Ông Sử, ông Quý nói dối như cuội

20/10/2019 07:55
Trần Phương
(GDVN) - Khi tiêu cực xảy ra cả ông Vũ Văn Sử và ông Trần Đức Quý đều nói cứng và tự cho mình không liên quan đến tiêu cực. Thế nhưng…

Lời khẳng định trong sạch khôi hài

Như vậy sau 1 lần bị hoãn, phiên tòa xét xử những kẻ phá hoại giáo dục ở Hà Giang đã được diễn ra.

Những mảng tối của “liên minh ma quỷ” phá hoại giáo dục ở Hà Giang bắt đầu được bóc gỡ và lộ sáng.

Khi những mảng tối ngày càng lộ sáng dư luận bắt đầu nhìn thấy rõ hơn bản chất của những người mồm nói đạo đức nhưng hành động lại hoàn toàn ngược lại.

Hai nhà lãnh đạo của tỉnh Hà Giang đã rất tự tin trước báo chí nhưng lộ rõ hành vi sai phạm trước tòa. (Ảnh: LC)
Hai nhà lãnh đạo của tỉnh Hà Giang đã rất tự tin trước báo chí nhưng lộ rõ hành vi sai phạm trước tòa. (Ảnh: LC)

Tháng 7 năm 2018, khi vụ bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang phát lộ làm rúng động dư luận của cả nước, cả ông Vũ Văn Sử - Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Phó Ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đồng thời là trưởng ban chỉ đạo chấm thi Trung học phổ thông quốc gia và ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang - Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang đều nói rất cứng và tự cho rằng mình không hề dính dáng đến tiêu cực.

Thế nhưng, sau khi phiên tòa diễn ra, hàng loạt sự thật được phơi bày. Trong đó có sự nói dối “như cuội” của 2 nhà lãnh đạo này.

Luật sư yêu cầu điều tra mở rộng liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý
Luật sư yêu cầu điều tra mở rộng liên quan đến Phó Chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hà Giang để làm rõ thông tin tiêu cực trong quá trình chấm và vào điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, ông Sử đã có những chia sẻ với báo chí là “các khâu coi thi và chấm thi được thực hiện nghiêm ngặt”.

Đặc biệt, ông còn nói: “Chúng tôi mới chỉ biết được thông tin điểm thi bất thường qua báo chí. Chúng tôi sẽ rà soát lại quy trình”.
Sau này, khi sự việc tiêu cực đã rõ mười mươi thì ông Sử đã khẳng định sự trong sáng của mình khi đứng ngoài việc tiêu cực của kỳ thi.

Ông nói: “Ban Giám đốc Sở Giám đốc chúng tôi có 4 người. Tôi và 2 Phó Giám đốc nằm trong hội đồng, người còn lại có con dự thi nên không tham gia.

Chuyện tiêu cực, tôi và 2 Phó Giám đốc Sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không.

Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy”.

Tôi biết mình và 2 Phó Giám đốc nên tôi mới nói là không. Nếu tôi liên quan tiêu cực, người đầu tiên nhận được sự tác động phải là con lái xe của Giám đốc Sở. Nhưng kết quả điểm các bài thi của cháu công bố lần một thế nào, chấm thẩm định y như thế”.

Nhưng đến phiên tòa, cơ quan chức năng đã làm rõ việc ông Vũ Văn Sử có liên quan đến tiêu cực, thậm chí 2 cấp phó của ông đã phải hầu tòa.
Đặc biệt tại tòa, ông Sử  đã thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính.  

Bên cạnh đó, trong phiên tòa Chủ tọa đã đặt câu hỏi với ông Sử: “Ông đã nói với cấp dưới “quan tâm đến một số con em cán bộ lãnh đạo Hà Giang? Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, liệu đây có phải là mở lối cho tội phạm tiêu cực?”.

Ông Sử đã phân bua rằng đó chỉ là những câu nói trong câu chuyện hàng ngày khi ông ngồi uống nước với cấp dưới.

Ông Vũ Văn Sử đã bị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Khi Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có mật danh

Khi bê bối điểm thi bị phát giác, ông Trần Đức Quý là Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia, trả lời trong buổi họp báo, ông Quý cho rằng, bản thân cảm thấy buồn khi để xảy ra tình trạng trên nhưng điều quan trọng là đã giúp tìm ra được sự thật, trả lại công bằng cho các thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia cũng như trả lời báo chí và toàn thể người dân.

Cũng trả lời báo chí, ông Trần Đức Quý cho rằng đã rà soát và nhận thấy những vấn đề bất thường về điểm thi nên đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhờ hỗ trợ.

Địa phương phải làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn và quyết tâm triển khai để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang. Sai đến đâu phải làm, kể cả có vấn đề hình sự.

Cũng theo ông Quý, về quy trình, địa phương này rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng sẽ chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực.

Thấy ở đâu bất thường thì phải rà soát.

Nhân dân mong mỏi những kẻ phá hoại giáo dục, phá hoại niềm tin sẽ chịu những hình phạt thích đáng trước sự công minh của luật pháp. (Ảnh: LC)
Nhân dân mong mỏi những kẻ phá hoại giáo dục, phá hoại niềm tin sẽ chịu những hình phạt thích đáng trước sự công minh của luật pháp. (Ảnh: LC)

Tuy nhiên, điều không thể ngờ, khi tòa xét xử, đứng trước bục xét hỏi, khi được chất vấn về tin nhắn mang mật danh “Q”, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khẳng định người tên “Q” là ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

Tin nhắn có nội dung: “Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (Vũ Văn Sử - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) giữ. Hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về Sở là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký.

Bị cáo nhờ nâng điểm để tạo phúc được đánh giá là tích cực khai báo
Bị cáo nhờ nâng điểm để tạo phúc được đánh giá là tích cực khai báo

Song thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”. Trả lời tin nhắn trên, người tên “Q” nhắn lại: “Ok, có gì anh bàn với anh Sử”.

Chính ông Trần Đức Quý đã "nhúng tay" vào vụ bê bối gian lận điểm thi không hiểu ông Quý "cảm thấy buồn" vì điều gì.

Tại tòa, luật sư bào chữa của bị can Triệu Thị Chính cũng đã kiến nghị điều tra mở rộng đối với ông Trần Đức Quý.

Tháng 6/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã cảnh cáo ông Trần Đức Quý do vi phạm trong việc tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018.

Trần Phương