Ông Vũ Quốc Hùng: "Cán bộ không thể nghèo, nhưng cũng không được hèn"

21/09/2013 08:43
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Một số cán bộ trước khi được bổ nhiệm thì họ là người tốt, nhưng khi có địa vị thì lại thiếu tu dưỡng và rồi trục lợi cho bản thân, đó là chuyện không hiếm. Theo tôi, đã là cán bộ thì không thể nghèo, nhưng cũng không được hèn".

Đó là nhận định của ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Hùng từng là Trưởng Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (lần 2) với chức năng thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII tháng 2/1999 về chỉnh đốn Đảng và chống tham nhũng. Ông từng tham gia chỉ đạo xử lý các vụ án lớn liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao.

Trung ương nghiêm khắc, địa phương phải làm theo

PV: Thưa ông, tại một buổi làm việc của Ủy ban TVQH mới đây về phòng chống tham nhũng, ông KSor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã chỉ rõ rằng: "Dân người ta nói những khu nhà to chưa có người ở không phải là nợ xấu đâu, có người mua cả rồi đấy, người ta nghỉ hưu là về ở thôi, miền Bắc thì quan chức tập trung mua nhà ở Hà Nội, miền Nam thì tập trung vào TP.HCM”. Ông có suy nghĩ gì khi nghe phát biểu của ông KSor Phước?

Ông Vũ Quốc Hùng: Ông KSor phước nói đúng rồi đấy, chứ không nói chơi. Từ khi tôi còn công tác cũng đã biết có chuyện quan chức ở các tỉnh tậu nhà lớn, nhà nhỏ ở Hà Nội, dưới hình thức là mua nhà cho con cái ở để học đại học. Họ rất kín đáo, chỉ khi nào nghỉ hưu rồi thì có thể mới về sống đó sống.

Ngay tại kỳ họp này, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ những nhận định của công luận, dư luận trong nước và quốc tế về hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng.

“Tôi đọc báo cáo thấy nói nhiều tiến bộ, nhưng khi nghe, xem thông tin bên ngoài thì buồn lắm. Các đồng chí phải đánh giá được những gì dư luận nói. Không tham nhũng thì lấy tiền đâu mà nhậu này nhậu kia, đi chơi này đi chơi kia, chức vụ này chức vụ kia. Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy...”.

Ở đây có vấn đề của cả pháp luật và đạo đức, nhưng nếu kiểm soát hành vi, kiểm soát thu nhập của công chức, viên chức không chặt chẽ thì khó mà giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

PV: Thực trạng đa số quan chức đều có nhà to ở địa phương và ở Hà Nội và các TP lớn, thậm chí rất nhiều nhà là chuyện không hề mới, nhưng bấy lâu nay nói tới kê khai tài sản dường như chúng ta làm chưa tốt, thưa ông?


Ông Vũ Quốc Hùng:
Lâu nay, chúng ta nói kê khai tài sản, nhưng lại làm hình thức, chiếu lệ cho xong. Người dân nhìn thấy quan chức có nhà to, vợ con họ đi xe hơi đẹp… vậy thì tại sao các cơ quan quản lý được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng lại không biết? Hoặc là biết nhưng có xử lý không?

Theo tôi, mọi việc phải được tiến hành từ trung ương, vì trên có nghiêm khắc thì dưới sẽ phải tuân theo. Cán bộ, lãnh đạo cấp trung ương mà gương mẫu đi trước thì các cấp dưới dù không muốn cũng không thể chối từ.

Vừa rồi, đồng chí Chủ tịch Quốc hội cũng đã nhắc đến một ý rất quan trọng khi nói về việc xây trụ sở nhà quốc hội, trụ sở của các cơ quan Đảng, của các Bộ, đã yêu cầu “Cái gì của Đảng, Chính phủ, Quốc hội tuyệt đối đừng để dân có tiếng ra, tiếng vào, các đồng chí phải làm rất kỹ, nghiêm túc”. Tôi cho rằng, minh bạch như vậy là rất đáng hoan nghênh, rất đáng quý và nó sẽ là “cú hích” cần thiết trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

PV: Ai cũng hiểu, chỉ những người có chức quyền thì mới có khả năng trục lợi, mà đã có chức quyền thì lại rất khéo che đậy và có nhiều mối quan hệ với các cấp, còn dân thì làm gì mà tham nhũng được. Nhưng đáng tiếc, ngay tại buổi họp về phòng chống tham nhũng của Ủy ban TVQH vừa qua, các đại biểu cũng đã chỉ rõ, có những vụ việc tham nhũng, sai phạm hàng tỷ đồng, nhưng lại đình chỉ điều tra hoặc xử rất nhẹ… điều đó đang làm giảm sút lòng tin của nhân dân...?

