NXB Chính trị Quốc gia 'đá bóng trách nhiệm' sang tác giả đạo văn

03/06/2011 02:30
(GDVN) - Nếu giả thuyết “đạo văn” là đúng thì nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm chính.

(GDVN) - Trong lúc dư luận đang rất bức xúc về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” nhóm biên soạn “đạo văn”,  NXB Chính trị Quốc Gia – Sự thật đã có ý kiến về sự việc này.
{iarelatednews articleid='3619,3701,3625,3589'}

Cuốn sách đang gây bức xúc trong dư luận
Cuốn sách đang gây bức xúc trong
dư luận

PGS.TS. Lê Văn Yên - Ủy viên Chuyên trách, Hội đồng Biên tập - Xuất bản Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật cho rằng: "Việc “đạo văn” hay không cần có sự xác minh và có một Hội đồng có thẩm quyền đánh giá. Điều quan trọng là nên trao đổi trực tiếp với nhóm biên soạn để xác định cho rõ.

Nhóm tác giả là người chấp bút, lấy tư liệu, chọn lọc tư liệu và diễn đạt thành nội dung của cuốn sách. Nếu giả thuyết “đạo văn” là đúng thì nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm chính. Nhà xuất bản chỉ là "bà đỡ" cho cuốn sách ra đời".

Nhiều năm trong nghề xuất bản, PGS. Yên chia sẻ thật lòng, một cuốn sách xuất bản khó có thể đọc hết những tài liệu mà các tác giả đã sử dụng nghiên cứu, nhất là tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài. Có những cuốn sách lên đến hơn 100 tài liệu tham khảo.

Chính vì thế, để phục vụ cho việc nghiên cứu, tham khảo của bạn đọc và thật sự cầu thị, mỗi khi có cuốn sách ra đời, Nhà xuất bản luôn luôn có dòng chữ ở cuối Lời Nhà xuất bản: “Trong quá trình biên soạn, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị và bạn đọc để lần tái bản sau tốt hơn”. 

Giải thích về sự giống nhau đến kì lạ của nhiều đoạn trong cuốn sách và các tác phẩm khác trước đó, PGS. Yên cho rằng: Thứ nhất trong một công trình nghiên cứu khoa học, các tác giả luôn có sự kế thừa kết quả của những người đi trước, những nghiên cứu trước đó để làm tiền đề cho những nghiên cứu của mình. Nhưng điều quan trọng là nhóm nghiên cứu đó kế thừa như thế nào cho đúng. Một công trình nghiên cứu không thể copy nguyên xi của các công trình trước đó, của các tác giả đi trước mà không có tính sáng tạo của nhà nghiên cứu.

Trường hợp thứ hai chúng ta thường gặp nhất là kế thừa những nghiên cứu trước đó để làm tài liệu tham khảo, chắt lọc những tinh túy để đưa ra kết luận của riêng mình, có sáng tạo của nhà nghiên cứu. Khi trình bày nội dung, các tác giả cần ghi cụ thể nguồn trích dẫn.

Mỗi khi nhận được bản thảo để xuất bản sách, nhóm biên tập của Nhà xuất bản muốn sửa chữa đều phải trao đổi, xin ý kiến của tác giả vì bản quyền thuộc về tác giả.

Nếu có trường hợp “đạo văn” xảy ra thì tùy vào mức độ để xem xét. Từ trước đến nay, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia chưa gặp phải trường hợp nào bị kiện “đạo văn”. Tuy nhiên, để kết luận cuốn sách có “đạo văn” hay không cần phải xem xét thận trọng, cần có một Hội đồng chuyên môn đánh giá.

P.Thúy