Nữ Đại tá TQ: Tăng cường khống chế Senkaku, làm tốt sẵn sàng chiến đấu

04/11/2013 07:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Một khi tình thế yêu cầu, Trung Quốc tất sẽ ra tay dứt khoát để tránh thiệt thòi, phải ăn miếng trả miếng. Nếu Nhật Bản bắn rơi UAV Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ coi đó là lời tuyên chiến và chiến đấu cơ Nhật Bản sẽ "có đi không có về".
Phương Lương, nữ Đại tá quân đội Trung Quốc với quan điểm hiếu chiến.
Phương Lương, nữ Đại tá quân đội Trung Quốc với quan điểm hiếu chiến.
Lương Phương, một nữ Đại tá, giáo sư chiến lược thuộc đại học Quốc phòng Trung Quốc ngày 2/11 có bài phân tích trên Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi giới chức Bắc Kinh cần có sự chuẩn bị kỹ càng và chủ động ứng chiến với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Cuộc tập trận của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ ngày 1/11 đến 18/11 được dư luận giới phân tích Bắc Kinh đặc biệt quan tâm và cho rằng nó đang nhằm vào Trung Quốc. Lương Phương nhận định, cuộc tập trận lần này của Nhật Bản khác rất nhiều so với các cuộc tập trận trước. Thứ nhất, đây là cuộc tập trận huy động binh hỏa lực tham gia lớn nhất từ trước đến nay của Nhật Bản, với 34 ngàn quân, chiếm 14% tổng quân số. Hai là phạm vi tập trận rộng lớn tới 800 đến 900 km, bao trùm hầu như toàn bộ khu vực Tây Nam Nhật Bản với vịa trí địa lý cực kỳ nhạy cảm. Ba là nội dung cuộc tập trận lần này của Nhật Bản có tính tấn công, chiếm quyền khống chế kiểm soát vùng biển, vùng trời, chi viện thủy quân lục chiến đổ bộ chiếm đảo, bảo vệ đảo. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản bố trí lực lượng tên lửa chống hạm Type 88 ở khu vực eo biển Miyako - Okinawa với tầm bắn bao trùm eo biển này, con đường các chiến hạm, chiến đấu cơ Trung Quốc thường cơ động qua lại Tây Thái Bình Dương tập trận.
Tên lửa chống hạm Type 88 Nhật Bản bố trí ở eo biển Miyako - Okinawa, tuyến hàng hải chiến hạm máy bay Trung Quốc thường xuyên qua lại ra Thái Bình Dương tập trận.
Tên lửa chống hạm Type 88 Nhật Bản bố trí ở eo biển Miyako - Okinawa, tuyến hàng hải chiến hạm máy bay Trung Quốc thường xuyên qua lại ra Thái Bình Dương tập trận.
Cùng với những phát biểu cứng rắn của Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera gần đây, Lương Phương cho rằng Bắc Kinh tuyệt đối không được cảo tưởng về Nhật Bản mà phải làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu. Học giả theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan này kêu gọi Trung Quốc phản kích Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc phái tàu tuần tra Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư mà phải phản kích toàn diện trên các mặt trận chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự. Đầu tiên, Lương Phương cho rằng Bắc Kinh cần tăng cường khống chế khu vực xung quanh nhóm đảo Senkaku và làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu khẩn cấp bởi hoàn toàn có thể xảy ra khả năng xung đột quân sự tại khu vực này. Bà Phương nhắc lại lời của Cảnh Nhạn Sinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng Tokyo chớ có đánh giá thấp "quyết tâm, ý chí, năng lực và đảm lược của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ". Một khi tình thế yêu cầu, Trung Quốc tất sẽ ra tay dứt khoát để tránh thiệt thòi, phải ăn miếng trả miếng. Nếu Nhật Bản bắn rơi UAV Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ coi đó là lời tuyên chiến và chiến đấu cơ Nhật Bản sẽ "có đi không có về". Lương Phương kêu gọi giới chức Bắc Kinh thiết lập "khu vực phòng thủ phòng không" ngoài Senkaku nhằm đối trọng với khu vực phòng thủ phòng không Nhật Bản đã tuyên bố thiết lập trên biển Hoa Đông. Nếu các máy bay cảnh báo, trinh sát của Nhật Bản "xâm nhập" cái gọi là khu vực phòng thủ phòng không do Trung Quốc lập ra mà bị Bắc Kinh phát hiện "có ý thù địch" sẽ lập tức bắn rơi.

Hồng Thủy