Putin: sẽ đáp trả "phi đối xứng" hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ

23/02/2012 08:01
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Nga sẽ tăng cường các lực lượng hạt nhân chiến lược, phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có, tìm cách đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ...
Thử tên lửa xuyên lục địa của Nga có thể nhìn thấy từ Na Uy
Thử tên lửa xuyên lục địa của Nga có thể nhìn thấy từ Na Uy

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 22/2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết, đối với việc Mỹ và châu Âu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa, Nga không nhất định phải xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, mà nên áp dụng các biện pháp đáp trả phi đối xứng như tăng cường sức mạnh hạt nhân và nghiên cứu chế tạo vũ khí thông minh, chính xác cao.

Khi thị sát quân đội tại ngoại ô Moscow cùng ngày, Putin cho rằng, Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu sẽ phá hoại cân bằng chiến lược toàn cầu, Nga không có ý định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa riêng để chống lại, mà tìm cách tăng cường các lực lượng hạt nhân chiến lược,

phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có, tìm các biện pháp đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ-Âu, đồng thời thông qua các biện pháp như xây dựng trạm radar cảnh báo sớm để đáp trả mang tính chất phi đối xứng.

Putin cho biết, Nga sẽ tập trung vào tăng cường sản xuất và phát triển vũ khí tinh vi, đồng thời hoàn thành đổi mới, nâng cấp trang bị của Quân đội Nga trong vài năm tới, làm cho tỷ lệ vũ khí trang bị mới của Quân đội Nga không thấp hơn 70%.

Ông nhấn mạnh, Quân đội Nga ưu tiên xem xét phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược, lực lượng phòng thủ trên không, không quân, các hệ thống điện tử, radar, trinh sát và tự động hóa.

Nga đang tăng cường triển khai radar cảnh báo tên lửa Voronezh.
Nga đang tăng cường triển khai radar cảnh báo tên lửa Voronezh.

Putin cũng vừa có có bài viết trên báo chí cho biết, trong 10 năm tới, Quân đội Nga sẽ tiến hành đổi mới trang bị có tính hệ thống và quy mô lớn.

Ông cho rằng, Nga duy trì cân bằng lực lượng chiến lược toàn cầu là nhằm phát triển khả năng đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa, chứ không phải là xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa hào nhoáng, trống trơn.

Tháng 11/2010, tại hội nghị Lisbon, các nhà lãnh đạo NATO đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa bao trùm cả châu Âu, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu sẽ trở thành một bộ phận quan trọng của nó. NATO còn mời Nga tham gia xây dựng hệ thống này.

Nhưng Nga cho rằng, hệ thống này đe dọa an ninh chiến lược của họ, yêu cầu NATO đưa ra cam kết pháp lý rằng hệ thống này không nhằm vào Nga. NATO từ chối đưa ra cam kết này, hơn nữa còn đơn phương đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu.

Đáp lại, tháng 11/2011, Nga đã tuyên bố một loạt biện pháp đáp trả.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga được cho là ưu việt hơn F-35 của Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga được cho là ưu việt hơn F-35 của Mỹ.
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)