Obama cung cấp 1 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho các nước châu Âu giáp Nga

04/06/2014 07:47
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ông Obama đã công bố kế hoạch chi gần 1 tỷ USD để hỗ trợ và đào tạo lực lượng vũ trang cho các nước thành viên NATO nằm giáp biên giới Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 3/6 đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho các thành viên Đông Âu trong liên minh NATO, những quốc gia lo sợ có thể là mục tiêu tiếp theo của sự  can thiệp từ Nga trong vấn đề Ukraine.

Theo Reuters, ông Obama đã công bố kế hoạch chi gần 1 tỷ USD để hỗ trợ và đào tạo lực lượng vũ trang cho các nước thành viên NATO nằm giáp biên giới Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski

Nhà Trắng cũng cho biết sẽ xem xét triển khai quân thường trực ở châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine. Tuy viên, đây không phải là một kế hoạch có thể dễ dàng được thực thi vì nó đòi hỏi khoản kinh phí lớn mà các thành viên NATO ở Tây Âu không kham nổi. Mặt khác, sự tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực này sẽ thu hút phản ứng từ Moscow và mở ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm châu Âu 4 ngày tại Ba Lan, ông Obama đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác không quân với Warsaw, trong bối cảnh Ba Lan muốn tìm kiếm một sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình càng sớm càng tốt. 

Sự hỗ trợ quân sự cho châu Âu do Nhà Trắng đề xuất được gọi là Sáng kiến ​​Trấn an châu Âu, trong đó bao gồm tăng cường huấn luyện quân sự và triển khai kế hoạch quân sự tại các quốc gia này, mở rộng hiện diện ở Biển Đen và biển Baltic, trước cửa nhà của Nga.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ giúp xây dựng năng lực quốc phòng cho Ukraine và hai quốc gia khác nằm sát đường biên giới của Nga là Gruzia và Moldova. Obama hứa sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ cho kế hoạch này.

Ông Obama dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống vừa đắc cử Ukraine Petro Poroshenko tại Warsaw vào ngày 4/6 và sẽ tham dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ D-Day tại Pháp với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào 6/6.

Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin sẽ tổ chức các cuộc họp riêng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron, nhưng các nhà lãnh đạo Nga không có kế hoạch hội đàm với ông Obama.

Các nhà lãnh đạo Mỹ về phần mình cho biết họ không quan tâm đến các mối đe dọa từ Nga, nhưng yêu cầu Moscow phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine, kiềm chế lực lượng ly khai ở Đông Ukraine và làm việc với Poroshenko. Nếu Nga không đáp ứng, nhiều biện pháp trừng phạt đã được chuẩn bị.

Nguyễn Hường