Quốc hội: Quy hoạch đất sẽ vỡ hàng loạt nếu...

30/09/2011 06:55
THÀNH VĂN
Chủ tịch Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách… không an tâm với tờ trình của Chính phủ.
Ngày 29-9, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ về nội dung: Đến năm 2020 sẽ có khoảng 300.000 ha đất lúa bị chuyển sang sử dụng vào mục đích khác (từ 4,1 triệu ha xuống còn 3,81 triệu ha), nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) lo lắng thật sự….
Quy hoạch đất sẽ vỡ hàng loạt
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc bảo vệ được 3,8 triệu ha lúa còn lại là không dễ dàng. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng an ninh lương thực của đất nước. “Chúng ta phải có các biện pháp không để đất lúa mất nhiều hơn quy hoạch. Nếu mất đi, đồng nghĩa không còn gì là an ninh lương thực nữa” - ông Hùng nói.
Trấn an, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định: Nếu giảm đi 300.000 ha thì chúng ta vẫn còn đến 3,8 triệu ha đất lúa, vẫn đảm bảo an ninh lương thực. Chúng ta sẽ thực hiện việc khoanh vùng, cắm mốc để bảo vệ nghiêm ngặt 3,8 triệu ha đất lúa còn lại.
Ông Hùng vẫn chưa an tâm: “Thế thì các anh (đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - PV) có thể khẳng định ngay trước Ủy ban TVQH là đất công nghiệp các anh sẽ không lấy từ đất lúa không? Vì nếu các anh chỉ lấy khoảng 100.000 ha đất lúa bị giảm đó vào làm đất công nghiệp, thì kế hoạch sử dụng đất mà các anh xây dựng sẽ bị phá sản”.
Trước câu hỏi trên, ông Hiển thừa nhận trong số 300.000 ha đất lúa bị giảm để chuyển đổi vào mục đích khác, có khoảng 45.000 ha được quy hoạch sử dụng làm công nghiệp.
Xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp ở vùng ven TP.HCM. Ảnh: HTD
Xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp ở vùng ven TP.HCM. Ảnh: HTD
Nghe thế, ông Hùng nói thẳng: “Quy hoạch trên là không khả thi. Vì khi lấy đất lúa làm đất công nghiệp sẽ tăng dân số, kéo theo là phải có đất để xây dựng trường học, làm giao thông, đất để cho công nhân xây dựng nhà ở… Nếu như thế thì không những quy hoạch về đất lúa vỡ mà đất dịch vụ, đất y tế, đất giáo dục, đất dân cư cũng vỡ hết!”.

Nông dân sẽ không còn đất để làm ăn

 

Đề cập những vi phạm trong quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bức xúc: “Những năm qua, việc tăng, giảm các loại đất sử dụng thường diễn ra một cách đột xuất, trong đó có một phần từ căn “bệnh” thành tích. Nhiều đồng chí chủ tịch tỉnh khi mới lên thì đồng chí nào cũng muốn làm để tạo dấu ấn. Thành thử các đồng chí ấy thường làm một vài khu công nghiệp, dẫn đến lấy đất lúa để làm.

Với đà này thì không chỉ 3,8 triệu ha mà ngay cả đến 3,6 triệu ha cũng khó mà giữ được. Phải xem xét và rút ra bài học trách nhiệm trong việc vi phạm quy hoạch này”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển bổ sung: “Vi phạm về đất đai, lãng phí, thất thoát, tiêu cực liên quan đến đất đai rất nhiều. Hiện nay đất công nghiệp của nước ta toàn ở khu đất màu mỡ.

Cứ tiếp tục như hiện nay thì nông dân sẽ không còn ruộng đất để làm ăn, kéo theo những bức xúc trong xã hội nảy sinh, phức tạp”. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng báo cáo của Chính phủ cần phải phân tích làm rõ thực trạng quy hoạch đất đai của chúng ta hiện nay ra sao. Ví dụ nhóm đất giáo dục, y tế… không đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra là do đâu, do ai?

Phải chỉ rõ những chính sách quản lý đất đai của ta hiện nay có bất cập gì? Ủy ban Kinh tế kiến nghị: Quốc hội chỉ nên quyết định các chỉ tiêu lớn, quan trọng, mang tính định hướng; còn các chỉ tiêu cụ thể thì giao Chính phủ, chính quyền các cấp phê duyệt theo thẩm quyền.

Khi nghe thế, ông Phan Trung Lý nói như thế là không phù hợp. Quốc hội phải quyết hết những chỉ tiêu đó chứ không thể để Chính phủ, địa phương quyết. Ông cũng chưa đồng tình khi Chính phủ chỉ gửi tờ trình chứ không gửi bản quy hoạch cho TVQH.

“Các đồng chí không thể lấy tờ trình làm nội dung. Bản chính quy hoạch đâu, sao các đồng chí không gửi mà lại gửi bản tóm tắt. Tóm tắt thế này, lại không có quy hoạch thì làm sao mà TVQH quyết được” - ông Lý nói.

THÀNH VĂN