên, bị chồng và con trai đánh phải vào viện điều trị thương tích, ông có cảm xúc gì với những câu chuyện đau lòng này?Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất: Tôi thấy vô cùng bất ngờ và thảng thốt trước những câu chuyện như vậy! Nó vô đạo đức, đau lòng đến mức cả xã hội này phải bất bình, phẫn nộ và chua xót lên tiếng nguyền rủa, trì triết. Chính những chủ thể gây ra những câu chuyện máu mủ đau lòng này đang không nhận thức được giá trị của cuộc sống, giá trị đạo đức… và giá trị của ngay chính bản thân mình. Không có bất cứ một lí do nào có thể biện minh nổi cho những hành vi này…
Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lí An Việt Sơn
Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lí An Việt Sơn 

 PV: Theo ông, đây có phải là những câu chuyện hiếm gặp? Nó được nhìn nhận là một hiện tượng đơn lẻ hay đã trở thành một hiện tượng xã hội?
Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất: Với tôi, đó chỉ là những câu chuyện đơn lẻ, cá biệt và không có quá nhiều trong xã hội này. Đừng gọi đó là một hiện tượng xã hội! Nó chưa xuất hiện nhiều và báo động đến mức trở thành một hiện tượng xã hội. Và nếu có, đó chỉ là những câu chuyện hi hữu, xuất hiện trong những gia đình không có nền tảng giáo dục tốt và khoa học. Chỉ có những gia đình không giáo dục con cái đến nơi đến chốn, kém về kĩ năng, không có sự chia sẻ cảm thông… và lấy đồng tiền làm thước đo giá trị mới có những những hành vi ứng xử không đúng đắn, lệch lạc, vô đạo đức như thế. PV: Những sự việc đau lòng như vậy được nhìn nhận và lí giải như thế nào trên góc độ tâm lí, thưa ông?Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất: Nguyên nhân tâm lí sâu xa của sự việc này là chính những người trong cuộc không hiểu và nhận thức được giá trị cuộc sống là như thế nào? Con người hơn con vật ở cái gì? Trong sự việc liên quan đến bà Lê Thị Liên, trên góc độ tâm lí đơn thuần có thể dễ dàng phân tích được hành động của hai người đàn ông này. Nó xuất phát từ sự nóng giận và tổn thương đã được tích tụ từ trước đó rất lâu.
Khi chịu một tác động tâm lí nào đó, con người có thể vui sướng hoặc nóng giận. Đó là quy luật tâm lí hết sức bình thường. Khi nóng tính con người luôn ở trong một trạng thái tinh thần bất an nhất, khó và không thể kiểm soát được hành vi của bản thân nhất là đối với nam giới. Nam giới khi đã bất an thì sẽ bất cần và làm bừa. Nếu rơi vào tâm lý như trên, người đàn ông sẽ trút giận lên người phụ nữ mình không ưa một cách không thương tiếc. Đó là sự bất cần đến điên dại, tâm lí bản năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ mình, thể hiện mình. Ngay cả những trường hợp giết người cũng là do bị tổn thương và có những biểu hiện thái quá! Tuy nhiên, sau những cơn phẫn nộ, nam giới thường có xu hướng tĩnh tâm để nhìn nhận lại tất cả và hối hận. Theo tôi, có thể người đàn ông trong sự việc này đã bị một sự xúc phạm nào đó, một sức ép tâm lí nào đó quá lớn trong chính cái gia đình của mình từ trước đó rất lâu. PV: Theo ông, sau sự việc này, bà Lê Thị Liên sẽ phải đối diện, chịu đựng với những áp lực và những sang chấn tâm lí như thế nào?Nhà nghiên cứu tâm Lí Nguyễn An Chất: Tôi quan tâm nhiều đến bạo hành tinh thần hơn là bạo hành thể xác. Những đau đớn từ bạo hành thể xác còn có thể lành lại nhờ thuốc, nhờ thời gian nhưng nỗi đau từ bạo hành về tinh thần thì không bao giờ có thể chữa được. Nó làm người ta đau đớn âm ỉ,  suốt cuộc đời. Những mất mát, tổn thương này khiến con người nhụt chí khí, mất niềm tin, thất vọng tràn trề, tủi hổ, đau đớn… Vết thương trên thân thể bà Liên sẽ dần lành lại nhờ thuốc thang nhưng những đau đớn, tổn thương tinh thần, vết thương lòng trong người phụ nữ ấy sẽ mãi loét miệng đau đớn. Đó là một cú sốc, một sang chấn tâm lí quá lớn! Những chấn động này sẽ theo người phụ nữ ấy đến hết phần đời còn lại. Đó là những nỗi đau đớn đến tột cùng, nỗi đau âm ỉ và dai dẳng khi sự hi sinh cho chồng con trong suốt cuộc đời là sự vô ích.PV: Liệu rằng sau tất cả những gì đã xảy ra, mối quan hệ vợ chồng, mẹ con của gia đình bà Lê Thị Liên có thể gàn gắn được, thưa ông?Nhà nghiên cứu Nguyễn An Chất: Hàn gắn được hay không là do mỗi bản thân mỗi người. Không có một công thức chung nào. Nếu người có lỗi thực tâm hối cải và dùng sự chân thành để hàn gắn tất cả những rạn nứt thì có thể được 80%. Tuy nhiên, bát nước đổ đi không bao giờ có thể đầy lại. Sự hàn gắn chỉ là một sự miễn cưỡng chấp nhận…
Vết thương trên thân thể bà Liên sẽ dần lành lại nhờ thuốc thang nhưng những đau đớn, tổn thương tinh thần, vết thương lòng trong người phụ nữ ấy sẽ mãi loét miệng đau đớn. Đó là một cú sốc, một sang chấn tâm lí quá lớn!
