Nữ sinh trường y tham gia chống dịch, biết gian khổ vẫn bền gan vững chí

21/06/2021 08:55
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lần đầu tiên thực hiện công tác khử khuẩn, mang trên vai bình nước nặng 25kg không phải là điều dễ dàng, nhưng nay em đã quen việc nên không còn thấy vất vả nữa.

"Anh tặng em người con gái ngành y

Thời gian qua cũng như người chiến sĩ

Trên tuyến đầu chiến đấu giặc cô vy

Lệnh là đi, mọi thời điểm bất kỳ

Biết gian khổ vẫn bền gan vững chí..."

Đó là những câu thơ mà Dương Thị Linh (sinh viên năm 2 ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên) được một người dân trong khu cách ly viết tặng khi làm nhiệm vụ chống dịch tại tỉnh Hà Tĩnh.

Dương Thị Linh - sinh viên năm 2 ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên.

Dương Thị Linh - sinh viên năm 2 ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên.

Từ ngày các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trở thành những điểm nóng Covid-19, Dương Thị Linh cùng hàng ngàn sinh viên của trường đã viết đơn tình nguyện xin được lên đường tham gia chống dịch.

Theo kế hoạch sắp xếp của trường, Linh sẽ nhận nhiệm vụ ở lần ra quân lần thứ 7. Trong thời gian chờ đợi, đúng dịp vào mùa lúa thu hoạch, Linh trở về quê ở Hà Tĩnh phụ giúp bố mẹ công việc trước khi lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Ninh.

Hoàn thành mọi công việc ngày mùa, chuẩn bị đến ngày xuất quân thì ở quê lại xuất hiện những ca nhiễm mới, tỉnh Hà Tĩnh gấp rút thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Trước tình hình đó, Dương Thị Linh đã xin phép nhà trường tham gia chống dịch tại quê hương.

Được sự đồng ý của nhà trường, Linh liên hệ ngay với đường dây nóng chống dịch của tỉnh nhà, bày tỏ nguyện vọng được tham gia vào cuộc chiến "chống giặc" Covid-19.

Dương Thị Linh làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Mầm non xã Đồng Môn. (Ảnh: NVCC)

Dương Thị Linh làm nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Mầm non xã Đồng Môn. (Ảnh: NVCC)

"Sáng ngày 08/6 em liên hệ thì đến buổi chiều trong ngày hôm đó em được gọi lên và nhận nhiệm vụ tại khu cách ly Trường Mầm non xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh.

Ngày viết đơn xin được vào đội quân tình nguyện, em gọi về thông báo cho bố mẹ mà không biết mở lời ra sao. Vì trước đó mẹ em bị tai nạn giao thông và chưa bình phục hoàn toàn, nghĩ đến bố mẹ ở nhà vất vả, em lại quyết định đi chống dịch, em biết mình sẽ khiến bố mẹ lo lắng và suy nghĩ nhiều hơn.

Nhưng đã chọn ngành y, đã trót yêu màu áo Blouse trắng, trước lời hiệu triệu, kêu gọi của Bộ Y tế, em nghĩ mình nhất định phải góp công sức cho cuộc chiến chống dịch. Em thực sự hạnh phúc vì sau đó bố mẹ hiểu, cảm thông, ủng hộ quyết định của mình.

Cho đến ngày tham gia tình nguyện ở quê, trước lúc đi, bố mẹ vẫn lo lắng, căn dặn nhiều lần là phải cẩn thận, phải đeo 2 - 3 chiếc khẩu trang, mặc đồ cho kỹ, dù nóng nhưng an toàn là trên hết", Linh tâm sự.

Khu cách ly Linh làm nhiệm vụ có 21 trường hợp là F1, công việc hàng ngày của nữ sinh ngành điều dưỡng là phun khử khuẩn, đo thân nhiệt cho mọi người, chuẩn bị thức ăn, rồi dọn dẹp, phân loại và xử lý rác thải,...

Nữ sinh trường y chuẩn bị suất ăn cho người dân trong khu cách ly. (Ảnh: NVCC)

Nữ sinh trường y chuẩn bị suất ăn cho người dân trong khu cách ly. (Ảnh: NVCC)

Nếu trong khu cách ly có 1 đối tượng F1 trở thành F0 thì đồng nghĩa với việc Linh sẽ trở thành F1 và cũng là đối tượng phải cách ly y tế. Tuy nhiên, Linh cho biết, một khi đã bước vào tâm dịch thì luôn sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống, chấp nhận mọi hiểm nguy.

Linh chia sẻ: "Giữa cái nắng bỏng rát ở mảnh đất miền Trung, phải làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít đôi lúc khiến em cảm thấy như kiệt sức.

