Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN?

04/05/2018 07:34
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Sở dĩ có nhận định, băn khoăn này trong dư luận là vì đã có sự "lạc quan tếu" trong đánh giá hiện trạng Biển Đông "yên ả", trong khi thực tế diễn biến ngược.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32 được tổ chức tại Singapore, ngày 28/4/2018, đã kết thúc thành công sau một ngày thảo luận. 

Thông tin chính thức cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có những cuộc thảo luận tốt đẹp trong cuộc họp về các vấn đề khu vực cũng như những cam kết bên ngoài của ASEAN.

Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay:

Lãnh đạo các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông;

Ghi nhận lợi ích của khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC);

Các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 ở Singapore, ảnh: The Nation.
Các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 32 ở Singapore, ảnh: The Nation.

Các nước hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, khởi đầu cho việc đàm phán về lộ trình cho Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và các biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai.

Trong số này có việc thử nghiệm thành công đường dây nóng bộ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như Bộ quy tắc chống va chạm bất ngờ trên biển (CUES);

Lãnh đạo các nước ghi nhận quan ngại về việc bồi đắp và các hoạt động khác trên Biển Đông đã xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. 

Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, kiềm chế hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi giải pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

Cũng vào thời điểm này, Hội nghị các Ngoại trưởng 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), nhóm họp tại Canada, cũng đã ra Tuyên bố về tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông, vấn đề tự do hàng hải và bảo vệ môi trường ở các vùng biển quốc tế. 

Trong Tuyên bố chung này, các Ngoại trưởng G7 tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác quản lý hàng hải quốc tế để duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật định của luật pháp quốc tế và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) nhằm xây dựng lòng tin và đảm bảo an ninh; 

Đồng thời quản lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có hành động cưỡng chế, phù hợp với luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp đã được công nhận và cơ chế trọng tài. 

Liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, các Ngoại trưởng G7 nhấn mạnh:

“G-7 phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào làm leo thang căng thẳng và suy yếu ổn định khu vực cũng như trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cải tạo đất đai quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự".

Các Ngoại trưởng G7 đồng thời kêu gọi:

“Tất cả các bên cần tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện”. 

Ngoại trưởng các nước G-7 nhóm họp tại Canada, ảnh: blogs.state.gov.
Ngoại trưởng các nước G-7 nhóm họp tại Canada, ảnh: blogs.state.gov.

Nội dung của 2 Tuyên bố này về tình hình Biển Đông, mặc dù có những điểm giống nhau về nguyên tắc, nhưng đã được diễn đạt bằng những ngôn từ khác nhau, thể hiện lập trường và sự quan tâm ở những cấp độ khác nhau của 2 Hội nghị quốc tế quan trọng này. 

Nhiều ý kiến cho rằng Tuyên bố của Hội nghị G7 về tình hình Biển Đông là mạnh mẽ và khá cụ thể;

Trong khi đó, Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 32 vẫn còn dừng lại ở những nguyên tắc chung chung, chưa thật sự mạnh mẽ mà lẽ ra phải là điều ngược lại. 

Vì vậy, nhiều thắc mắc được đặt ra mà chúng tôi muốn được cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi để tìm câu trả lời thỏa đáng có thể. 
Do nhận định, đánh giá chủ quan về Biển Đông gần đây

Chúng tôi cho rằng, sở dĩ có sự so sánh và đánh giá khác nhau về lập trường của G-7 với lập trường của ASEAN trong vấn đề Biển Đông như đã nêu, là vì vừa qua đã có ý kiến, vì những động cơ khác nhau, cho rằng tình hình Biển Đông dường như yên ả hơn trong thời gian qua cũng như cách hành xử của nước Chủ tịch ASEAN - Singapore.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin phân tích cụ thể về tình hình Biển Đông có thực sự "yên ả" hay đang có những đợt sóng ngầm;

Trong bài viết tới, chúng tôi xin phân tích tiếp về ứng xử của Chủ tịch ASEAN - Singapore và một số kiến nghị chính sách.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Có ý kiến cho rằng, Biển Đông thời gian qua khá "yên ả" bởi vì Trung Quốc và các nước có yêu sách chủ quyền, quyền tài phán trong Biển Đông đang khởi động mạnh mẽ tiến trình đàm phán về COC, sau khi đã thống nhất được khung của văn bản này; song song với việc đàm phán để áp dụng giải tạm thời “cùng khai thác chung” trong Biển Đông…

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng tình hình Biển Đông đang diễn biến trái ngược, không như nhận định “lạc quan” đó.

