Philippines: Sẽ trục xuất Đại sứ Campuchia nếu tiếp tục cáo ốm

03/08/2012 14:00
Hồng Thủy, Vương Bích
(GDVN) - Đại sứ Campuchia không thể phớt lờ với giấy triệu tập của Chính phủ Philippines, nếu không đây sẽ chính là lý do ông Hos bị trục xuất ra khỏi Philippines

Có thể bạn quan tâm
> Tra cứu ĐIỂM THI ĐH-CĐ 2012 nhanh, chính xác nhất
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 

Đại sứ Campuchia tại Philippines ông Hos Sereythonh vừa qua đã đưa ra những phát biểu chỉ trích ngang ngược, nghiêm trọng chống lại chính quyền Philippines, nơi ông đang làm Đại sứ khiến giới chức và dư luận nước này hết sức bức xúc, phẫn nộ.

Đại sứ Campuchia tại Philippine, ông Hos Sereythonhs bị triệu kiến để giải thích về những phát ngôn khiến Philippines nổi giận
Đại sứ Campuchia tại Philippine, ông Hos Sereythonhs bị triệu kiến để giải thích về những phát ngôn khiến Philippines nổi giận

Mặc dù Philippines nhiều lần gửi công văn chính thức triệu Đại sứ Campuchia đến trụ sở Bộ Ngoại giao Philippines gặp ông Erlinda Basilio - Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách của Philippines, tuy nhiên ông Hos liên tục lấy cớ "bị ốm" để từ chối gặp.

Bộ Ngoại giao Philippines cho hay, Đại sứ Campuchia không thể phớt lờ với giấy triệu tập của Chính phủ Philippines, nếu không đây sẽ chính là lý do ông Hos bị trục xuất ra khỏi Philippines mặc dù cho rằng, có thể hình phạt này khá khắt khe. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng, Đại sứ một nước không chịu đối thoại với Chính phủ nước sở tại thật là nực cười bởi vai trò của Đại sứ là người kết nối, đối thoại. Tuy nhiên, phía Philippines vẫn tỏ ra kiên nhẫn khi cho biết: Hãy cho ông ấy thêm thời gian.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez

Một cựu quan chức Ngoại giao Philippines nhận định: “Đại sứ Campuchia, ông Hos không thể lấy lý do bị ốm để vắng mặt tại buổi triệu tập, nhưng tôi nghĩ rằng nên thảo luận riêng giữa hai nước về vấn đề này, tránh làm mối quan hệ Manila - Phnom Penh trở nên trầm trọng, mặc dù tôi cũng chưa biết phía Campuchia đã gặp ông ấy chưa.”

Khi được hỏi về việc trục xuất ông Hos ra khỏi Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Raul Hernandez cho biết: “Chúng tôi chưa có quyết định vào lúc này. Điều quan trọng là ông ta phải giải thích về cái gọi là “trò chơi chính trị bẩn thỉu” mà ông Hos đã nói”.

Trước đó, ngày 30/7 trong một bài viết gửi tờ Philstar, Đại sứ Campuchia cáo buộc Philippines và Việt Nam tìm cách “phá hoại và bắt cóc tuyên bố chung” trong cuộc gặp của ASEAN. Ông Hos nói Philippines và Việt Nam không nên đổ lỗi cho Campuchia về việc ASEAN không thể ra tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này.

Ảnh chụp màn hình bài phân tích: "Campuchia đã đẩy ASEAN vào một tương lai nguy hiểm" trên tờ The Nation xuất bản 15/7 tại Thái Lan
Ảnh chụp màn hình bài phân tích: "Campuchia đã đẩy ASEAN vào một tương lai nguy hiểm" trên tờ The Nation xuất bản 15/7 tại Thái Lan

Trong khi đó cả khối ASEAN đều biết và lên tiếng phản đối Chủ tịch luân phiên ASEAN chỉ lăm le bảo vệ lợi ích (phi pháp) của Trung Quốc, kẻ đã liên tục lobby mạnh mẽ và tìm mọi cách "ly gián" ASEAN trong vấn đề biển Đông từ trước Đối thoại Shangri-La 2012.

Campuchia đã cố ý hiểu sai và làm sai vai trò của một Chủ tịch luân phiên ASEAN khi tìm mọi cách ngăn cản việc đưa vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự, ghi vào tuyên bố chung dẫn đến sự rạn nứt, đổ vỡ nội khối chưa từng có.

Đặc biệt ở chỗ, đây không phải trường hợp đầu tiên và hy hữu do "lỡ miệng" của một cá nhân, một người đồng cấp của ông Hos, Đại sứ Campuchia tại Thái Lan cũng đã viết bài đăng trên tờ The Nation - Thái Lan đổ vấy trách nhiệm cho Philippines và Việt Nam "gây ra sự đổ vỡ của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua".

Giới học giả Thái Lan, Ngoại trưởng Singapore, Ngoại trưởng Indonesia đều đã lên tiếng phát biểu về cách hành xử của giới chức ngoại giao Campuchia. Một lời cảnh báo được đưa ra cho Phnom Penh, nếu họ tiếp tục "tham bát bỏ mâm", chạy theo những mòn hời trước mắt mà Trung Quốc "nhử", không sớm thì muộn, họ sẽ phải trả giá, cái giá khá đắt cho tên tuổi, uy tín trong khu vực và quốc tế.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy, Vương Bích