Ông Tập Cận Bình lại trở thành nạn nhân của lỗi chính tả

24/04/2016 09:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Phóng viên đã viết nhầm: "Quách Bá Hùng đang đối mặt với điều tra tham nhũng, trong khi Tập Cận Bình đã qua đời năm ngoái".

Nikkei Asian Review ngày 24/4 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa lại trở thành nạn nhân của lỗi đánh máy. Tờ South China Morning Post xuất bản tại Hồng Kông vừa đổi chủ đã phạm lỗi chính tả, vô tình thông báo rằng Chủ tịch nước Trung Quốc "qua đời năm ngoái".

Trong bản in phát hành hôm Thứ Sáu, tờ South China Morning Post có bài viết về việc ông Tập Cận Bình xuất hiện với chức vụ mới - Tổng chỉ huy, và bộ quân phục dã chiến tại Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp. Nhưng do lỗi đánh máy, lỗi chính tả đã khiến bài viết này loan báo ông Tập Cận Bình "qua đời từ năm ngoái".

Bài báo trên South China Morning Post xuất bản hôm Thứ Sáu 22/4. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Bài báo trên South China Morning Post xuất bản hôm Thứ Sáu 22/4. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Sự cố này dấy lên một cuộc tranh cãi không cần thiết về chủ sở hữu mới của tờ báo, tập đoàn Alibaba, một thương hiệu khổng lồ trong làng thương mại điện tử Trung Quốc.

Mã Vân (Jack Ma), Chủ tịch tập đoàn Alibaba vừa trả lời phỏng vấn độc quyền trên chính tờ báo của mình South China Morning Post rằng, ông có tham vọng biến SCMP thành một "kết nối giữa phương Tây và phương Đông". Nó sẽ đưa tin về châu Á và Trung Quốc "chính xác hơn".

Cuối tháng 12 năm ngoái, Mã Vân mua lại South China Morning Post với giá 266 triệu USD, động thái được giới quan sát tin rằng đây là nỗ lực mua ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là một hoạt động đầu tư tài chính sinh lời.

Trong câu kết thúc của bài báo hôm Thứ Sáu, phóng viên đã viết nhầm: "Quách Bá Hùng đang đối mặt với điều tra tham nhũng, trong khi Tập Cận Bình đã qua đời năm ngoái". Nhiều khả năng phóng viên này gõ nhầm tên Từ Tài Hậu thành Tập Cận Bình, bởi ký tự phiên âm chữ Tập là Xi, còn Từ là Xu.

Những lỗi chính tả như vậy ở Trung Quốc đại lục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các nhà báo có liên quan. Tân Hoa Xã đã phải xử lý sa thải phóng viên, biên tập viên vì gọi ông Tập Cận Bình là "lãnh đạo cuối cùng" thay vì "lãnh đạo hàng đầu". 4 biên tập viên của China News Service bị đình chỉ vì gõ nhầm từ "phát biểu" thành "từ chức" khi đưa tin về hoạt động của ông Tập Cận Bình.

Trong một động thái khác có liên quan, truyền thông Trung Quốc gần đây đã được nhắc nhở không sử dụng từ "cha Tập, mẹ Bành" để nói về vợ chồng ông Tập Cận Bình như một bài hát ca ngợi ông bà lưu hành trên internet, vì lo ngại chủ nghĩa sùng bái cá nhân thời Mao Trạch Đông lặp lại.

Tuy nhiên vẫn có người hoài nghi điều này. Liu Dehua, một nhà phê bình cho rằng nếu ông Tập Cận Bình thực sự muốn ngăn chặn tệ sùng bái cá nhân thì tại sao ông không ra một văn bản hành chính quy phạm để cấm nó. Việc theo đuổi quyền lực của ông Tập Cận Bình chưa có bất cứ dấu hiệu nào chững lại.

Gần đây ông đã kiêm thêm chức Tổng chỉ huy / Tổng tư lệnh Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp, cơ quan đầu não chỉ huy các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Điều này đã khiến một số người gọi ông Tập Cận Bình là "Chủ tịch toàn diện".

Hồng Thủy