Biển Đông vẫn đang dậy sóng, không chỉ là những con “sóng nổi” mà còn có cả là những đợt “sóng ngầm”, cưc kỳ nguy hiểm

Trung Quốc tiếp tục chủ trương “quân sự hóa Biển Đông” dưới nhiều hình thức

Căn cứ vào những động thái đã và đang diễn ra, có thể thấy rằng những nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định tại đây vẫn tồn tại. 

Dư luận trong khu vực hiện vẫn lo ngại về việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại các thực thể do nước này bồi lấp trái phép tại Biển Đông;

Mục tiêu của Trung Quốc là biến các thực thể này trở thành các căn cứ quân sự tấn công, với việc họ đã hoàn thiên đến 24 nhà chứa máy bay, cùng nhiều công sự trên 3 đảo nhân tạo Subi, Vành Khăn và Chữ Thập. 

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, sau khi hoàn tất việc xây dựng các cơ sở này, Trung Quốc sẽ có khả năng bố trí 3 trung đoàn máy bay chiến đấu tại quần đảo Trường Sa. 

Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN? ảnh 4

Tập Cận Bình duyệt binh quy mô lớn ở Biển Đông để chia lửa với Nga tại Syria?

Đối tượng tác chiến của Trung Quốc không phải là các nước nhỏ yếu ở xung quanh Biển Đông mà chủ yếu nhằm vào Mỹ. Trong tháng Ba, tháng Tư vừa qua Trung Quốc liên tục tập trận quy mô lớn trên Biển Đông, đáng chú ý là cuộc duyệt binh hải quân có sự hiện diện của ông Tập Cận Bình. 

Và gần đây nhất, kênh CNBC ngày 2/5 (3/5 giờ Hà Nội) đưa tin, Trung Quốc đã lặng lẽ cài đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không trên 3 đảo nhân tạo họ xây dựng ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam). 

Việc lắp đặt hệ thống tên lửa diễn ra sau khi cài đặt các thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu quân sự, có thể được sử dụng để làm gián đoạn các hệ thống truyền thông và ra đa đối phương.

Lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tại các địa điểm này là một bổ sung đáng kể vào danh mục quân sự hóa mà Bắc Kinh triển khai tại một trong những khu vực "tranh cãi nhất thế giới".

Những vũ khí này cũng đã xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Nhà nghiên cứu Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với CNBC, bất cứ vũ khí nào nhìn thấy ở Phú Lâm cuối cùng cũng sẽ hiện diện trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa… 

Trung Quốc nỗ lực vô hiệu hóa luật pháp quốc tế bằng nhân dân tệ

Tuy nhiên, hoạt động đáng được lưu ý nhất trong năm qua là việc Trung Quốc tập trung triển khai các hoạt động trên mặt trận kinh tế, ngoại giao, pháp lý, truyền thông, nhằm vô hiệu hóa Luật pháp và Thực tiễn quốc tế hiện hành, có khả năng cản trở  tham vọng của họ và, từ đó, tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý của họ trong Biển Đông.

Để thực hiện chiến thuật này, cùng với việc quân sự hóa trên thực địa, Trung Quốc nỗ lực xoa dịu tranh chấp trên Biển Đông bằng kinh tế, truyền thông. 

Trong thời gian qua, họ đã mời chào các dự án hấp dẫn, với các khoản đầu tư, hỗ trợ và cam kết sẽ đàm phán với các nước láng giềng để triển khai các dự án này; nhất là đại dự án thế kỷ Vành đai và con đường. 

Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN? ảnh 5

Vành đai và Con đường - "sáng kiến chinh phục lân bang" bằng phụ thuộc kinh tế?

Với tiềm lực kinh tế mạnh và sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 900 tỉ USD, Bắc Kinh dường như đã “thành công” trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đối với một số quốc gia trong khu vực, thậm chí có cả các quốc gia tranh chấp.

Malaysia đã đồng ý mua tàu chiến từ Trung Quốc, trong khi Philippines, sau khi “kết thân” với Bắc Kinh, cũng nhận được cam kết đầu tư hơn 24 tỉ USD… 

Mặt khác, Trung Quốc công khai coi mối đe dọa an ninh lớn nhất là sự do thám và giám sát của Mỹ trên Biển Đông. 

Việc ngăn và đánh bật sự hiện diện quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc, theo nhận xét của các chiến lược gia, có lẽ còn quan trọng hơn chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ. 

Từ thực tế nói trên, nhiều học giả nhân xét rằng Bắc Kinh đang dùng những "cử chỉ thân thiện" để che đậy các "ý định quyết đoán". 

Nhà nghiên cứu Fabrizio Bozzato của Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược Đài Loan cảnh báo: 

"Cuối cùng thì chính sách Biển Đông của họ (Trung Quốc) vẫn không thay đổi. Họ vẫn coi Biển Đông là của Trung Quốc. Tôi thấy ý định của họ rõ ràng là biến Biển Đông hoặc phần lớn Biển Đông trở thành của Trung Quốc vào năm 2030"

Trung Quốc giăng bẫy pháp lý

Trung Quốc đã rất khôn khéo “giăng bẫy pháp lý” trên Biển Đông, được ngụy trang bằng những hoạt động về kinh tế, dân sự, nghiên cứu khoa học kỹ thuật… nhằm giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách đường “lưỡi bò”, chiếm đến trên 90% diện tích Biển Đông. 

Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã áp dụng và phối hợp đồng bộ các mũi tiến công lợi hại, trong đó không thể không nói đến mũi tiến công pháp lý.

Nhiều học giả đã không sai khi ví mũi tiến công này là cuộc “chiến tranh pháp lý”.

Họ đã tính toán rất kỹ để phát động cuộc “chiến tranh pháp lý”, có tính toán kết hợp với các cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ lực và các cuộc chiến tranh khác mà dư luận được biết với tên gọi “chiến tranh mềm”, “xâm lược mềm”…

“Cuộc chiến tranh pháp lý” mà Trung Quốc tính toán triển khai trong thực tế nhằm thực hiện chủ trương chiến lược “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý của họ trên biển, thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế;

Phải chăng G-7 đang coi trọng Biển Đông hơn ASEAN? ảnh 6

Trung Quốc dùng chiêu gì đi nữa, cũng không thể biến “lưỡi bò” thành “lưỡi hổ"

Đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã bị Trung Quốc cố tình áp dụng sai, giải thích sai để hợp thức hóa yêu sách “lưỡi bò” đầy tham vọng của họ trong Biển Đông. 

Một trong số những nội dung của “cuộc chiến pháp lý” do Trung Quốc phát động là việc họ đã công bố chính thức đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa năm 1996;

Trong đó họ đã công khai xác nhận họ sẽ làm điều tương tự cho các quần đảo khác trong Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, vào lúc thích hợp. 

Việc làm này được các chuyên gia pháp lý khẳng định  rằng Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai quy định của Công ước, bằng cách dùng quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo. 

Từ đó, Trung Quốc khẳng định rằng họ có các vùng biển và thềm lục địa “liền kề” với 4 quần đảo (Tứ Sa) ở giữa Biển Đông. 

Sau khi chiếm đóng bất hợp pháp các thực thể địa lý không phải là đảo, họ bắt tay ngay việc đầu tư cải tạo chúng thành các đảo nhân tạo cực lớn.

Tiếp đến, họ đưa người ra sống trên các thực thể đó, xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, dân sự,  quân sự, thành lập các đơn vị hành chính (như cái gọi là thành phố Tam Sa…);

Họ công bố các quyết định hành chính, cấc lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm…là nhằm chứng minh rằng các thực thể địa lý đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sông kinh tế riêng”. 

Vì vậy, Trung Quốc lý giải rằng chúng có hiệu lực trong việc mở rộng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý. 

Và với bằng chứng ngụy tạo đó, họ khẳng định rằng yêu sách “lưỡi bò” hoàn toàn có cơ sở pháp lý; thậm chí rất “phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. 

Mỗi khi họ đã giành lấy “sự công nhận trên thực tế” yêu sách phi lý do họ chính thức nêu ra, các bên phải chính thức công nhận yêu sách phi lý này;

Và đó chính là “cơ sở” đề họ đòi quyền “thăm dò, khai thác chung” tài nguyên trong vùng “chồng lấn” được tạo nên bởi yêu sách đầy thâm độc này. 

Trong thực tế, họ đã sử dụng “lý lẽ” này để mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuốc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.

Với thực trạng Trung Quốc đã đầu tư xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa trong thời gian qua, yêu cầu thực hiện “Trung Hoa mộng”, thiết nghĩ Trung Quốc rất có khả năng sẽ tính đến việc sớm công bố hệ thống dường cơ sở ở Trường Sa theo cách mà họ đã thực hiện ở Hoàng Sa năm 1996;

Và họ có thể coi đây là một mũi tiến công chủ lực trong cuộc “chiến tranh pháp lý” mà họ đã và đang phát động, đặc biệt là trong bối cảnh dư luận trong và ngoài nước đang đòi cắt bỏ cái “lưỡi bò” bởi tính chất bất hợp pháp, phi lý, phản khoa học của nó.

Tiến sĩ Trần Công Trục