Những phát biểu thẳng thắn của ông Dương Trung Quốc tại Quốc hội

19/02/2013 14:17
Nguyễn Huệ (Tổng hợp)
(GDVN) - Ông Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) có nhiều đóng góp rất riêng cho lịch sử. Những vấn đề ông lên tiếng bao giờ cũng thực sự làm nóng nghị trường với những nhận định thẳng thắn, sắc sảo và đầy trách nhiệm.

Liên quan đến bài viết của ĐBQH Hoàng Hữu Phước nói về "tứ đại ngu" của nhà sử học, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc. Ngay sau đó, sáng 18.2, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có cuộc họp với đại biểu Hoàng Hữu Phước về bài viết  này.

Tại cuộc họp, ông Phước thừa nhận bài viết trên là của mình và cách thức tranh luận trong bài viết là không phù hợp. Trước mắt, ông đã gỡ bỏ bài viết khỏi trang web của ông và sẽ phản hồi về vấn đề này, công khai trên báo chí cùng việc gửi lời xin lỗi ông Dương Trung Quốc.

Về việc này, ông Dương Trung Quốc cho biết ông chưa nhận được lời xin lỗi trực tiếp từ ông Hoàng Hữu Phước. Tuy nhiên, ông Quốc cũng cho rằng việc ông Phước xin lỗi ông qua báo là đủ rồi...

Ông Dương Trung Quốc (sinh năm 1947), quê quán xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một nhà sử học và đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa XI, XII, XIII cho đơn vị tỉnh Đồng Nai. Ông là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Ông nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn của mình trong các kỳ họp quốc hội.

ĐBQH Dương Trung Quốc
ĐBQH Dương Trung Quốc

Cùng điểm qua những phát biểu “thẳng thắn” ấy của vị đại biểu này qua các kỳ họp của QH khóa XIII.

*Phát biểu về biển Đông, bauxite

Tại kì họp thứ nhất Quốc hội (QH) khóa XIII, đại biểu QH tỉnh Đồng Nai, Dương Trung Quốc đã có bài phát biểu được xem là thẳng thắn về vấn đề biển Đông và bauxite vào ngày làm việc cuối cùng.

“Tôi cũng mong muốn báo cáo của Chính phủ bên cạnh những đánh giá chủ yếu về kinh tế, một lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là những đánh giá về các vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không chỉ là các chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập, giàu nghèo, tệ nạn, tai nạn… mà còn về lòng tin của dân”, ĐB Dương Trung Quốc cho biết.

Trong báo cáo của mình, ĐB Dương Trung Quốc cũng  đưa ra một ví dụ để làm rõ quan điểm của ông cũng là đề cập tới một vấn đề hệ trọng chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức, xét theo khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân. Đó là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm, vấn đề Biển Đông.

“Vậy mà báo cáo của Chính phủ tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của Chính phủ, nhưng rõ ràng là chưa thể hiện đúng tầm mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của QH đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt…”, ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn.

“Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết”.

Bàn về vấn đề biển Đông tại Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết vấn đề này chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức (ảnh: internet).
Bàn về vấn đề biển Đông tại Quốc hội, ông Dương Trung Quốc cho biết vấn đề này chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức (ảnh: internet).

Liên quan tới vấn đề biển Đông, ông chia sẻ thêm: “Hướng ra Biển Đông nhưng cũng phải luôn quan tâm đến đất liền, trong đó có nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta muốn giữ được chủ quyền chính trị thì cũng phải giữ được chủ quyền kinh tế”.

Ông cũng nhấn mạnh việc Chính phủ mới chỉ quan tâm tới bàn hội nghị chứ chưa quan tâm tới việc giải thích cho dân biết. “Cho dù thời đại có nhiều thay đổi, mọi so sánh có thể là khập khiễng thì cái nguyên lý “dân biết” thì “dân mới làm” và dân có điều kiện “kiểm tra” Chính phủ là chuyện của muôn đời”, ông khẳng định.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ĐB Dương Trung Quốc đề cập tới một nội dung mà đại diện đoàn Đồng Nai và đại biểu tỉnh Lâm Đồng đã đề cập nhưng chưa đủ thời gian, là việc vận chuyển bôxit liên quan đến một dự án mà QH đã thông qua mà Chính cũng cam kết chỉ khai thác bauxite nếu có hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn môi trường.

“Chúng ta đã nói về tình trạng ít hiểu biết về sử nhưng hình như chúng ta cũng ít hiểu biết về toán? Đến giữa tháng 8 này, chúng ta mới trình văn bản xem xét thì làm sao cuối năm nay chúng ta có thể thông xe một con đường như thế được? Nếu một chiếc xe 40 tấn đi ngang qua một con tàu có tải trọng 25 tấn thì có được phép đi qua không?”.

*Phát biểu về Văn hóa từ chức

Tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra hai câu hỏi chất vấn Thủ tướng: Một là, “Thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng mình đã nặng trách nhiệm với Đảng mà nhẹ trách nhiệm với dân”. Hai là, “Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi hay không?”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe câu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc tại phiên chất vấn (ảnh: Tuổi trẻ).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lắng nghe câu chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc tại phiên chất vấn (ảnh: Tuổi trẻ).

Sau khi nghe những “lời xin lỗi” của Thủ tướng trước QH, ông Dương Trung Quốc nêu cao tinh thần: “Dù sao Thủ tướng đã có lời xin lỗi trước Quốc hội, cũng là một điều đáng ghi nhận vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử”.

Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đặt vấn đề: “Thủ tướng nghĩ gì khi mình nặng trách nhiệm với Đảng, nhẹ trách nhiệm với dân”.

Ông cũng thẳng thắn chất vấn thủ tướng: “Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?”.

Sau những câu trả lời chất vấn của đại biểu QH của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trả lời phóng viên báo Tuổi trẻ, ông Dương Trung Quốc có nói: “Qua trả lời chất vấn của Thủ tướng, cá nhân tôi cảm thấy thoải mái”.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng chất vấn không phải để làm khó nhau, mà qua đó để bật ra vấn đề từ cả hai phía. Đại biểu nói để Chính phủ hiểu hơn và Chính phủ trả lời cũng nhằm để mọi người hiểu hơn. Với tôi, chất vấn chính là được chất vấn, chứ không phải là bị chất vấn”.

*Phát biểu về Chống tham nhũng:

Phát biểu trong phiên thảo luận ngày 9/11 về việc chống tham nhũng, ĐBQH Dương Trung Quốc ví việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả: “Nhìn lại 7 năm qua ta thấy việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả, kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và lại được nhân dân cổ vũ mạnh. Vậy mà khi lâm trận thì súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu. Quan trọng hơn là quân xanh hay quân đỏ đều là quân ta cả”…

Nếu Luật Phòng chống tham nhũng làm tốt chúng ta đã không có Vinashin, Vinalines... (ảnh minh họa).
Nếu Luật Phòng chống tham nhũng làm tốt chúng ta đã không có Vinashin, Vinalines... (ảnh minh họa).

Bài phát biểu của ông về vấn đề này đã thực sự làm nóng nghị trường với những nhận định thẳng thắn, sắc sảo và đầy trách nhiệm.

Nhìn lại Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) hiện hành, ông Quốc đề nghị: Hãy dũng cảm nhận rằng đã thất bại thì mới mong sửa thành công.

Ông bày tỏ thêm quan điểm: “Thất bại dường như đã được báo trước nếu ta nhớ rằng khi dự luật năm 2005 quy định, cơ chế đứng đầu cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng lại chính là cơ quan hành pháp. Vậy mà chính Quốc hội khóa ấy vẫn bấm nút thông qua… Chúng ta đã lãng phí thời gian 6 năm với biết bao nhiêu tổn hại. Vì nếu luật năm 2005 làm tốt, hẳn sẽ không có Vinashin, Vinalines…”.