Vết thương trên thân thể bà Liên sẽ dần lành lại nhờ thuốc thang nhưng những đau đớn, tổn thương tinh thần, vết thương lòng trong người phụ nữ ấy sẽ mãi loét miệng đau đớn. Đó là một cú sốc, một sang chấn tâm lí quá lớn!

PV: Gia đình là bộ phận cấu thành nên xã hội. Giáo dục gia đình là nền tảng cho giáo dục, đạo đức xã hội. Thế nhưng, quá nhiều những câu chuyện đau lòng về tình máu mủ đã xảy ra khiến dư luận phẫn nộ, lên án… Phải chăng, giáo dục gia đình đang bị xem nhẹ? Đó có phải là sự sụp đổ từng mảng trong hệ thống giáo dục nói chung không thưa ông?
Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất: 3 môi trường giáo dục của chúng ta đều đang thể hiện những điều bất ổn. Giáo dục gia đình đang hết sức lỏng lẻo. Người ta chú trọng việc dạy chữ, dạy buôn bán, dạy nghề cho con cái hơn là việc giáo dục, uốn nắn nhân cách, hành vi. Tri thức không có tâm hồn, đạo đức là những tri thức vứt đi, không đáng được tôn trọng. Rất nhiều gia đình đang lấy đồng tiền làm thước đo giá trị cho mỗi thành viên trong gia đình. Người nhiều tiền được tôn vinh. Ai nhiều tiền giá trị cao và ngược lại. Cuộc sống hiện đại đang cuốn các ông bố, bà mẹ đi xa con cái. Họ phó mặc con cái cho ô sin, gia sư, khuyến khích con cái làm những việc kiếm được thật nhiều tiền… Giáo dục gia đình trái khoáy như vậy thì làm gì tạo được sự gắn kết, đồng cảm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Tôi đã từng làm các cuộc điều tra xã hội học. Kết quả điều tra cho thấy, rất nhiều gia đình được điều tra không có sự thông cảm. Cha mẹ đối xử thiếu tôn trọng con cái. Nói ngay như việc từ chối nhu cầu, đòi hỏi của con cái cũng chối từ bằng bạo lực, sự đay nghiến, trì triết… Giáo dục nhà trường nặng về giáo dục tri thức, xem nhẹ giáo dục nhân cách con người. Xã hội đang né tránh việc dạy làm người. Sự thờ ơ, vô cảm của xã hội đang lớn quá nhanh, quá mạnh. PV: Thưa ông, điều gì là quan trọng nhất và làm nên nề nếp trong một gia đình hiện đại?Nhà nghiên cứu tâm lí Nguyễn An Chất: Nhân tố quan trọng nhất làm nên sự yên ấm trong gia đình là dạy làm người. Bất kì gia đình nào cũng cần phải coi trọng việc dạy làm người trước việc dạy chữ, dạy kiếm tiền... Nhiều chữ mà không biết yêu thương, trân trọng những người thân yêu ruột thịt của mình vẫn chỉ là một người vô văn hóa. Nhiều tiền nếu không có văn hóa cũng sẽ tiêu hết… Giáo dục tâm lí gia đình cần nên trở thành một môn học trong nhà trường, trong tất cả các cấp học. Trân trọng cảm ơn ông!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thu Hòe (Thực hiện)