Đây là lần đầu tiên em phải mang bình khử khuẩn để phun khắp các phòng, từng không gian trong khu cách ly. Chiếc bình điện khi không có nước nặng 6 cân, nhưng khi có thêm dung dịch sát khuẩn thì lên tới 25 - 26 kg.

Trong những ngày đầu, vừa mang đồ bảo hộ vừa mang bình phun khử khuẩn là một việc không hề dễ dàng với em. Mỗi ngày em phải phun 4 bình khử khuẩn, đảm bảo công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt. Đến đêm về mới thấy hai vai bầm tím, nhức mỏi vì trước giờ em không quen mang vác nặng. Tuy nhiên đến hôm nay em đã quen việc hơn và không còn cảm thấy quá vất vả như trước nữa".

Lần đầu tiên Linh phải mang bình phun khử khuẩn với cân nặng lên tới 25kg. (Ảnh: NVCC)

Lần đầu tiên Linh phải mang bình phun khử khuẩn với cân nặng lên tới 25kg. (Ảnh: NVCC)

Khu cách ly chỉ có Linh và 1 nữ y tá Trạm Y tế xã thực hiện nhiệm vụ vòng trong, vì vậy hầu hết công việc đều do hai người đảm nhận.

Những ngày nắng nóng, Linh thường dậy từ 5 giờ sáng, thực hiện quét dọn vệ sinh, khử khuẩn, đo thân nhiệt cho mọi người, mang thức ăn đến từng phòng. Khi đã hoàn thành mọi việc, cô gái mới bắt đầu ăn sáng, lúc đó đồng hồ đã điểm qua 10 giờ.

Dù vất vả, khó khăn và mệt nhọc nhưng nữ sinh Đại học Y Dược Thái Nguyên luôn ưu tiên công việc trước tiên, đảm bảo việc ăn uống, công tác khử khuẩn, đo thân nhiệt cho người dân đúng thời gian.

Luôn xung phong, nhiệt tình với hoạt động tình nguyện, Dương Thị Linh được Trường Đại học Y dược Thái Nguyên tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Luôn xung phong, nhiệt tình với hoạt động tình nguyện, Dương Thị Linh được Trường Đại học Y dược Thái Nguyên tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Và động lực để Linh cố gắng làm việc mỗi ngày chính là hình ảnh những em nhỏ phải vào ở trong khu cách ly, những nụ cười ngây thơ, hồn nhiên cho Linh thấy một cuộc sống tươi đẹp và đáng trân trọng dù là trong những ngày tháng khó khăn nhất.

Dù đỉnh điểm những ngày nắng nóng 40 độ, nhưng người dân cũng không được sử dụng điều hòa. Trong cuộc chiến này, mỗi người phải biết chịu gian khó, biết hi sinh và cùng hướng đến mục tiêu là chống dịch thành công. Với tinh thần đó, với sứ mệnh thiêng liêng của ngành Y, Dương Thị Linh đã vượt qua những khó khăn, gian khổ, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

"Em vẫn nhớ ngày đến nhận nhiệm vụ xong, cùng chị y tế thu nhập thông tin và hồ sơ, kiểm tra sức khỏe xong mới gọi về cho mẹ, nhìn thấy mẹ khóc nhưng lúc đó em phải giả vờ không biết để nói sang chuyện khác.

Vừa cởi bộ bảo hộ ra, gần 10 giờ tối chưa kịp ăn gì nhưng vội gọi và báo với bố mẹ là con ăn uống rồi, con vẫn ổn. Nhưng chỉ kịp nói thế là em đành phải tắt máy vì không dám nhìn thấy mẹ khóc và chính em cũng không muốn để mẹ thấy mình đang mệt.

Đến bây giờ thì tình hình dịch bệnh ở quê cũng đã ổn hơn, em đã quen với công việc, bản thân chỉ góp một phần nhỏ công sức và công tác chống dịch nhưng em cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Khi có thời gian, em cũng trò chuyện với các bạn đang làm nhiệm vụ ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Người làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, người làm công tác nhập liệu.

Mỗi người một công việc, ai cũng có những vất vả riêng nhưng trong lòng chúng em luôn tràn đầy sức trẻ, nhiệt huyết, quyết tâm.

Em đặc biệt còn nhận được 2 bài thơ mà các bác trong khu cách ly viết tặng. Những tình cảm rất đỗi bình dị nhưng vô cùng thân thương khiến em xúc động và hạnh phúc. Đây sẽ là kỷ niệm đẹp nhất của tuổi đôi mươi, em chỉ mong quê nhà hết dịch bệnh, cả nước vượt qua đại dịch và cuộc sống nhân dân trở lại như thường ngày", Linh bày tỏ.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh