TS.Nguyễn Văn Khải vi phạm y đức?

“Ông già Ozon” và các chuyên gia đối nhau chan chát

26/11/2011 06:57
Ngọc Quang
(GDVN) - Viện phó Viện Pasteur Nha Trang cung cấp tài liệu gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh cho PV Báo GDVN để làm rõ hơn tác động của Anolyt tới con người.

"Ủng hộ TS Khải là thiếu đạo đức y học"

Một trong các tài liệu này có đoạn, do đặc tính oxy hóa mạnh của ozone nên có thể ảnh hưởng đến đôi mắt, hệ thống hô hấp và có thể bị nguy hại ngay cả nồng độ thấp. Trung tâm An toàn Nghề nghiệp và các báo cáo y tế Canada nói: "Thậm chí nồng độ rất thấp của ozone có thể gây hại cho đường hô hấp và phổi, mức độ nghiêm trọng của chấn thương phụ thuộc vào nồng độ ozone và thời gian tiếp xúc. Phổi có thể bị tổn thương nặng, vĩnh viễn hoặc tử vong dù thời gian tiếp xúc ngắn, với nồng độ tương đối thấp”.

TS.BS Trần Tịnh Hiền - Nguyên Phó giám đốc BV Các bệnh Nhiệt đới, hiện đang làm cố vấn cho đơn vị nghiên cứu của ĐH Oxford tại TP.HCM, được Trường ĐH Oxford Anh quốc phong Giáo sư nói rằng: “Tôi nói những người ủng hộ TS.Khải là thiếu đại đức (trong y học) vì đạo đức không phải là ôm bệnh nhân hay cho bệnh nhân điều trị đủ thứ thuốc men mà đạo đức ở đây là tôn trọng sự an toàn về thể chất cũng như tinh thần của người bệnh.

TS.BS Trần Tịnh Hiền
TS.BS Trần Tịnh Hiền

Tôi xin hỏi TS Khải và các bạn nhé: “Các bạn bay ra Hà Nội bằng 1 chuyến phi cơ do 1 BS chưa học gì về bay cầm lái. Bạn có lên phi cơ không? Thế thì TS Khải không biết một tí gì về y khoa làm sao chữa trị bệnh TCM? Vì vậy, tôi mới kết luận như thế là tội ác. Việt Nam đã có luật Dược, thử nghiệm lâm sàng... rồi đó nếu xét ra thì có thể đưa TS Khải ra tòa.

Đưa một người không có kiến thức y học, không có giấy phép hành nghề bác sĩ, sử dụng một hoá chất chưa qua quy trình thử nghiệm lâm sàng là những việc làm sai trái về mặt khoa học và vi phạm đạo đức trong y học”.

Cũng theo BS Hiền, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã làm một việc không đúng là mời một vị TS Vật lý vào điều trị cho các cháu mắc bệnh TCM. “Đưa một người không có kiến thức y học, không có giấy phép hành nghề bác sĩ, sử dụng một hóa chất chưa qua quy trình thử nghiệm lâm sàng là những việc làm sai trái về mặt khoa học và vi phạm đáo đức trong y học”, BS Hiền nói.

Theo BS Hiền, về đạo đức y học: thuốc điều trị cần tác động vào virus phải ngăn chặn được sự phát triển của chúng hay điều chỉnh được những phản ứng quá mức của cơ thể. Thuốc, nếu có, phải được đưa đi khắp cơ thể vào trong máu đến tận tế bào.

Vì vậy, một chất muốn được gọi là thuốc thì nó phải qua một quy trình thử nghiệm trong phòng xét nghiệm, trên súc vật và qua các giai đoạn trong cơ thể con người để xác định độ an toàn và tác dụng, liều lượng, đường dùng của chất đó theo những quy định nghiêm ngặt được quốc tế công nhận.

Từ những kinh nghiệm đau thương trong quá khứ, nhất là trong chiến tranh thế giới lần hai về thử nghiệm trên con người, mà cộng đồng quốc tế đã hình thành những quy định gọi là “Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học” và những cơ quan giám sát các hoạt động như thế như hội đồng đạo đức, cơ quan quản lý thuốc... Tất cả những gì được gọi là thuốc phải qua những quy trình xem xét và thử nghiệm như vậy. Việc một cá nhân sử dụng, một cơ quan cho phép sử dụng một dung dịch hoá chất như nước Anolyt (?) trên bệnh nhân trong bệnh viện chưa qua thử nghiệm lâm sàng, là một hành động thiếu khoa học và đạo đức.

Trước đó, TS.Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: “Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp cùng với các cơ quan chức năng về việc thử nghiệm chữa bệnh dịch TCM bằng nước ozon của TS. Nguyễn Văn Khải. Sau khi xem xét và phân tích đánh giá hiệu quả, tác dụng, Hội đồng chuyên môn hoan nghênh đề xuất và thử nghiệm của TS.Khải nhằm tham gia công tác phòng chống dịch bệnh TCM. Hội đồng chuyên môn khẳng định: Việc sử dụng nước ozon cùng với chanh, muối... chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh TCM giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.

Theo TS.Mai: “Viện và Sở Y tế Ninh Thuận đã họp bàn về phương pháp chữa bệnh TCM bằng dung dịch hoạt hóa điện hóa anolyte và catolyte của TS. Khải. Anolyte là một chất độc tiềm ẩn không nên dùng cho người, huống hồ ông ấy đem cho trẻ uống. Đây là một hành động phản khoa học”.

TS Khải đang vận hành chiếc máy tạo Anolyt của BV tỉnh Ninh Thuận để giúp trẻ em bị TCM
TS Khải đang vận hành chiếc máy tạo Anolyt của BV tỉnh Ninh Thuận để giúp trẻ em bị TCM

TS Khải: "EV71 bất hoạt bởi ozon"

Ở chiều ngược lại, TS.Khải cung cấp cho PV một số tài liệu khoa học trong đó nói tới ảnh hưởng của phơi nhiễm ozone ngừng hoạt động trong nội bộ và ngoại bào enterovirus 71 (EV71). Nghiên cứu này đã thông qua Cục Công nghệ sinh học Đài Loan từ tháng 5/2005.

Tại nghiên cứu này, tiềm năng của ozone trong bất hoạt những phần tử không có EV71 đã được nghiên cứu, bằng cách sử dụng một trong hai mức ozone dòng chảy khác nhau là 100, 80 hoặc 60 mg/h hoặc tỷ lệ dòng chảy liên tục của 80mg/h, cho chảy vào môi trường nuôi cấy với PH khác nhau hoặc môi trường nuôi cấy khác nhau có chứa EV71.

Kết quả đã chứng minh rằng, EV71 bất hoạt bởi ozon liên quan đến động học của ozone hòa tan và 99% ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ ngừng hoạt động phụ thuộc vào tỷ lệ ozone dòng chảy đầu vào và tích cực tăng cường ở PH axit.

Bất hoạt của EV71 trong tế bào cũng đã được nghiên cứu. Tại một nguồn cung cấp ozone liên tục là 60 mg/h, giảm đáng kể chỉ số virus trong tế bào (≥ 99%, p <0,01) thu được sau khi tiếp xúc 45 hoặc 60 phút, nhưng khả năng tồn tại của các tế bào tiếp xúc cũng thấp. Kết quả cho thấy tác dụng khử hoạt tính của ozone trên virus EV71 nội bào phụ thuộc vào tiếp xúc thời gian.

EV71 là một loại virus RNA một sợi, là thành viên của chi Enterovirus thuộc họ Picornavirus. Virus này là mầm bệnh căn nguyên phổ biến nhất ở các bệnh nhiễm khuẩn trẻ em và đã được kết hợp với một số dịch bàn tay, bệnh chân-miệng, từng gây ra bệnh lý thần kinh nghiêm trọng tại Úc, châu Âu, Mỹ. Các biến chứng thần kinh trung ương liên quan với nhiễm EV71 được báo cáo với tần suất ngày càng tăng.

Gần đây nhất, sự bùng phát của EV71 nhiễm trùng với các trường hợp nghiêm trọng và gây tử vong do viêm não đã xảy ra tại Malaysia trong năm 1997 và Đài Loan năm 1998, gây ra cái chết của hơn 100 trẻ em. Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc kháng virus hiệu quả để điều trị các các trường hợp EV71 gây nhiễm trùng, biến chứng.

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia khẳng định: TS Mai, Viện phó Viện Pasteur Nha Trang đã có sự nhầm lẫn giữa ozon và anolyt. Từ đó dẫn đến cách hiểu sai lầm tai hại về phương pháp chữa trị của TS Nguyễn Văn Khải. Báo GDVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tới.
Ngọc Quang