Ông Vũ Quốc Hùng: Nếu nói về các biện pháp phòng chống tham nhũng thì Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều rồi, chỉ có điều bây giờ thực hiện thế nào cho đúng, cho hiệu quả.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ có rất nhiều khó khăn, bởi mỗi ngày lại có những diễn biến mới, tham nhũng không chỉ là một vài cá nhân mà là những nhóm lợi ích… vì vậy mà có nhiều người không dám đấu tranh chống tham nhũng, vì họ sợ con cháu bị trả thù, thậm chí bản thân mình cũng bị trù dập.

Rồi chuyện người dân trộm cắp một hai triệu có khi bị bỏ tù, còn cán bộ tham nhũng cả tỷ đồng thì được đình chỉ điều tra hoặc xử rất nhẹ; Tham nhũng chính sách là vấn đề rất nguy hiểm, nó thể hiện rất rõ qua việc ban hành các văn bản làm lợi cho nhóm nào đó… tất cả những điều này không còn mới mà đã được nhắc đi nhắc lại từ hàng chục năm trước, ngay khi tôi còn công tác.

Tôi nghĩ trong lãng phí cũng có tham nhũng, về điểm này các cơ quan chức năng phải kiểm soát hết sức chặt chẽ, làm từng bước thận trọng thì sẽ sớm thu được kết quả tích cực. Tôi cũng đồng ý với quan điểm của ông KSor Phước là với những vụ án lớn, cứ định kỳ 3-4 tháng cơ quan chức năng phải công bố thông tin rộng rãi cho dư luận cả nước biết.

"Tôi tin chống tham nhũng sẽ thành công"

PV: Có những người trước đó rất tốt, nhưng khi có chức quyền thì bị “thoái hóa, biến chất”, theo ông thì vì sao?

Ông Vũ Quốc Hùng: Một số cán bộ trước khi được bổ nhiệm thì họ là người tốt, nhưng khi có địa vị thì lại thiếu tu dưỡng và rồi trục lợi cho bản thân, đó là chuyện không hiếm. Theo tôi, đã là cán bộ thì không thể nghèo, nhưng cũng không được hèn.

Nhà nước cần phải có chính sách đãi ngộ tốt, công khai, minh bạch về các đãi ngộ với từng vị trí lãnh đạo. Ngược lại, với từng cán bộ phải làm hết sức mình và trong sáng, còn nếu ai muốn làm giàu nhanh thì nên đi làm kinh doanh, chứ đừng làm cán bộ để trở nên giàu có. Đấy là tiền mồ hôi nước mắt của dân.

Hiện nay, Ủy ban KTTW đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”, trong đó chỉ rõ: Mối quan hệ không bình thường giữa quan chức với DN là một dạng tham nhũng đặc biệt dẫn đến nhóm lợi ích.

Nó có thể chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. Nó làm chậm sự phát triển của đất nước, vì tạo ra môi trường kinh doanh thiếu sự lành mạnh, nếu không muốn nói thẳng ra là tiêu cực. Quan chức thì dàn xếp để DN được hưởng ưu đãi, còn DN thì đáp ứng các phương tiện để quan chức chạy chọt, leo cao hơn… rồi chuyện cung cấp những dịch vụ khác như là chơi Golf, du học cho con cái… cũng đã xuất hiện.

PV: Với tất cả những gì còn ngổn ngang như vậy, ông có còn tin rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ thành công?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi tin sẽ thành công, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi. Tiến tới một xã hội công bằng, minh bạch là xu thế tất yếu của thế giới, và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc.

Ngọc Quang (Thực hiện)