*Phát biểu về vấn đề “Sao QH chẳng sớm vào cuộc”

Một loạt câu hỏi “vì sao” được ĐB Dương Trung Quốc nêu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 7/6: vì sao khi xảy ra những vụ việc như Tiên Lãng, Văn Giang chẳng thấy QH sớm vào cuộc? Tại sao xảy ra hiện tượng người Trung Quốc nuôi cá ngay địa bàn quân sự Cam Ranh, người phát hiện chỉ là báo chí…

Mỗi chữ, mỗi lời ông phát biểu trong bản báo cáo này là những tâm huyết với Đảng, với Chính phủ: “Với tầm nhìn mỗi nửa năm ấy, bản báo cáo của Chính phủ chỉ nêu lên việc đã làm như những thành tựu đã đạt được, đưa ra một số sai sót yếu kém gắn với những vấn đề nổi cộm dư luận đang quan tâm và đưa ra những giải pháp thường là ngắn hạn, ít mới mẻ”

Về mối quan hệ xin – cho, vị đại biểu này cũng nhấn mạnh: “Tôi nhấn mạnh mối quan hệ xin - cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là những vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là tham nhũng vặt”

Và ông đặt ra câu hỏi: “Năng lực lắng nghe bị hạn chế, phải chăng do Chính phủ chưa tin vào dân, vào những người không nằm trong bộ máy tư vấn gần gũi của Chính phủ liệu có phải là lợi ích nhóm hay không?”.

Cuối bài phát biểu của mình, ĐB Dương Trung Quốc nhắc lại đúc kết về thuật trị nước: "Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác".

*Những tranh luận về Luật biểu tình

Phát biểu tại Quốc hội sáng 17/11, ĐBQH đoàn TP. Hồ Chí Minh Hoàng Hữu Phước cho rằng không nên cho Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, vì luật này chưa thật sự cần thiết. Tuy nhiên ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, phát biểu như vậy là không thỏa đáng.

Ông rất thẳng thắn khi nêu lên quan điểm của mình về Luật này: “Nếu Hiến pháp (sửa) lần này không đề cập tới quyền biểu tình thì chẳng những thụt lùi so với các bản Hiến pháp trước đó, lại càng lạc hậu so với các nước. Nhưng nếu có quyền mà không có luật thì không lẽ chúng ta lại chấp nhận cả Hiến pháp... treo à!”

Ông cũng đưa ra một số dẫn chứng để làm sáng tỏ ý niệm về “biểu tình”. Từ việc dùng chữ “mít tinh” thay cho “biểu tình” những năm 1954 hay khái niệm này chỉ xuất hiện ở những cuộc tập hợp lực lượng chống chính quyền Sài Gòn, cho tới các vụ “biểu tình của quần chúng ở Thái Bình”… đã cho thấy sự nhận thức sâu sắc về vấn đề này.

Vì thế, ông khẳng định: “Chính nhờ có luật mới không ảnh hưởng đến trật tự xã hội hay giao thông vì chính quyền có thể căn cứ vào luật quy định địa điểm, thời gian, thậm chí cả cuờng độ tiếng ồn...”.

Với vị đại biểu này thì: Quyền này không chỉ bảo đảm quyền dân chủ của người dân mà còn cung cấp một công cụ cho nhà nước đề quản lý, điều chỉnh nó. Cho nên, phải nhìn luật biểu tình này ở 2 mặt, đó là quyền cơ bản của người dân, đồng thời là công cụ để quản lý Nhà nước, chứ không nói biểu tình một chiều”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Thanh niên về cách phản biện của ĐBQH Hoàng  Hữu Phước trong bài “Tứ đại ngu”, ĐB Dương Trung Quốc đưa ra ý kiến: “Tôi nghĩ đây chẳng thể gọi là phản biện. Đây là cái gì chứ không phải phản biện. Dẫu sao thì anh Phước cũng đang là ĐBQH của TP. HCM, một thành phố có nhiều trí thức lớn. Nên tôi thấy chuyện này để bà con cử tri phát biểu ý kiến bình luận thì hay hơn. Cứ để đồng bào TP.HCM suy nghĩ về người ĐB của mình thôi”.

Trước đó, nói về phát biểu tại QH về Luật Biểu tình của ĐB Phước, ông Dương Trung Quốc cũng cho biết: “Cũng chỉ có một lần trao đổi liên quan đến thảo luận về luật Biểu tình thôi. Còn những việc anh ấy nêu lên, kể ra, đưa ra QH thảo luận thì cũng hay. Nhưng cũng chưa lần nào thấy anh Phước nêu ra cả”.

Nguyễn Huệ (Tổng hợp)