"Ông điện lực" Việt Nam: Muốn lương cao phải lỗ lớn?

21/12/2011 09:00
Thành Chung
(GDVN) - Với mức lương gần 30 triệu đồng/ tháng, phải chăng nhân viên văn phòng của EVN đang phải làm việc với cường độ gấp 3 - 4 lần nhân viên các ngành khác?

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước,

thu nhập bình quân đầu người của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010 còn cao hơn mức lương được Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh đưa ra tại một cuộc họp báo gần đây.


Với chi phí lương cao như vậy, thì ngành điện nên tính toán giảm lương thay vì tăng giá điện? (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân Việt).
Với chi phí lương cao như vậy, thì ngành điện nên tính toán giảm lương thay vì tăng giá điện? (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân Việt).
Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng mỗi người một tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng. Mức thu nhập cao nhất thuộc về công ty mẹ - EVN, với bình quân là 13,7 triệu/ người/ tháng. Riêng thu nhập bình quân cơ quan văn phòng của công ty mẹ cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của toàn công ty mẹ (13,7 triệu/ người/ tháng). Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương các doanh nghiệp Nhà nước năm 2009 ước đạt 3,35 triệu đồng/tháng, Tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế Nhà nước đạt 5,9 triệu đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng. Mặc dù đang hoạt động thua lỗ liên tục nhưng tính theo con số  7,3 triệu/ người/ tháng mà lãnh đạo EVN đưa ra trước thì mức lương trung bình của nhân viên ngành điện năm 2009 còn cao hơn mức lương của các doanh nghiệp đứng đầu bảng. Còn tính theo con số Kiểm toán nhà nước mới công bố thì mức lương bình quân 13,7 triệu đồng/ tháng của cán bộ công ty mẹ - EVN và thu nhập bình quân của cán bộ văn phòng EVN gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của toàn công ty mẹ, cao gấp nhiều lần mức bình quân các ngành có mức lương đứng đầu. Trong khi mức lương dành để trả cho nhân viên hàng tháng "khủng" như vậy nhưng ngay những ngày cuối năm nay, EVN lại đệ trình và được các cơ quan chức năng chấp thuận tăng giá điện thêm 5% bắt đầu từ ngày 20/12. Lý do được EVN đưa ra là để bù lỗ một phần cho các chi phí sản xuất, bổ sung phần thiếu vốn, đẩy nhanh các công trình. Nếu mới nhìn qua thì lý do này tưởng chừng rất hợp lý nhưng trong lúc lạm phát của đất nước vẫn còn ở mức cao như hiện nay mà mức lương đang trả cho nhân viên của EVN đứng đầu bảng, thậm chí gấp nhiều lần mức lương bình quân của các ngành khác, thì xem ra lý do tăng giá điện vào thời điểm này không thực sự hợp lý. Được coi là một ngành "xương sống" của đất nước, sự phát triển của điện lực sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển của kinh tế, xã hội. Nhân viên lao động trong ngành này được đánh giá là mệt nhọc, khó khăn và độc hại. Nhưng đâu phải chỉ có ngành điện mới như vậy mà các ngành khác như dầu khí, dệt may, than, khai thác khoáng sản... cũng là những ngành đóng góp rất lớn cho kinh tế đất nước. Và xét về cường độ lao động, mệt nhọc, khó khăn, độc hại thì chắc chắn có nhiều ngành còn cao gấp nhiều lần ngành điện. Vì vậy lấy những lý do đó để trả lương cao cho nhân viên ngành điện là điều rất phi lý.
Với mức lương gần 30 triệu/ người/ tháng, Có phải chăng cán bộ văn phòng EVN có cường độ lao động gấp 3 - 4 lần cán bộ văn phòng các ngành khác? (Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Hà/ Vnexpress).
Với mức lương gần 30 triệu/ người/ tháng, Có phải chăng cán bộ văn phòng EVN có cường độ lao động gấp 3 - 4 lần cán bộ văn phòng các ngành khác? (Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Hà/ Vnexpress).
Thêm vào đó, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN thu được những khoản lợi nhuận lớn thì việc trả lương cao cho nhân viên cũng có thể xem xét. Nhưng trên thực tế, trong những năm gần đây, các báo cáo của EVN, kết quả kiểm toán đều cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN thường xuyên trong tình trạng lỗ, thiếu vốn trầm trọng, nhiều công trình bị chậm tiến độ gây lãng phí lớn cho nhà nước. Trong hoàn cảnh như vậy, mà lương của nhân viên vẫn cao gấp nhiều lần mặt bằng lương chung của xã hội thì khó có thể chấp nhận được. Và không ít người, chuyên gia kinh tế khi đánh giá mức lương của EVN và việc tăng giá điện đã cho rằng, với chi phí tiền lương "khủng" như vậy, EVN nên tính toán việc giảm lương của chính cán bộ, nhân viên trong ngành trước khi tính đến việc tăng giá trong thời điểm hiện tại. Ngay sau khi kết quả kiểm toán được công bố với mức lương của cán bộ văn phòng EVN lên tới gần 30 triệu đồng/ người/ tháng, nhiều người dân và kể cả nhân viên, cán bộ của các ngành khác đã không khỏi "giật mình" vì mức thu nhập này đã gấp nhiều lần mặt bằng lương chung của xã hội. So với các ngành có mức lương trong top đầu như mỏ, luyện kim, viễn thông, ngân hàng mức lương này cũng vượt xa. Không ít ngưới cũng đã tự đặt ra câu hỏi, liệu với mức lương bình quân "khủng" như vậy thì có phải chăng những cán bộ văn phòng của EVN đang phải làm việc hàng ngày với cường độ gấp 3 - 4 lần cán bộ văn phòng của các ngành khác?. Và hiệu quả lao động của họ thu được cũng cao gấp nhiều lần các ngành khác?.
Thành Chung